Động Sơn Đoòng. Ảnh: National Geographic |
Quảng Bình mấy chục năm phát triển du lịch, rốt cuộc cũng chỉ có mỗi cái resort 5 sao. Nếu không có may mắn phát hiện và sở hữu hàng loạt hang động có quy mô lớn và kỳ bí vào hàng nhất thế giới, có lẽ Quảng Bình chỉ được người ta nhớ đến nhờ câu thơ của Tố Hữu: “Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình”.Là người Việt, ai cũng muốn một lần đến tham quan xứ sở của hang động này. Ngay người Quảng Bình cũng vậy. Mỗi lần nhớ đến chuyến xe điện chở khách chạy từ điểm đậu xe ô tô đến cửa hang Thiên Đường, tôi lại nhớ cảnh khách bộ hành trên đường là người Quảng Bình đi bộ đoạn đường gần hai cây số để tiết kiệm vài chục ngàn tiền xe.
Rồi nhớ tiếng cãi cọ của người địa phương về chuyện tại sao bắt trẻ em trên 6 tuổi phải mua vé tham quan 120 ngàn đồng. Tôi cũng nhớ từng có nhiều tỷ phú người nước ngoài đến vùng biển Đà Nẵng nghỉ dưỡng, thuê trực thăng để bay ra Quảng Bình khám phá hang động Thiên Đường và Sơn Đoòng.
Hai cảnh trái ngược trên luôn song hành trong cuộc sống nếu như ở nơi đó chưa thể điều hòa mức thu nhập nhờ các công cụ của kinh tế thị trường.
Và bây giờ là chuyện có nhà đầu tư muốn đề nghị với tỉnh Quảng Bình làm hệ thống cáp treo đưa khách vào hang Sơn Đoòng. Lập tức dư luận dậy sóng, với dự báo rằng kỳ quan thiên nhiên hang động Sơn Đoòng sẽ “chết” vì cáp treo, vì lượng khách đổ xô đến tham quan làm thiên nhiên nơi này bị quá tải.
Người thì lo lắng những kỳ quan thiên nhiên này bị khám phá dễ dàng nhờ các phương tiện giao thông hiện đại sẽ không còn sức thu hút du khách. Trở lại câu chuyện cũ: Dư luận đã từng phản đối các công trình cáp treo ở Chùa Đồng (Yên Tử), ở Phong Nha, và hiện đang phản đối cáp treo lên đỉnh Fansipan.
Dường như không ai nghĩ đến chủ nhân chính thức của các di sản thiên nhiên thế giới, có rất nhiều người không đủ tiền mua chiếc vé vào tham quan hang động kỳ vĩ ngay ở quê hương mình. Tất cả cũng chỉ vì cái nghèo chưa bao giờ buông tha người dân ở mảnh đất này. Vậy mà sao ích kỷ, bắt người nơi đây phải sống nghèo khổ trên đống vàng ròng.
Ai đó chỉ thích một Sơn Đoòng hoàn toàn xa lạ với số đông vì giao thông cách trở, bắt du khách chỉ một kiểu đi bộ qua núi đèo, bản làng là nhìn cây mà không thấy rừng. Đó là chưa nói đến việc ngồi cáp treo di chuyển lơ lửng qua rừng núi, biển cả cũng là một cách du khách thưởng thức cảnh quan, nên mới đồng ý trả một cái giá đắt đỏ cho các dịch vụ cáp treo.
Sơn Đoòng hiện do một công ty khai thác theo kiểu thám hiểm, mỗi đoàn chỉ được 8 người vào, mỗi người phải trả 3.000 USD. Hiện nay số người đăng ký vào Sơn Đoòng đã lên đến hàng ngàn người, và có người sẽ phải chờ đợi hơn một năm mới được đến thám hiểm hang động này.
Với kiểu phục vụ nhỏ giọt như thế, thử hỏi nhà đầu tư nào dám bỏ tiền của vào làm dự án vui chơi, du lịch, phát triển thương mại và dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho người địa phương.
Thật không thể hiểu cái kiểu tự mãn của những người nhân danh bảo vệ môi trường chung chung với tâm lý có một kỳ quan thiên nhiên chỉ nên khai thác nhỏ giọt, lấy cái khó khăn, giao thông cách trở ngăn cản du khách làm sự hãnh diện về một di sản khó với tới của số đông.
Những di sản hang động thiên nhiên quý giá của Quảng Bình nếu không phục vụ đắc lực cho mục tiêu phát triển du lịch và thương mại, thì thái độ văn minh bảo vệ môi trường đó chỉ đạt được một nửa mục đích.
Những nhà đầu tư khi bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng hệ thống cáp treo, họ không thể xây dựng bừa bãi, phá hoại cảnh quan thiên nhiên, để cho du khách quay lưng lại với di sản và làm cho khoản kinh phí đầu tư khổng lồ không mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, những góp ý chính đáng cũng sẽ làm cho nhà đầu tư tỉnh táo cân nhắc, mời các công ty tư vấn quốc tế uy tín, đặc biệt là phải trân trọng quyền lợi của người dân địa phương.