Kinh tế

Những doanh nhân vang bóng một thời: Xuất hiện cổ đông mới trong công ty của vợ chồng đại gia Lê Ân

Nhắc đến đại gia Lê Ân là nhắc đến những câu chuyện gian nan, vất vả, sự giàu có...và những người vợ cùng sự phản bội.

Ông Lê Ân sinh năm 1938 trong một gia đình đông anh em ở Quảng Nam. Ông là người con thứ 5 trong gia đình không mấy khá giả.

Ông có một tuổi thơ nghèo khó, túng thiếu đủ bề. Biến cố đầu tiên của cuộc đời đại gia Lê Ân ập đến vào năm 1958 khi ông bỏ nhà đào thoát vào thị xã An Lộc, tỉnh Bình Long (nay là Bình Phước) để trốn quân địch dưới chế độ Ngô Đình Diệm.

Nức tiếng là một đại gia vươn lên từ con số 0, đại gia Lê Ân đã trải qua không ít khó khăn để đạt được thành công như ngày hôm nay. Lăn lộn đủ nghề từ may vá, nấu xà bông rồi đến vùng kinh tế mới... dường như chưa có công việc nào ông chưa từng thử.

Không chỉ nổi danh trong giới kinh doanh, ông Lê Ân còn được nhiều người biết đến khi ông từng được điện ảnh Sài Gòn mời tham gia 2 bộ phim "Chàng ngốc gặp hên" và "Tứ quái Sài Gòn".

Khi ở Bình Long ông Lê Ân mưu sinh bằng cách mướn một chiếc máy may hiệu Singer đã cũ, loại máy sử dụng bàn đạp bằng chân, rồi đặt trên vỉa hè, khách đông, có những khi Lê Ân lại phải may cuống cuồng để kịp có đồ cho khách. Hơn năm sau, ông đã có đủ tiền mua lại cái máy may đã mướn và mua thêm 2 cái máy may khác rồi thuê thợ làm thêm cho mình.

Tình cờ ông được một người khách lạ truyền cho nghề may áo vest, sau khi học thành nghề ông gom hết vốn liếng, về Sài Gòn, thuê một căn nhà trên đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) rồi mở một tiệm chuyên may đồ vest với tên gọi Chiến's Tailor. Chỉ một thời gian ngắn, Chiến's Tailor trở thành một trong những tiệm may đồ vest hàng đầu của Sài Gòn, với phương châm: Tốt, đẹp, rẻ và đúng hẹn.

Đại gia Lê Ân bên siêu xe Rolls-Royce Phantom. Ảnh: Tuổi Trẻ

Làm ăn phát đạt, thu được nhiều lời, ông bắt đầu lấn sân sang các ngành nghề kinh doanh khác, như thành lập xưởng sản xuất giày dép da hiệu Italy, kinh doanh xe lam, xe buýt chạy tuyến đường Sài Gòn - Bảy Hiền - Bà Chiểu, thành lập công ty kinh doanh địa ốc, mua trái phiếu của người cày có ruộng, công khố phiếu quốc gia…

Tiếp sau đó, ông dồn toàn bộ vốn liếng thành lập ngân hàng tư nhân. Thế nhưng, ngân hàng của ông chưa kịp kinh doanh có lãi thì Sài Gòn giải phóng. Toàn bộ trái phiếu, công phiếu và chứng từ có giá trị tài sản lớn của chế độ cũ lập tức biến thành... rác.

Với máu kinh doanh sẵn có ông tiếp tục đổi hướng sang kinh doanh thuốc tây thời điểm này, người Việt ở nước ngoài bắt đầu gửi quà về cho gia đình và quà hầu hết là những thùng thuốc tây. Hợp tác với dược sĩ Gia theo phương châm "anh bỏ chất xám, tôi bỏ tiền", ông lập một hệ thống thu gom thuốc tây - trong đó đặc biệt là các loại thuốc "nằm" - là những thuốc đặc trị những bệnh hiếm gặp.

Lấy vốn từ đây, ông tiếp tục đầu tư xưởng sản xuất xe đạp và nhà máy, chế biến xà phòng, đồng thời ông thành lập tiệm vàng Chiến Thành với giấy phép kinh doanh là gia công vàng nữ trang. Thế nhưng, mỗi đêm tiệm vàng Chiến Thành lại âm thầm phân kim hàng chục lượng vàng từ nhiều nguồn khác nhau để bán lại cho những người đi biển. Chính vì hành vi này mà Lê Ân bị bắt và phải đi cải tạo một thời gian.

Sau khi cải tạo xong, ông bắt đầu mua nhà, quay lại lập cửa hàng bán phụ tùng, sản xuất khung xe đạp, mua bán vải tại Chợ Đầm (Nha Trang).

Năm 1984 vợ ông đòi ly hôn và mang hết tài sản đi, ông lâm vào cảnh trắng tay, không chịu khuất phục trước số phận ông làm lại cuộc đời bằng một shop buôn bán quần áo thời trang nhỏ tại quận 3, TP.HCM. Sau đó, ông phát triển thành một chuỗi cửa hàng thời trang tại nhiều quận khác trên địa bàn TP.HCM.

Khi doanh đã có chút vốn, ông thành lập Quỹ tín dụng Hòa Hưng, mua đồng rúp và lập thêm nhiều chi nhánh, phát triển thêm ngành nghề kinh doanh vàng. Ngoài ra ông còn là còn có cổ phần lớn tại nhiều ngân hàng lẫn trung tâm tín dụng khác.

Sau một thời gian giúp đỡ Quỹ tín dụng Hội Phụ nữ Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo, ông Lê Ân đã bàn với Quỹ tín dụng xin nâng cấp thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Vũng Tàu (VCSB). Ngân hàng chính thức được khai trương tại TP Vũng Tàu vào ngày 9/10/1991.

Tiếp đến Lê Ân lập Công ty Lê Hoàng để triển khai kinh doanh các tài sản thu nợ và VCSB lập dự án du lịch Chí Linh. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không đồng ý cho phép VCSB lập khu du lịch này bởi VCSB không có chức năng du lịch. VCSB đã chuyển toàn bộ dự án kinh doanh khu du lịch Chí Linh cho Công ty Lê Hoàng. Chính từ đây, vận hạn của Lê Ân xuất hiện.

Với hợp đồng chuyển nhượng của VCSB cho Công ty Lê Hoàng, có dư luận nghi ngờ Lê Ân đã lạm quyền khi chi đến 82 tỷ đồng cho Công ty Lê Hoàng (nơi Lê Ân làm Chủ tịch Hội đồng quản trị).

Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã khởi tố vụ án "Cố ý làm trái, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lập ngân hàng huy động vốn nhằm chiếm đoạt tài sản, mất khả năng chi trả" đối với ban lãnh đạo của VCSB.

Ngày 11/2/2000, ông Lê Ân cùng 6 thành viên trong Ban lãnh đạo VCSB bị bắt nhằm phục vụ cho công tác điều tra. Ngày 28/5/2001, Lê Ân bị tuyên phạt 20 năm tù giam với tội danh "Cố ý làm trái", án phạt chung thân với tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và án tử hình với tội danh "Lập ngân hàng huy động vốn để lừa đảo". Tổng cộng hình phạt là tử hình.

Không phục, ông Lê Ân làm đơn kháng cáo và giao nộp toàn bộ các chứng từ của VCSB cho cơ quan điều tra để chứng minh mình vô tội. Lê Ân đã thành công, các tội danh của Lê Ân được giảm xuống thành "Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng", với mức phạt tù 12 năm. Trong thời gian thụ án, do cải tạo tốt nên ông Lê Ân được cho ra ở nhà ngoài sớm. Ngày 31/8/2005, Lê Ân được đặc xá ra tù trước thời hạn.

