Tin Hà Tĩnh

Những điểm nghẽn trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ở Hà Tĩnh

Sau nhiều lo ngại, cuối cùng dịch tả lợn châu Phi cũng đã có mặt ở Hà Tĩnh. Những biện pháp ứng phó với dịch bệnh này được địa phương xây dựng một cách chi tiết, nhưng do sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân, thậm chí cả cán bộ thú y đã và đang đặt ra những nghi ngại trong công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương này.

Tiêu hủy xác lợn chết trên kênh thủy lợi N9 đoạn qua xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Chủ tịch UBND xã Thạch Lạc (Thạch Hà), Dương Kim Mậu cho biết, không phải đến khi dịch tả lợn xuất hiện tại huyện giáp ranh Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), địa phương mới triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngay từ những ngày đầu tháng 3-2019, khi dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng gia tăng ở trên cả nước, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương thực hiện ráo riết các biện pháp ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi xâm nhập địa bàn.

Tưởng rằng, sau khi thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, địa phương sẽ phong tỏa được mọi lối vào của dịch, thế nhưng dịch bệnh lại xuất hiện trên địa bàn bằng con đường ít ai ngờ nhất, đó là từ kênh dẫn nước phục vụ sản xuất.

“Vào tối 24-5, người dân địa phương tá hỏa khi phát hiện hàng chục con lợn chết trôi trên kênh N9 (kênh lấy nước hồ Kẻ Gỗ chảy từ huyện Cẩm Xuyên sang). Sau khi phát hiện hiện tượng trên, lãnh đạo UBND huyện cùng các phòng ngành chuyên môn đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, xác định tổng số lợn (khoảng 25 - 27 con; mỗi con nặng tầm 20 - 40kg), đồng thời tiến hành chỉ đạo tiêu hủy, tiêu độc khử trùng”, ông Mậu cho biết.

Kết quả xét nghiệm từ Chi cục Thú y vùng 3 cho thấy, mẫu lợn được lấy trên kênh N9 đoạn qua Thạch Lạc dương tính với virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi ASF.

Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thạch Hà, Nguyễn Văn Sáu, mặc dù trên địa bàn chưa xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi nhưng kết quả phân tích mẫu lấy từ địa bàn lại có dịch. Vì vậy, địa phương đã chuyển sang trạng thái ứng phó đối với vùng có dịch. Thực tế cho thấy, nguồn nước lấy từ kênh N9 đang ủ mầm bệnh, nguồn nước này trải dài và cung cấp nước tưới cho nhiều xã ở Thạch Hà. Khác với việc bao vây, khống chế dịch ở một điểm nhất định, việc không chế, loại trừ mầm bệnh đang trôi nổi trong nguồn nước tưới phục vụ sản xuất cực kỳ khó khăn. Do vậy, dịch tả lợn châu Phi có thể xuất hiện ở trên địa bàn vào bất cứ lúc nào.

Tại Cẩm Xuyên, sau khi hai ổ dịch tả lợn châu Phi lần lượt xuất hiện tại thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Thiên Cầm vào ngày 17 và 19-5, đến thời điểm này, địa phương đang nỗ lực thực hiện các giải pháp, không để dịch lây lan, bùng phát ra diện rộng. Qua tìm hiểu thực tế tình hình phát triển ngành chăn nuôi, nhất là thực trạng chăn nuôi lợn trên địa bàn cho thấy, Cẩm Xuyên luôn là địa phương đi đầu trong việc “tiếp nhận” các loại dịch bệnh trên vật nuôi vào Hà Tĩnh. Theo số liệu thống kê, huyện Cẩm Xuyên hiện có hơn 6.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, với tổng đàn lợn khoảng 69.000 con. Với mật độ chăn nuôi khá dày đặc, phương thức chăn nuôi thủ công, nhỏ lẻ, công tác phòng chống dịch bệnh ở lợn tại địa phương này luôn gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, ở các địa phương có dịch tả lợn châu Phi thì phần lớn ổ dịch đều xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Bên cạnh những khó khăn xuất phát từ phương thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, thiếu kiểm soát an toàn sinh học và mật độ chăn nuôi cao, qua tìm hiểu được biết, tại nhiều địa phương, ý thức phòng dịch của một bộ phận người chăn nuôi còn hạn chế. Biểu hiện cụ thể nhất, đó là ngay trong cơn “bão” dịch tả lợn châu Phi, người dân vẫn vô tư vứt hàng chục con lợn chết xuống dòng kênh N9 đoạn đi qua các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra ở Hà Tĩnh, đầu năm 2017, người dân xã Thạch Tiến (Thạch Hà) cũng tá hỏa phát hiện chục con lợn chết bốc mùi hôi thối trôi dạt theo kênh thủy lợi về địa bàn. Dư luận đặt ra câu hỏi, bên cạnh sự vô tâm, thiếu ý thức của một bộ phận nhỏ người dân thì vai trò giám sát của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang ở đâu?

Liên quan ý thức trách nhiệm của cán bộ thú y trong công tác phòng dịch, ngày 17-5, UBND huyện Cẩm Xuyên đã yêu cầu xã Cẩm Nam xử lý kỷ luật, chấm dứt hợp đồng đối với cán bộ thú y xã vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, gây khó khăn cho công tác phòng, chống và tiềm ẩn nguy cơ dịch lây lan ra diện rộng.

Thái độ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ thú y xã Cẩm Nam (Cẩm Xuyên) có thể chưa phải là mấu chốt của vấn đề, tuy nhiên theo chia sẻ của lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Tĩnh, hiện nay đội ngũ cán bộ thú y, nhất là cấp huyện, xã còn thiếu về số lượng, hạn chế về nghiệp vụ, chưa đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi và những điểm nghẽn trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc ở Hà Tĩnh thời gian qua, đòi hỏi địa phương này phải nghiêm túc thực hiện các giải pháp căn cơ, kịp thời để khoanh vùng, dập dịch, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi và ổn định sản xuất.

Tác giả: NGÔ TUẤN

Nguồn tin: Báo Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP