Truyền thống - Phát triển

Nhường bữa sáng, tiếp sức em đến trường

Dù điều kiện ăn ở, học hành của các em ở điểm trường Buốc Pát còn rất nhiều thiệt thòi, nhưng có lẽ bài học về lòng nhân ái, đùm bọc yêu thương, đặc biệt là tinh thần làm việc dân chủ, công bằng (thông qua việc chia cơm hàng ngày) mà các em ở điểm trường này được học sẽ khắc sâu trong tâm hồn trẻ thơ trong trẻo.

Các học trò tự giác mang thìa, bát đi rửa

Tấm lòng của bộ đội biên phòng

Bản Buốc Pát thuộc xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nằm cách biên giới Việt – Lào chừng 500m. Cả bản chỉ có vỏn vẹn 11 nóc nhà nhưng lại là nơi sinh sống của 14 hộ đồng bào dân tộc Mông với tổng số 82 nhân khẩu. Là bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, hầu như gia đình nào cũng có người dính líu đến ma túy, nên việc vận động các em đến trường là cực kỳ khó khăn, bởi bố mẹ các em còn phải lo nên nương kiếm cái ăn nên các em cũng phải giúp bố mẹ lao động ngay từ khi còn rất nhỏ.

Từ tháng 9-2012, được sự đồng thuận của cán bộ chiến sĩ, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập đã nấu cơm sáng và thức ăn đem lên cho các em tại điểm trường Buốc Pát. Thiếu tá Đào Mạnh Tưởng – Chính trị viên của Đồn cho biết, khẩu phần ăn hàng ngày của các em là bữa sáng ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần của cán bộ chiến sĩ Đồn tự nguyện nhường cho các em.

Mỗi tuần 5 buổi, từ thứ hai đến thứ sáu, các chiến sĩ anh nuôi Lò Văn Tiến, Lò Văn Cầm, Cà Văn Lúng cùng dậy từ 4h45 sáng để nhóm bếp nấu cơm và không quên nấu thêm 2kg gạo cùng gần 1kg thịt là bữa sáng của 19 em nhỏ trên điểm trường Buốc Pát.

Hàng ngày cứ 6h20 sáng, cơm và thức ăn mang lên cho các em được gói ghém cẩn thận để ở buồng gác cổng Đồn nhờ các thầy cô giáo cắm bản đi qua cầm lên điểm trường.

Tiếng thầy cô giảng bài, tiếng các trò vang lên làm vùng biên trở nên ấm áp

Bài học về lòng nhân ái

Đường từ Đồn tới điểm trường dài chừng 4km, nhưng 2 chiếc xe máy phải ì ạch leo dốc vượt qua 2 quả núi mất gần 20 phút mới tới nơi. Điểm trường Buốc Pát nằm trên khu đất khá bằng phẳng gần đỉnh đồi, gồm 2 căn nhà cấp 4 tường xây, mái lợp tôn đỏ.

Khi tôi đến điểm trường cũng là lúc cô giáo dạy mầm non Nguyễn Hương Giang đang đến từng nhà gọi các bé ra học; thầy Thành đến thăm em Mùa Thị Xa bị ốm phải nằm nhà, còn cô Ngân đang quản học sinh trên lớp.

Khi các bé tiểu học đã ngồi ngay ngắn, quây quần bên 4 chiếc bàn học, thầy Thành trao bọc cơm còn nóng hổi cho cô trò nhỏ có gương mặt sáng sủa Mùa Thị Mọ (lớp 5) làm nhiệm vụ chia cơm. Cô trò nhỏ cẩn thận xúc cơm ra từng bát sao cho thật đều và tuyệt đối không để rơi vãi ra ngoài dù chỉ một hạt.

Tiếp đó là nhiệm vụ chia thức ăn của cậu trò nhỏ Mùa A Chính (lớp 5) cũng phải chia cho thật đều, thật khéo. Chỉ đến khi nào không còn bạn nào thắc mắc thì bữa sáng mới được bắt đầu – thầy Thành nói.

Học sinh Mùa Thị Mọ, Mùa A Chính (lớp 5) làm nhiệm vụ chia cơm cho các bạn

Thầy Lê Bá Thành – người đã 10 năm dạy ở điểm trường Buốc Pát cho biết, trước kia các em ở bản đến trường chỉ đạt chừng 50 – 60%, nhưng từ khi được bộ đội biên phòng nhường bữa sáng cho các em thì tỷ lệ đến trường đã tăng lên rõ rệt (đạt 80 – 100%), giờ giấc được đảm bảo, chất lượng học tập cũng tiến bộ hơn.

Dù điều kiện ăn ở, học hành của các em ở điểm trường Buốc Pát còn rất nhiều thiệt thòi so với khu vực thành thị, nhưng có lẽ bài học về lòng nhân ái, đùm bọc yêu thương, đặc biệt là bài học về tinh thần làm việc dân chủ, công bằng (thông qua việc chia cơm hàng ngày) mà các bé ở điểm trường này được học sẽ sớm hơn và khắc sâu trong tâm hồn trẻ thơ trong trẻo của mỗi em.

Phạm Quỳnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP