Người đương thời

Những tấm gương điển hình phong trào thi đua yêu nước ở Kỳ Anh

Rời quân ngũ trở về địa phương mang trên mình vết thương của chiến tranh nhưng với ý chí và nghị lực của người cựu chiến binh, ông Lê Viết Hừng ở xã Kỳ Lâm không quản ngại khó khăn, gian khổ đi lên từ đôi bàn tay trắng. Với ý chí dám nghĩ, dám làm, ông đã ra vùng đập Cây Rễ để xây dựng trang trại với diện tích gần 11 hecta. Buổi đầu lập trang trại với bao khó khăn tưởng chừng như không vượt qua. Song với  phương châm “ Lấy ngắn nuôi dài”, vợ chồng ông đã cải tạo đất trồng lúa, trồng rau màu, khoai sắn để có cái ăn và thức ăn cho chăn nuôi. Sau hơn 10 năm cần cù, chịu khó, đến nay, trang trại của ông có tổng diện tích 12,9 ha. Trong đó: 4 ha sắn nguyên liệu, 1 ha cây ăn quả, 400 con gà thịt các loại và hàng nghìn con lợn thương phẩm. Từ một hộ nghèo, đến nay cuộc sống của gia đình đã ổn định, trang trại tổng hợp tạo được công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương 4- 5 triệu đồng/tháng. Với những thành tích đạt được, ông Lê Viết Hừng đã được Bộ Lao Động Thương Binh xã hội, Trung ương Hội làm vườn Việt Nam, UBND tỉnh tặng bằng khen. Ông xứng đáng thực hiện lời Bác Hồ đã dạy: “ Thương binh tàn nhưng không phế”.

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, phong trào thi đua yêu nước ở huyện Kỳ Anh 5 năm qua gắn với thực tiễn lao động, sản xuất và với các phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Qua đó, xuất hiện nhiều tập thể, tấm gương điển hình tiên tiến. Chúng tôi xin điểm qua một số tấm gương điển hình tiêu biểu sau đây;


Mô hình chăn nuôi của anh Lê Viết Hừng-Kỳ Lâm

Mô hình chăn nuôi vịt của anh Hoàng Văn Thắng ở Kỳ Giang

Xuất phát từ một nông dân nghèo ở xã Kỳ Giang, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Hoàng Văn Thắng ở xã Kỳ Giang đã  mạnh dạn nhận đấu thầu 4 ha đất vùng đập Nam Giang để xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Để xây dựng mô hình kinh tế trang trại thành công, ông đã mạnh dạn vay vốn cùng với gia đình bỏ vốn 1,2 tỷ đồng để xây dựng mô hình sản xuất và chăn nuôi lợn, gà, vịt đẻ, bò nái, đào ao thả cá…. Đến nay, sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi năm trang trại cho gia đình ông cho thu nhập 470 triệu đồng. Hiện nay, ông Hoàng Văn Thắng đang đầu tư mở rộng diện tích chuồng trại và con giống, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp hợp tác bao tiêu sản phẩm  do gia đình làm ra.


Mô hình nuôi bồ câu của ông Trần Anh ở Kỳ Bắc

Với mong muốn làm giàu trên chính quê hương mình, năm 2012, anh Trần Anh ở xã Kỳ Bắc ra tỉnh Bắc Giang học hỏi kinh nghiệm xây dựng mô hình nuôi chim bồ câu. Năm đó, anh đầu tư hơn 100 triệu đồng xây chuồng và mua 40 cặp chim bố mẹ. Nhờ cần cù, chịu khó, đến nay, anh nhân rộng mô hình nuôi lên hơn 3.200 cặp bồ câu giống. Sau khi trừ chi phí, bình quân thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng. Trần Anh chia sẻ: “Chim bồ câu dễ tính, ít bị bệnh, chỉ cần chỗ ở thoáng mát, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng. Mỗi ngày cho ăn 2 bữa, chủ yếu thóc và ngô, nước uống sạch. Cần tiêm phòng và tẩy giun sán định kỳ hàng năm, thường xuyên bổ sung Vitamin B1, Vitamin C cho chim. Đặc biệt, khi thời tiết thay đổi, cần cho bồ câu uống thuốc phòng bệnh hen và ỉa chảy 2-3 ngày…”. Chim bồ câu phát triển nhanh, từ khi nở đến khi ra ràng chỉ 45 ngày. Trong thời gian này, bồ câu mẹ có thể vừa đẻ vừa nuôi con. Bồ câu là thực phẩm bổ dưỡng, giá không quá cao nên khách hàng vào tận nơi mua, đặt hàng. Với những thành tích đạt được, Anh Trần Anh là một trong những doanh nghiệp, thanh niên tiêu biểu của huyện kỳ anh và anh là một trong 6 tấm gương đại diện cho tuổi trẻ Hà Tĩnh nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ 9 được tổ chức tại thủ đô Hà Nội vừa qua – giải thưởng uy tín do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng cho những nhà nông xuất sắc nhất trên cả nước.


Thầy giáo Nguyễn Văn Hải-trường tiểu học Kỳ Lâm

Không chỉ có điển hình trong phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình, ở huyện Kỳ Anh còn xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo tận tâm vì sự nghiệp giáo dục. Tiêu biểu như thầy giáo Nguyễn Văn Hải ở Trường Tiểu học Kỳ Lâm. Tốt nghiệp Trường CĐSP Hà Tĩnh, thầy giáo Nguyễn Văn Hải được phân công về dạy học tại Trường tiểu học Kỳ Thượng. Năm 2005, thầy được điều động về dạy học tại Trường tiểu học Kỳ Lâm. Bằng ngọn lửa nhiệt tình và lương tâm trách nhiệm của người giáo viên, thầy được ban giám hiệu nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ chủ nhiệm lớp đồng thời giảng dạy và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu. Trong 5 năm qua,  thầy đã bồi dưỡng 20 học sinh giỏi huyện, 6 học sinh giỏi tỉnh. Với những thành tích đạt được, thầy giáo Nguyễn Văn Hải đã đạt giải nhì, giải nhất trong hội thị giáo viên đạy giỏi năm 2008 – 2009, 2011 – 2012, được UBND tỉnh tặng bằng khen, năm 2013 được ngành GD-ĐT Hà Tĩnh vinh danh là Giáo viên tiêu biểu của ngành giai đoạn 2008 – 2013 và là cá nhân điển hình tiên tiến của ngành giáo dục Kỳ Anh giai đoạn 2010 – 2015.
Đây là 4 tấm gương trong tổng số 50 tập thể, cá nhân  tiêu biểu sẽ được vinh danh tại hội nghị điển hình tiên tiến của huyện Kỳ Anh giai đoạn 2010- 2015. Qua phong trào thi đua yêu nước đã khơi dậy trong cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Kỳ Anh tình yêu quê hương đất nước, ý thức trách nhiệm và nhiệm vụ cao cả của mỗi người trước sự nghiệp đổi mới và phát triển của toàn xã hội. Phong trào thi đua đã trở thành một cuộc vận động lớn có sức lan tỏa sâu rộng nhằm xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Mặt khác phong trào không ngừng nâng cao đời sống kinh tế văn hóa của người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Tác giả bài viết: Mạnh Hải

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP