Trong nước

Ô nhiễm môi trường ở Hà Tĩnh còn nhiều nỗi lo

Cùng với việc phát triển kinh tế -xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp -dịch vụ, Hà Tĩnh ngày càng có nhiều dự án lớn đang được triển khai, thực trạng môi trường và công tác bảo vệ hiện đang có những vấn đề đáng quan tâm.

Từ lâu, vấn đề xử lí chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đã trở thành đề tài nóng bỏng không chỉ trên diễn đàn nhiều hội nghị mà còn tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Vấn đề này đang ngày càng trở nên bức xúc hơn khi Hà Tĩnh đã có qui hoạch bãi chứa và xử lí rác thải ở các đô thị đến năm 2020 (Quyết định số 3531/QĐ-UBND ngày 9/12/2008 của UBND tỉnh) nhưng cho đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện do chưa có kinh phí.


Hiện tại trên địa bàn 12 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh mới chỉ có 4 bãi rác được đầu tư xây dựng (ở Thành phố Hà Tĩnh, Thị xã Hồng Lĩnh, Khu du lịch Thiên Cầm và Xuân Thành); các huyện còn lại chỉ có bãi rác tạm, không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Trong thực tế, mỗi năm, lượng rác thải, chất thải rắn các loại mới chỉ thu gom được 70% để đưa về các bãi chứa và xử lí rác; 30% còn lại nằm ở khắp các xó xỉnh, gây ảnh hưởng đến môi trường.


Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm nhưng ô nhiễm môi trường mà nó để lại trên địa bàn Hà Tĩnh còn khá nặng nề và không biết bao năm nữa mới xử lí xong. Theo báo cáo từ ngành chức năng, xăng dầu bị vỡ đường ống do bom đạn trong chiến tranh đã ngấm sâu vào lòng đất, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí chiếm phạm vị khoảng 4.500 ha tại các xã: Gia Phố, Phú Phong, Hương Long (Hương Khê) và Đức Bồng, Đức Lạng (Đức Thọ).


Thêm vào đó, các tồn dư hoá chất bảo vệ thực vật độc hại trong thời kỳ chiến tranh với số lượng khoảng trên 10 tấn và 1000 lít dạng nước (DDT, 666) tại 12 điểm tại: Thạch Lưu (Thạch Hà), Cẩm Thành (Cẩm Xuyên), Vĩnh Lộc (Can Lộc)… đã gây ô nhiễm nặng nề đến môi trường đất, nguồn nước, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và đời sống sinh hoạt hàng ngày, hàng giờ của người dân.


Cùng với quá trình phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các cở sản xuất, các làng nghề, các dự án… trên địa bàn là sự đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, chưa thoả đáng hệ thống xử lí chất thải; nhiều cơ sở sản xuất có công nghệ cũ kỹ, lạc hậu chưa được thay thế hay ngại tốn kém mà bỏ qua khâu xử lí đang gây bất bình tại nhiều khu dân cư cũng góp phần đáng kể đến tình trạng ô nhiễm môi trường trong và ngoài tỉnh.


Đồng hành với những khó khăn, thách thức trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do thiên tai, bão lũ… hằng năm, chất thải y tế chưa được xử lí đang thật sự làm đau đầu các ngành chức trách. “Ô nhiễm môi trường do chất thải y tế chưa được xử lí gây ra dù chưa có thống kê nào nhưng thật sự không thể xem thường” – một cán bộ ngành y tế cảnh báo. Toàn tỉnh hiện có 17 bệnh viện, 20 phòng khám đa khoa, 261 trạm y tế và nhiều phòng khám tư nhân khác nhưng chỉ Bệnh viện Đa khoa tỉnh có hệ thống xử lí chất thải đúng nghĩa. (Bệnh viện Hương Khê cũng vừa đưa vào thử nghiệm lò xử lí rác thải y tế).


Dù vậy cũng cần ghi nhận rằng, trong thời gian qua tỉnh ta cũng đã có những quan tâm, nỗ lực nhất định trong việc thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường (BVMT) ở địa phương. Kết quả thực hiện các văn bản trên đều có tác dụng tích cực trong công tác BVMT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua: 3/4 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiệm trọng đã được xử lí nghiêm theo pháp luật, cơ sở còn lại đang được tỉnh tiếp tục hoàn thành việc xử lí; triển khai tốt việc thu phí BVMT đối với nước thải theo NĐ67 và NĐ04, được Bộ Tài nguyên &Môi trường đánh giá cao so với một số tỉnh khác.


Những tồn tại, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn đã và đang được các ngành, các cấp trong tỉnh tập trung giải quyết. Trước mắt là tìm nguồn vốn xây dựng các nhà máy xử lí chất thải rắn và thành lập các tổ chức để thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường ở các địa phương. Hiện Hà Tĩnh đang tập trung đầu tư xử lí gắn trong Chương trình Cải tạo, nâng cấp hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn. Tình trạng ô nhiễm do hậu quả của chiến tranh để lại cũng đang được tỉnh quan tâm, xử lí.


Trọng Nghĩa

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP