Cộng đồng mạng

Nóng trên mạng xã hội: Vợ chồng ông lão đánh cá U.70 chăm 10 con nuôi

Một phụ nữ đăng ảnh nhiều em nhỏ đang chuẩn bị ăn cơm cùng ông lão là “người cha” bọn trẻ lên Faecbook cá nhân với tựa đề “Ông lão đánh cá và đàn con nuôi”, đã thu hút hàng ngàn lượt thích, bình luận và chia sẻ.

Những đứa trẻ do vợ chồng ông Tam cưu mang bây giờ đã khôn lớn
Phạm Đức

Theo xác minh của PV Thanh Niên, câu chuyện cổ tích trên đã diễn ra suốt 4 năm qua. Vợ chồng lão ngư Nguyễn Hữu Tam (63 tuổi, ngụ thôn Bắc Lạc, xã Thạch Lạc, H.Thạch Hà, Hà Tĩnh) và Trần Thị Hương (65 tuổi) lặng lẽ hy sinh thời gian an hưởng tuổi già để cưu mang, nuôi nấng 10 đứa trẻ bất hạnh từ lúc nằm nôi.

Chòm xóm nói “điên”

Trong ngôi nhà mang tên “Mái ấm tình cha” khá khang trang được nhà hảo tâm xây cho trên đất nhà, ông Tam vừa đan lưới vừa cho biết vợ chồng ông có 6 người con, hiện đều đã khôn lớn. Bà Hương là giáo viên Trường tiểu học xã Thạch Lạc đã về hưu. Một ngày cuối tháng 5.2015, vợ chồng ông bất ngờ dắt về nhà 10 đứa trẻ không phải họ hàng ruột thịt để chăm sóc, khiến bà con xóm làng và chính quyền địa phương ngỡ ngàng.

“Tôi có người anh con bác lập ra 3 trung tâm cưu mang trẻ mồ côi, cơ nhỡ và những người bị bệnh phong ở TP.HCM. Anh ấy có nhờ vợ chồng tôi cưu mang 10 trẻ này”, ông Tam kể và cho biết vợ chồng ông đã đồng ý ngay bởi giúp được những trẻ mồ côi, bị bỏ rơi là làm việc thiện, tạo phúc cho con cháu.

Thời gian đầu, hàng xóm nói vợ chồng ông “bị điên” vì đến tuổi già nghỉ ngơi lại đi rước lũ trẻ về “chăm con mọn”. Bỏ ngoài tai, hai vợ chồng già lặng lẽ chăm sóc để bù đắp cho 10 đứa trẻ chỉ mới từ 2 tháng đến 2 tuổi đang thiếu tình thương, khát sữa.

“Cháu thì sinh ra bị cha mẹ bỏ rơi, cháu thì do mẹ tâm thần bị người ta lừa lọc đến có thai, có cháu là “thành quả” của những mối tình vụng trộm... Cả 10 cháu đều thiệt thòi. Vợ chồng tôi muốn thay cha mẹ chúng nuôi nấng và cho ăn học thành người”, bà Hương tâm sự.
Chắt chiu từng đồng thu nhập

4 năm qua, 10 đứa trẻ bất hạnh luôn được vợ chồng lão ngư nuôi nấng, chăm sóc như con ruột. Các bé được ăn uống đầy đủ, được đến trường học như bao đứa trẻ khác.

Bà Hương kể, những ngày đầu nhận nuôi, bọn trẻ khi đói sữa đồng thanh khóc khiến ông bà trở tay không kịp. Bà phải nhờ chị gái, con gái ở gần nhà và hàng xóm sang phụ pha sữa, thay bỉm. Có đến 10 đứa nên ông bà phải bố trí sẵn 10 bình sữa, 10 tá bỉm.

“Vất vả nhất là đêm hôm vợ chồng tôi phân chia việc: ông pha sữa thì bà thay bỉm. Nhưng vất vả qua rồi. Giờ đứa lớn tuổi nhất năm sau lên lớp 2, các bé còn lại đang học mẫu giáo”, bà Hương nói. Rất may là con trai thứ của vợ chồng bà làm y sĩ, nhà ở sát bên nên luôn hỗ trợ các bé lúc ốm đau.

“Trước đây, tiền bỉm, sữa có khi hết cả chục triệu đồng/tháng. Số tiền này tôi trích lương hưu hơn 4 triệu đồng, cộng với tiền đi biển kiếm được và một phần của các tổ chức từ thiện hỗ trợ. Khi không có tiền, chúng tôi ra quán mua nợ. May là các nhà hảo tâm cũng chia sẻ hỗ trợ”, bà Hương cho biết. Còn ông Tam luôn cảm thấy rất vui khi nghe bọn trẻ hồn nhiên gọi ông bằng hai tiếng “cha ông”. Ông bà cho biết sau này sẽ giao 10 đứa trẻ cho vợ chồng người con gái thứ 4 chăm sóc. Vợ chồng con gái ông cũng đã đồng ý đảm đương việc “vác tù và hàng tổng” này.

Theo ông Dương Kim Mậu, Chủ tịch UBND xã Thạch Lạc, vợ chồng ông Tam cưu mang những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ khiến ai cũng cảm động. Hiện chính quyền đã hướng dẫn vợ chồng ông Tam hoàn tất một số thủ tục pháp lý nhận nuôi con còn thiếu, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho những trẻ.

Tác giả: Phạm Đức

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP