Tết Nguyên đán là dịp để kiếm thêm thu nhập cho nhiều người nhờ vào công việc kinh doanh.
Giúp việc, dọn nhà ngày Tết
Theo một trung tâm giới thiệu giúp việc, từ 28 đến mùng 6 Âm lịch có 300 người lao động nhận việc làm xuyên Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Giá giúp việc ngày Tết đã tăng gấp đôi lên 100.000-120.000 đồng một giờ. Nếu làm việc 8 tiếng, mỗi người giúp việc có thu nhập khoảng 800.000-1.000.000 đồng một ngày. Thu nhập có thể tăng thêm nếu chủ nhà muốn người giúp việc ở lại nhà.
Quê ở Thanh Hoá, Tết này chị Lành không về ăn Tết mà ở lại Hà Nội làm giúp việc, kiếm thêm thu nhập. Chị đã nhận lời làm giúp việc 7 ngày Tết (từ 28 Âm lịch) cho một gia đình tại quận Hà Đông, mức giá một triệu đồng một ngày. Tính ra dịp này chị kiếm được 7 triệu đồng.
Vài ngày trước đó chị Lành tranh thủ chạy "sô" dọn dẹp cho một số gia đình để tăng thu nhập. Chị khoe, từ sáng tới chiều chị chạy dọn được 3 nhà trong cùng khu chung cư, kiếm được khoảng một triệu đồng nếu làm thông trưa.
Một người giúp việc theo giờ đang dọn dẹp nhà cho khách vào dịp cận Tết. Ảnh: H.T |
Kiếm hơn chục triệu trong những ngày sát Tết, nhưng chị Lành không mấy vui vì phải xa gia đình dịp này. "Khi mọi người quây tụ bên gia đình thì mình lại đi làm, thôi đành nghỉ Tết 'muộn' vậy", chị ngậm ngùi và cho biết, sẽ về quê nghỉ ngơi vài ngày sau Tết, trước khi bắt đầu công việc mới vào đầu năm sau.
Thợ ghép cây cảnh
Bàn tay thoăn thoắt cắm những cành lan hồ điệp vào chậu cho khách đặt chơi Tết, anh Thắng (Sơn Tây, Hà Nội) đã có 5 năm kinh nghiệm trong nghề.
Những ngày cận Tết này, anh không nhận làm theo ngày mà tính công ghép theo cành, cứ 10.000 đồng một cành. Với chậu cây khoảng 40 cành, những người thợ ghép như anh sẽ mất khoảng 40 phút tới một giờ đồng hồ hoàn thành "tác phẩm", tiền công thu về 400.000 đồng. Một ngày anh Thắng có thể ghép, cắm 5-7 chậu lan hồ điệp, tuỳ loại. Số tiền kiếm được dịp này cũng tính theo đơn vị triệu đồng.
"Nhiều chủ vườn gọi nhưng tôi làm không xuể, không còn sức để mà làm. Mệt nhưng cố gắng vì công việc cũng chỉ rộ lên tầm một tuần, chục ngày trước Tết", anh Thắng chia sẻ.
Giao hàng (shipper)
Được nghỉ trước Tết 2 tuần, Tuấn Linh (sinh viên Đại học Kiến Trúc Hà Nội) không vội về quê mà ở lại làm nghề giao hàng (shipper), kiếm thêm thu nhập.
Nhiều shipper cho biết vài tuần nay họ làm việc gần như không có ngày nghỉ, hàng giao tăng gấp đôi, gấp ba lần ngày thường, rất mệt nhưng đổi lại thu nhập tăng lên vài lần.
Linh cho biết, vào ngày thường mỗi đơn hàng trong phạm vi 3-4 km, cậu thu 20.000 đồng tiền ship. Còn những ngày cận Tết này, giá vận chuyển tăng gấp rưỡi, gấp đôi và chủ shop cũng như khách mua đều phải chấp nhận. Kiếm cả triệu đồng mỗi ngày nhưng những người giao hàng dịp Tết chịu áp lực rất lớn để giao đúng hẹn cho khách khi giao thông liên tục tắc nghẽn.
"Không phải shipper sang chảnh gì nhưng những ngày này đường sá liên tục tắc, muốn giao nhanh cũng không thể. Giá ship cao hơn nhưng tính năng suất có khi lại không bằng ngày thường", Linh chia sẻ. Vì thế, những shipper như Linh đều cố chạy số lượng đơn hàng và "gom" nhiều đơn theo cùng một tuyến đường, địa chỉ để "bù" cho những chi phí khác.
Thù lao hấp dẫn nên nhiều lái xe công nghệ các hãng ngoài chở khách, tranh thủ tuyến đường chạy xe, cũng nhận kiêm luôn dịch vụ này để kiếm thêm thu nhập.
Đánh lư đồng
Theo quan niệm, dịp cuối năm các gia đình dọn dẹp ban thờ tổ tiên, lại thuê thợ đánh bóng bộ lư đồng bày biện ban thờ cho sáng đẹp như mới. Nghề đánh lư đồng vì thế vẫn tồn tại và được "chuộng" dịp sát Tết. Thợ đánh bóng lư đồng hầu hết đều là nghề tay trái, nhưng nghề có tính thời vụ này lại đem lại khoản thu nhập hấp dẫn. Tiền công đánh bóng một bộ lư đồng khoảng 200.000-300.000 đồng. Mức giá chênh lệch nhau cũng phụ thuộc vào độ to, nhỏ của từng bộ lư.
Anh Hoàng có 5 năm kinh nghiệm trong nghề đánh lư đồng tại Hà Nội cho hay, trung bình mỗi ngày thợ đánh bóng lư đồng nhận làm trên dưới chục bộ. Thu nhập vào dịp cao điểm Tết khoảng 2-3 triệu đồng một ngày. Là nghề tay trái, nhưng anh Hoàng nói cũng cần bàn tay khéo léo, sự cẩn trọng từ người thợ để không làm gãy, hỏng hay biến dạng đồ của khách. "Đồ thờ cúng mọi người thường rất kỹ, nên thợ làm cũng phải rất cẩn thận, tỉ mỉ", anh nói.
Tác giả: Anh Minh
Nguồn tin: Báo VnExpress