Trung tâm khuyết tật Can Lộc được thành lập năm 2013, tại Khối 10 – Thị trấn Nghèn – huyện Can Lộc. Đây là cơ sở giáo dục, tư vấn và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, do các nữ tu dòng Thánh Phao Lô, Can Lộc quản lý. Không ồn ào náo nhiệt như những ngôi trường khác, từ lâu nơi đây đã trở thành mái nhà đầy ắp tình yêu thương của 38 trẻ khuyết tật huyện Can Lộc. Trong đó có: 6 trẻ thiểu năng vận động, 10 trẻ thiểu năng trí tuệ và 22 trẻ khiếm thính.
Hầu hết, các em theo học tại Trung tâm khuyết tật Can Lộc còn rất nhỏ tuổi. Chính vì vậy, nhờ việc phát hiện trẻ bị khuyết tật sớm, Trung tâm có thế tư vấn lựa chọn phương thức giáo dục, can thiệp phục hồi chức năng, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh tật, phát triển khả năng tiềm ẩn ở các em.
Dù mang trong mình những khiếm khuyết, nhưng tại đây các em đều được học tập, vui chơi như những đứa trẻ cùng trang lứa. Chia sẻ với chúng tôi Sơ Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật huyện Can Lộc cho biết: “Trung tâm không chỉ dạy văn hóa, mà còn nuôi dưỡng, chăm sóc và phục hồi những kỹ năng cơ bản cho trẻ. Tại Trung tâm, trẻ được tập nói, tập nghe, tập hiểu, tập đi lại và vận động…Bên cạnh đó, các em còn được trung tâm hỗ trợ các thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp như: xe lăn, khung tập đi, dụng cụ trị liệu, máy trợ thính…”
Đối với trẻ khuyết tật thì những việc tưởng như bình thường này lại hết sức khó khăn. Nhưng chỉ một thời gian ngắn được học tập và phục hồi chức năng tại đây, các em đã có sự thay đổi và tiến bộ rõ rệt. Có em lúc đến chưa biết nói giờ đã có thể bi bô, những em chỉ nằm một chỗ, giờ đã có thể vận động và đi lại…Chị Lê Thị Kỷ, Khối 6, Thị trấn Nghèn- huyện Can Lộc có con đang được chăm sóc tại Trung tâm bày tỏ: “Con tôi đến đây khi mới 4 tuổi, đến nay đã được 2 năm. Lúc mới đến, cháu rất yếu, chỉ nằm một chỗ, hầu như không giao tiếp với ai. Song từ khi được hòa nhập cộng đồng tại trung tâm, con tôi đã có sự thay đổi, trí tuệ phát triển nhanh đã vui vẻ với mọi người, điều mà trước đây không có. Tôi mong rằng Trung tâm tình thương có ý nghĩa nhân văn như thế này sẽ được chính quyền hỗ trợ để có thể mở rộng thêm các nhóm lớp để giúp đỡ con em khuyết tật trên địa bàn.”
Việc dạy dỗ, chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật là điều hết sức khó khăn, vất vả. Đòi hỏi những người trực tiếp dạy và chăm sóc các em không chỉ có những kiến thức và những kỹ năng cơ bản trong chăm sóc và nuôi dạy trẻ, mà quan trọng hơn cả đó chính là sự kiêm trì, nhẫn nại, và sâu xa hơn là tình yêu, sự cảm thông, chia sẻ đối với những mảnh đời bất hạnh. Hiểu được điều đó, các cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên tại trung tâm đều được chọn từ những người có trình độ chuyên môn ngành sư phạm và được đào tạo bài bản qua các khóa tập huấn giáo dục đặc thù cho trẻ khuyết tật. Ở đây, các giáo viên có tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 22 đến 30 tuổi. Song ai cũng mang trong mình tình yêu, sự cảm thông rất lớn đối với các em.
Với mong ước thiết tha là nhìn thấy các em được khỏe mạnh, có ích cho xã hội, các giáo viên ở Trung tâm khuyết tật Can Lộc luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn để mang đến cho trẻ quyền bình đẳng, được học tập, được vui chơi và nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Chia tay các em tại Trung tâm khuyết tật Can Lộc, nhưng hình ảnh về những đôi mắt ngây thơ khao khát được giao tiếp với thế giới bên ngoài, những âm thanh phát ra không được tròn vành rõ tiếng… vẫn là nỗi đau đáu đối với mỗi chúng tôi. Thiết nghĩ, việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ khuyết tật để các em có một cuộc sống bình thường là trách nhiệm không thuộc về một cá nhân, tập thể nào mà đó là trách nhiệm của cả cộng đồng và của toàn xã hội./.
Ngọc Điệp- Việt Thắng
Một số hoạt động chăm sóc, nuôi dạy trẻ khuyết tật tại trung tâm