Sinh viên thực hành tiếng Anh tại chương trình English Exchange do CLB IEC - ĐH KHXH&NV TP.HCM tổ chức - Ảnh: CLB IEC |
Chọn nhầm trung tâm "dỏm"
Hầu hết sinh viên thường đến học tại các trung tâm Anh ngữ để cải thiện kĩ năng tiếng Anh. Không may, nhiều bạn lại bị bẫy, dẫn đến tiền mất mà không học được chút kiến thức gì.
Quỳnh Như, sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, chia sẻ: "Năm ngoái, mình đăng kí một khóa luyện thi TOEIC. Đóng tiền xong, đến khi đi học mình mới vỡ lẽ tất cả không như những lời quảng cáo mà chị trong trung tâm đã nói. Một tuần học ba buổi, mỗi buổi một tiếng rưỡi, nhưng giáo viên đi trễ đến nửa tiếng.
Tài liệu học cũng chỉ là giáo trình photo từ các sách nước ngoài và được bán với giá cao. Thất vọng hơn, vào lớp giáo viên dạy thì ít mà nói chuyện trên trời dưới đất với học viên thì nhiều. Giờ học trôi qua một cách chóng vánh mà những gì mình được dạy chỉ là một bài tập nhỏ trong sách không hơn không kém".
Yến Thi, sinh viên ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM cũng từng rơi vào trường hợp lừa đảo bởi trung tâm Anh ngữ.
Cô kể: "Cách đây không lâu, mình nhận được email từ một trung tâm tiếng Anh thông báo được nhận một suất học bổng học miễn phí tại trung tâm. Tuy nhiên, họ có yêu cầu học viên phải đóng một khoản phí nhỏ, khoảng 100 nghìn đồng một tháng tiền giáo trình và cơ sở vật chất.
Mỗi lần thu thường là 2-3 tháng liền, tức từ 200 nghìn đến 300 nghìn khi đồng ý đăng kí học. Sau khi chuyển tiền xong, mình đợi mãi mà không thấy liên hệ lại mới biết đã bị lừa".
Tự học không đúng cách
Trong thời đại công nghệ thông tin, nhiều bạn cho rằng chỉ với một chiếc smartphone hoặc máy tính có kết nối Internet, bản thân đã có thể học tiếng Anh dễ dàng mà không cần tìm đến các trung tâm. Trên Facebook hiện nay cũng xuất hiện nhiều trang, nhóm hướng dẫn tự học tiếng Anh online với nhiều tài liệu được chia sẻ.
Thế nhưng, phần lớn sinh viên lại không áp dụng thành công phương pháp tự học trên. Mặc dù học hành chăm chỉ, kết quả đạt được lại không mấy khả quan. Nhiều bạn còn quên luôn cả việc học tiếng Anh, dành thời gian cho những mục tiêu khác.
Mỹ Duyên, sinh viên ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết: "Không có điều kiện và thời gian đến trung tâm, mình chọn phương pháp tự học vào thời gian rảnh. Tuy nhiên, sau hai tháng, đâu lại vào đấy. Việc học trên lớp, tham gia CLB, làm thêm, lại không có sự thúc ép khiến bản thân bỏ bê mục tiêu đã đề ra.
Không chỉ vậy, sử dụng những giáo trình trên mạng, không có sự hướng dẫn khiến mỗi lần học tiếng Anh mình lại thấy chán nản. Bơi trong bể kiến thức rộng lớn, chẳng biết bắt đầu học từ đâu làm mình càng ngày càng thấy sợ. Một năm trôi qua, tiếng Anh của mình vẫn chẳng thể cải thiện".
Làm gì để giải quyết nỗi lo?
Nếu chọn trung tâm làm nơi để trao dồi ngoại ngữ, có 4 tiêu chí chọn trung tâm Anh ngữ chất lượng được chia sẻ khá rộng rãi gần đây. Chất lượng giảng dạy của giáo viên, mức độ uy tín, phương pháp đào tạo và cơ sở vật chất, hạ tầng là những điều kiện tiên quyết để bạn có thể lựa chọn nơi phù hợp.
Đối với ai muốn áp dụng phương pháp tự học, cô Đặng Bảo Kim, giảng viên tiếng Anh ĐH KHXH&NV TP.HCM, khuyên: "Mỗi sinh viên có mục đích khác nhau về học ngoại ngữ: có bạn sẽ học vì đam mê, vì để hỗ trợ cho việc làm tương lai, cũng có bạn học chỉ để đạt yêu cầu tốt nghiệp. Vì thế, để có một lộ trình duy nhất cho một mục đích là hoàn toàn không thể.
Các chứng chỉ ngoại ngữ khác nhau cũng cần lộ trình học khác nhau. Tuy nhiên, lúc bắt đầu, các bạn nên học một cách thông minh, tức là học ít nhưng ứng dụng được nhiều. Đấy là áp dụng theo nguyên tắc 20/80 của Pareto. Mình có thể học 20% nhưng vẫn có thể đạt được 80% kết quả.
Để làm được điều này trong việc học ngoại ngữ, hãy bắt đầu với 20% số lượng từ vựng, ngữ pháp có tính phổ biến (most common used), 80% các kiến thức còn lại sẽ được học sau đó qua đọc sách và học nâng cao.
Ngoài ra, các bạn nên tranh thủ các thời gian ngắn hạn (trong tiếng Anh gọi là pocket time) trên xe bus hoặc trước khi vào học để ôn lại kiến thức đã học trên lớp. Việc ôn lại, nhắc lại là cần thiết để não bộ lưu các kiến thức này vào ngăn 'ký ức dài hạn' (long-term memory)".
Tác giả: HUYỀN MAI
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