Được biết cuộc đời đại gia Lê Ân từng lấy 6 bà vợ, trong đó 5 bà vợ mà ông tuyên bố là đều trinh tiết khi đến với ông, thì có tới 3 bà vợ phụ bạc ông, bỏ ông mà đi, lừa đảo ông hoặc ngoảnh mặt khi ông gặp sóng gió.

Vị đại gia "chơi trội" sắm chiếc giường cưới trị giá 6 tỷ đồng cho người vợ trẻ.

Sau 5 lần ly hôn ông đã hứa với lòng mình “sẽ sống một mình suốt đời”, nhưng số phận xui khiến cho ông Lê Ân gặp người vợ thứ 6: Cô Mai Thị Mai… Cô là một trí thức trẻ, xinh đẹp. Cô kém đại gia Lê Ân 53 tuổi.

Năm 2011, cô sinh viên 19 tuổi ngành du lịch Mai Thị Mai đến Làng du lịch Chí Linh gặp Lê Ân xin thực tập. Lê Ân đã có cảm tình với cô gái này ngay từ cái nhìn đầu tiên và ông không ngại bày tỏ, muốn lấy Mai làm vợ. Lúc đầu, Mai cứ tưởng “chú Ân” nói đùa nhưng khi biết đại gia thật lòng, cô đã đồng ý lên xe hoa với người đàn ông lớn hơn mình 53 tuổi, khi được cha mẹ đồng ý.

Nhiều người phải ngỡ ngàng khi ông quyết định bỏ ra gần 10 tỷ đồng để mua 1 chiếc ô tô hiệu BMW-B7 màu trắng làm xe đưa dâu. Chưa kể những thông tin về khoản tiền 5 tỷ đồng mà ông dùng làm tiền dẫn cưới.

Bất ngờ hơn khi đại gia này chi 6 tỷ đồng để mua một chiếc giường Hoàng gia. Đại gia này chia sẻ, ông quyết định chi tiền mua chiếc giường đắt nhất thế giới làm quà tặng người vợ trẻ, đẹp của mình.

Tuy nhiên, khi đang sống êm ấm, hạnh phúc với người vợ trẻ thứ 6 vị đại gia không khỏi bất ngờ khi tháng 7/2017 người vợ cũ của ông bất ngờ nộp đơn lên Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu để đòi tài sản... Kể từ đó đến nay, đại gia Lê Ân không còn xuất hiện trong các sự kiện và dường như đã ở ẩn.

Được biết, tài sản của vị đại gia này ở Vũng Tàu ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Ngoài khai thác Làng du lịch rộng 14 ha ven biển thành phố Vũng Tàu, ông còn kinh doanh dịch vụ lưu trú, bất động sản và hiến 1.500 tỷ đồng cho Quỹ từ thiện Lê Ân gồm tiền mặt và tài sản của Làng du lịch Chí Linh rộng 14 ha.

Hiện tại, sau những thăng trầm chìm nổi của cuộc đời, ông Lê Ân đang là Chủ tịch HĐQT của Công ty Lê Hoàng tại TP. Vũng Tàu, hằng ngày đưa người vợ trẻ kém mình 53 tuổi đi khắp nơi hưởng thụ cuộc sống. Hiện nay Công ty TNHH Lê Hoàng vẫn do ông Lê Ân làm đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, tính đến tháng 5/2018, ông Lê Ân chỉ còn nắm giữ 22,5 %, trong khi bà Mai Thị Mai nắm giữ 2,5%. 75% tỷ lệ sở hữu còn lại thuộc về bà Lê Thị Thắm.

Cái tên Lê Thị Thắm hoàn toàn mới lạ, gần như không có bất cứ thông tin về cổ đông đang nắm cổ phần chi phối tại Công ty Lê Hoàng - doanh nghiệp được biết đến thuộc sở hữu của đại gia Lê Ân.

Tác giả: Kiều Trang (T/h)

Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP