Năm 2009, tỉnh Nghệ An thành lập Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ để tăng cường công tác nghiên cứu, nhận diện, quảng bá và truyền dạy dân ca ví, giặm. Trung tâm này có tiền thân là Nhà hát dân ca Nghệ An, thành lập năm 1972, tập hợp một đội ngũ các nghệ sĩ, nhà quản lý, nhà nghiên cứu tài năng, tâm huyết với dân ca. Nhà hát dân ca Nghệ An và Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đều chung nhiệm vụ: Sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi, lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật dân ca xứ Nghệ vào việc phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh; Nghiên cứu, thể nghiệm sân khấu hóa dân ca xứ Nghệ thành bộ môn kịch hát dân ca của địa phương, một trong những bộ môn sân khấu ca kịch của cả nước; sưu tầm, phục hồi, gìn giữ và phát huy trò diễn xướng dân gian, dân vũ, các làn điệu dân ca xứ Nghệ để phục vụ nhu cầu hưởng thụ của nhân dân và giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế; Nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn, đào tạo, phổ cập và giới thiệu, quảng bá sâu rộng dân ca xứ Nghệ tới đông đảo công chúng; Phổ biến, giới thiệu kho tàng dân ca xứ Nghệ cho tầng lớp thanh thiếu niên bằng hình thức đưa dân ca vào trường học, sân khấu học đường; Phát triển phong trào sáng tác và biểu diễn dân ca trong lực lượng văn nghệ quần chúng, vào các trung tâm, câu lạc bộ hát dân ca ở cơ sở.
Với sự nỗ lực sáng tạo không mệt mỏi của các thế hệ nghệ sĩ, hiện đã hình thành được một kịch chủng mới là “Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh”, với nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian: “Không phải tôi” (1970), “Khi ban đội đi vắng” (1971), “Cô gái sông Lam” (1974); “Mai Thúc Loan” (1984), “Cô gái sông Lam” (5 màn, 1981), “Ông Vua hóa hổ” (1987), “Hai ngàn ngày oan trái” (1988), “Giá đời phải trả” (1993), “Danh nhân lớn lên từ câu hò ví dặm” (1997), “Sáng mãi niềm tin” (1999), “Lời Người lời của nước non” (2007), “Góc khuất đời người”, “Một cây làm chẳng lên non”,…Trong kịch chủng này, các làn điệu dân ca ví, giặm đã được vận dụng, sáng tạo một cách nhuần nhuyễn, trở thành linh hồn của các vở diễn.
Tiết mục của xã Đông Hiếu (Nghĩa Đàn) trong liên hoan Dân ca xứ Nghệ năm 2012. |
Có một đội ngũ nghệ sĩ hát dân ca, nhà biên kịch “Kịch hát dân ca” tài năng, được công chúng ghi nhận, đánh giá cao, được Nhà nước tôn vinh, trong đó có nhiều người là NSND, NSƯT.
Từ những sáng tác của nhiều thế hệ nghệ sĩ, đã hình hành một dòng nhạc mang âm hưởng dân ca ví, giặm được công chúng hết sức yêu thích, với nhiều tên tuổi nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng và nhiều bài hát sống mãi với thời gian. Tiêu biểu như các bài hát: Xa khơi, Chào em cô gái Lam Hồng, Cô dân quân làng Đỏ, Trông cây lại nhớ đến Người, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Hương cau vườn Bác, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ …
Công tác sưu tầm, nghiên cứu về văn nghệ dân gian nói chung, trong đó có dân ca ví, giặm xứ Nghệ được tiến hành cách đây hàng nửa thế kỷ và thu được rất nhiều thành tựu. Có thể kể đến những tên tuổi nổi tiếng trong giới sưu tầm, nghiên cứu, phê bình như: Nguyễn Tất Thứ, Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao, Lê Văn Hảo, Thái Kim Đỉnh, Lê Hàm, Thanh Lưu… với hàng trăm tác phẩm sưu tầm, nghiên cứu về dân ca xứ Nghệ.
Ngành VH-TT&DL phối hợp với Đài PTTH Nghệ An đã thực hiện chương trình dạy hát dân ca trên truyền hình, thực hiện liên tục từ 1999 đến 2004, trung bình mỗi tháng 1 đến 2 chương trình. Chương trình đã có tác động tích cực, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ cho dân ca ví, giặm đến với công chúng. Đài phát thanh, đài truyền hình tăng thời lượng, chương trình về các tiết mục, nội dung liên quan đến dân ca ví, giặm. Đặc biệt là trong các chương trình lớn như Lễ hội Làng Sen, Liên hoan tiếng hát Làng Sen, Liên hoan Dân ca ví giặm cấp tỉnh và cấp liên tỉnh. Sở VH-TT&DL phối hợp với Sở GD-ĐT Nghệ An thực hiện chương trình “Đưa dân ca vào trường học” với nhiều nội dung hoạt động phong phú, tiến hành thường xuyên, có tác động nhen lên tình yêu, sự quan tâm của học sinh đối với dân ca. Thực hiện nhiều video clip, sản xuất các chương trình, tiết mục dân ca ví, giặm qua các băng đĩa CD-VCD để phát cho các cán bộ văn hóa cơ sở và bán rộng rãi trên thị trường, phát hành trên mạng internet…
Tỉnh Nghệ An thường xuyên tổ chức Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, gắn với kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó khuyến khích các tiết mục có chất dân ca ví, giặm. Năm 2012, Liên hoan dân ca ví, giặm xứ Nghệ được tổ chức tại TP Vinh (Nghệ An) với sự tham gia của 16 CLB Dân ca ví giặm Nghệ An, 5 CLB của Hà Tĩnh. Năm 2013, Liên hoan được tổ chức tại Hà Tĩnh với sự tham gia của 30 CLB đến từ hai tỉnh.
Hiện nay trên địa bàn Nghệ An đã thành lập được 60 CLB dân ca ví, giặm với gần 1.300 thành viên. Các CLB sinh hoạt đều đặn, với hoạt động chính là sưu tầm, sáng tác, tập luyện và biểu diễn các làn điệu, tiết mục dân ca ví, giặm. Theo đợt kiểm kê gần nhất, hiện nay trên địa bàn Nghệ An có 20 đơn vị hành chính cấp huyện với 427 đơn vị hành chính cấp xã đã và đang thực hành bảo tồn di sản dân ca ví, giặm. Tỉnh đã lập hồ sơ và được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân ca ví, giặm cho 35 cá nhân.
NSƯT Phạm Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Nghệ An cho biết: “Nghệ An và Hà Tĩnh đã thống nhất chương trình hành động bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ với nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, cần có sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là sự vào cuộc của cả cộng đồng để bảo tồn và phát huy di sản dân ca của quê hương, để những làn điệu dân ca sống mãi trong đời sống văn hóa cộng đồng”.
Hy vọng trong năm 2014, cùng với sự vinh danh của UNESCO, dân ca ví, giặm sẽ được bảo tồn và phát huy tốt hơn, có vị trí xứng đáng hơn trong đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư xứ Nghệ.
Bài và ảnh: TRẦN QUANG ĐẠI