Đồng bào dân tộc Khmer sinh sống ở Nam bộ với hơn 1 triệu người và có một ngôn ngữ có tính hệ thống chặt chẽ, đáp ứng đủ về từ vựng, ngữ âm, cấu tạo từ… như các ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, từ trước đến nay vẫn chưa nơi đào tạo bài bản về ngôn ngữ Khmer; phần đông con em đồng bào Khmer học tiếng Khmer ở các trường dân tộc nội trú hay các chùa. Năm 2011, khoa Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam bộ (Trường Đại học Trà Vinh) mở chuyên ngành đào tạo ngôn ngữ Khmer với đối tượng chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Khmer theo học.
Sinh viên học ngành ngôn ngữ Khmer tại trường ĐH Trà Vinh
TS. Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam bộ cho biết: “Ngôn ngữ Khmer cũng giống các ngôn ngữ khác như: tiếng Anh, Pháp, Đức, Việt… có chữ viết là văn bản chuẩn, thống nhất. Việc đào tạo ngành ngôn ngữ Khmer góp phần tìm sự công bằng về mặt ngôn ngữ như các ngôn ngữ khác. Đây là bước gián tiếp kết nối nguồn mạch của dân tộc Khmer và là một trong hơn 5.000 ngôn ngữ có tính hệ thống chặt chẽ trong mấy chục ngàn ngôn ngữ trên thế giới hiện nay”.
Video:
Theo TS. Huệ, trường ĐH Trà Vinh là nơi duy nhất trong cả nước đào tạo ngành ngôn ngữ Khmer nhưng ngành học này vẫn còn rất mới, ít người biết đến dù cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường khá lớn. Hiện tại, gần 30 sinh viên ở 2 khóa đầu tiên đã ra trường, nhiều em có việc làm ổn định, thu nhập khá cao. Trong khi đó, việc quan hệ hợp tác giao thương với nước bạn Campuchia ngày càng mở rộng, phát triển nên cần một lượng lớn lao động có trình độ thông thạo ngôn ngữ Khmer.
Phần lớn sinh viên theo học ngành đặc thù này đều là con em đồng bào dân tộc Khmer
Thạch Sê Ha, SN 1993 (ngụ huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) là một trong 14 sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên của ngành ngôn ngữ Khmer. Sê Ha cho biết: “Trước đây em chỉ học tiếng khmer ở chùa nên chỉ biết nguyên âm, phụ âm đơn giản; đọc cũng rất chậm. Sau khi học 4 năm chuyên sâu ở trường em đã đọc và viết thông thạo nên được tuyển vào làm ở công ty cao su của Việt Nam đang đầu tư bên Campuchia với mức lương khởi điểm 356 USD/tháng. Làm việc bên Campuchia được 14 tháng, em xin nghỉ để về quê vì gia đình đơn chiếc”.
Theo Sê Ha, hiện tại có nhiều dự án cao su của các công ty Việt Nam đang đầu tư ở bên Campuchia nên rất cần lao động để phiên dịch, soạn thảo văn bản bằng tiếng Khmer. Ngoài ra, nhiều bạn học cùng lớp giờ làm cho nhiều công ty du lịch, hãng hàng không, đài truyền hình…
Em Thạch Thị Kim Thảo, sinh viên năm thứ 2 ngành Ngôn ngữ Khmer cho biết: “Ban đầu khi theo học ngành này em chỉ muốn nghiên cứu sâu về ngôn ngữ Khmer. Bởi vì, bản thân em là người dân tộc Khmer nhưng chỉ biết nói tiếng Khmer chứ chữ viết chưa rành lắm. Khi vào học ngành này em thấy rất thú vị về ngôn ngữ của dân tộc mình. Hy vọng rằng sau này ra trường sẽ có việc làm liên quan đến ngành như: phiên dịch tiếng Khmer hay hướng dẫn viên du lịch…”.
Con em đồng bào dân tộc Khmer được nghiên cứu sâu ngôn ngữ của dân tộc mình
Cô Trần Thị Thanh Nghiệp, giảng viên Bộ môn Ngôn ngữ Khmer (khoa Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam bộ) cho biết: “Đây là ngành đặc thù chỉ có Trường Đại học Trà Vinh đào tạo về ngôn ngữ Khmer. Khi theo học, các em được trang bị những kiến thức về ngôn ngữ Khmer để có thể làm phiên dịch hay làm trong các đài phát thanh, truyền hình có sử dụng tiếng Khmer…”.
Hiện tại, nhiều sinh viên đang theo học ngành ngôn ngữ Khmer không chỉ muốn nghiên cứu sâu ngôn ngữ của dân tộc mình mà hy vọng sau này ra trường có cơ hội việc làm ổn định trong thời buổi hội nhập, phát triển như hiện nay.
Hoàng Trung