Tăng giá ngày thường để đẩy giá tết
Theo một cán bộ phòng vé bến xe miền Đông, Hãng xe Hồng Hải chạy tuyến TP.HCM – Gia Lai (có quầy bán vé trong bến xe miền Đông), trước thời điểm tăng giá, vé giường nằm có giá 250.000 đồng. Đầu tháng 12-2013, tuyến xe này tăng giá vé ngày thường thêm 8%, tức mức giá mới là 270.000 đồng. Như vậy, với mức tăng giá vé mới nhất này cộng với mức phụ thu cho phép là 60%, giá vé ngày tết bị đẩy lên thành 432.000 đồng thay vì 400.000 đồng (nếu không tăng giá ngày thường).
Được các cơ quan chức năng cho phép tăng giá từ 1-12-2013, Hãng xe Sao Vàng đang hoạt động trong bến xe miền Đông nâng giá vé ghế ngồi chặng TP.HCM – Quảng Ngãi từ 320.000 đồng lên 340.000 đồng, giường nằm từ 370.000 đồng lên 390.000 đồng. Với mức giá vé ngày thường sau khi được điều chỉnh, mức giá vé tết lần lượt là 544.000 đồng đối với ghế ngồi và 624.000 đồng giường nằm (sau phụ thu 60%). Tương tự, Hãng xe Chín Nghĩa cũng chạy cùng tuyến TP.HCM – Quảng Ngãi đã kịp thời tăng giá vé ghế ngồi và vé giường nằm ngày thường tương đương với Hãng xe Sao Vàng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số hãng xe ngày thường vẫn chạy những tuyến đường có cự ly gần nhưng trong dịp tết chỉ bán vé những chặng xa. Hành khách có nhu cầu đi chặng đường gần hơn, thậm chí đi một nửa lộ trình trên vé, cũng phải mua vé nguyên chặng. Anh Tạo (quê Hà Tĩnh) cho biết ngày 20-12, anh gọi điện đến Hãng xe Hoàng Long để đặt vé xe tết giường nằm từ TP.HCM về Hà Tĩnh. Khi nhân viên báo giá 1.699.000 đồng, anh Tạo choáng váng vì trước đó khoảng vài tháng, anh đi xe của hãng này về Hà Tĩnh với giá vé là 710.000 đồng. “Tính ra, vé xe tết của hãng này đã tăng đến 139% so với giá vé ngày thường. Tôi thường xuyên đi công tác các tỉnh phía Bắc, thấy Hãng xe Hoàng Long có chất lượng phục vụ tốt nên cả năm qua tôi luôn ủng hộ hãng xe này. Thế nhưng với việc tăng giá vé, tôi sẽ không chọn xe của hãng này để đi lại nữa. Trước mắt, tết này tôi sẽ bù thêm ít tiền để mua vé máy bay về cho khỏe” – anh Tạo bức xúc nói.
Để xác thực sự việc, chúng tôi gọi vào số điện thoại trên trang web http://xekhachhoanglong.com.vn để đặt vé xe tết Hãng xe Hoàng Long đi Hà Tĩnh ngày 26 tháng chạp. Nhân viên tên Hà cho biết giá vé là 1.699.000 đồng, có thể nhận vé tại quầy vé bến xe miền Đông. Khi chúng tôi thắc mắc vì sao giá vé lại mắc hơn gấp đôi ngày thường, nhân viên Hà cho biết: “Giá vé ngày đó (26 tết – PV) tăng 60-70% nên giá đó là hợp lý. Hãng xe chỉ bán vé nguyên chặng Sài Gòn – Hà Nội, anh muốn xuống đâu thì xuống”. Như vậy, nhiều hành khách có nhu cầu về các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… nếu chọn lựa hãng xe này sẽ phải mất một khoản tiền lớn cho một chặng đường mà mình không đi.
Các hãng xe bán vé bên ngoài bến xe miền Đông cũng tranh thủ cơ hội ào ạt tăng giá. Ngày 23-12, anh Nguyễn Ngọc Văn (quê Nha Trang) cho biết anh vừa mua vé xe tết đi ngày 27 tháng chạp của Hãng xe Phương Nam (trụ sở tại đường Phạm Ngũ Lão, Q.1) với lộ trình TP.HCM – Nha Trang. Theo anh Ngọc, giá vé ngày thường của hãng xe này anh thường đi là 220.000 đồng nhưng giá vé xe tết là 500.000 đồng, tăng 127%. Anh Văn thắc mắc với nhân viên bán vé vì sao cùng chặng đường, cùng ngày đi, nhiều hãng xe có giá thấp hơn nhiều thì được người này giải thích: “Giá vé mỗi hãng xe mỗi khác”.
“Lách luật”
Ông Thượng Thanh Hải, phó giám đốc bến xe miền Đông, cho biết theo quy định, các hãng xe khi muốn tăng hoặc giảm giá vé đều phải kê khai và được các cơ quan chức năng duyệt mới được thực hiện và niêm yết tại bến xe miền Đông. Tuy nhiên trên thực tế, các hãng xe “lách luật” bằng cách kê khai giá vé xe thấp dùng để niêm yết và khai thác trong những ngày thường. Bên cạnh đó, các hãng xe sẽ thủ sẵn một bộ hồ sơ xin tăng giá vé ngày thường và đã được duyệt. Đợi đến dịp lễ tết, khi được phép phụ thu, các hãng xe này sẽ trình giá vé mới cho bến xe và phụ thu trên giá vé mới, cao hơn giá vé ngày thường để hưởng lợi từ việc phụ thu giá vé chiều chạy rỗng. Đối với 22 doanh nghiệp tăng giá vé ngày thường trước thời điểm 10-12 đều đã được các cơ quan chức năng đồng ý nên bến xe miền Đông không thể can thiệp.
Trả lời về việc nhiều doanh nghiệp tranh thủ tăng giá vé ngày thường để hưởng lợi từ việc phụ thu giá vé ngày tết, ông Phạm Đình Đức – trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP.HCM – cho biết các hãng xe tăng giá vé ngày thường như báo Tuổi Trẻ đã nêu đều thuộc tỉnh, thành phố khác quản lý nên việc thực hiện kê khai niêm yết giá cước được sở GTVT, sở tài chính, chi cục thuế các tỉnh thành đó quản lý và xem xét việc tăng giá.
MẬU TRƯỜNG – NGỌC ẨN
Chưa có công cụ nào xử lý vi phạm
Ông Dương Hồng Thanh – phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM – cho biết lực lượng thanh tra sở chỉ xử lý các doanh nghiệp trong bến tăng giá vé quá cao, còn đối với các doanh nghiệp bán giá vé cao ở ngoài bến xe thì đến nay các cơ quan chức năng chưa có công cụ nào để xử lý xe vi phạm. Theo ông, doanh nghiệp vi phạm về giá thì phải do ngành công thương xử lý. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan chức năng cần họp bàn và nên áp dụng biện pháp tạm giữ xe doanh nghiệp vi phạm, không thể áp dụng biện pháp đình chỉ xe hoạt động như cách xử lý ở các bến xe.
* Sở GTVT TP.HCM vừa có kế hoạch phục vụ vận tải khách đường bộ Tết Nguyên đán 2014. Trong đó, Sở GTVT TP khuyến nghị người dân có nhu cầu cứ vào bến xe để mua vé, không nên nghe các đối tượng gạ gẫm mua vé tại các tụ điểm xe khách trái phép bên ngoài. Bên cạnh đó, sở đã chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường hoạt động thanh tra tại các bến xe khách liên tỉnh, điểm đón trả khách trái phép và xử lý nghiêm các vi phạm.
QUANG KHẢI