Kinh tế

Những cú bắt tay nghìn tỷ đáng nhớ nhất năm 2019 của các tỷ phú Việt

Thương vụ hợp tác giữa hai tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Nguyễn Đăng Quang hồi đầu tháng 12 đánh dấu một năm M&A cực kỳ sôi động trên thị trường Việt năm qua. Cũng trong năm 2019, nhiều thương vụ sáp nhập khác với quy mô "khủng" không kém cũng đã được các doanh nghiệp thực hiện.

VinMart, VinMart+, VinEco sáp nhập vào Masan

Ngày 3/12/2019, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã công bố thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco.

Việc sáp nhập giữa Vingroup và Masan được đánh giá là thương vụ đình đám bậc nhất thị trường trong năm 2019.

Theo thỏa thuận, CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), CTCP Hàng tiêu dùng Masan – Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên đồng thời tạo nên một Tập đoàn Hàng tiêu dùng – Bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam.

Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần của VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sáp nhập và đóng vai trò là cổ đông trong khi Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động.

Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.

Việc sáp nhập giữa Vingroup và Masan được đánh giá là thương vụ đình đám bậc nhất thị trường trong năm qua, dựa trên uy tín và quy mô của hai tập đoàn lớn này.

Thaco "bắt tay" Hoàng Anh Gia Lai

Ngày 1/10, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai thông báo nghị quyết của HĐQT về việc chuyển nhượng 48% vốn tại Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh cho Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh, công ty con của Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco).

Sau giao dịch trên, Thaco của Chủ tịch Trần Bá Dương thông qua Đại Quang Minh sẽ sở hữu 100% vốn tại dự án khu phức hợp Hoàng Anh Myanmar, dự án bất động sản cuối cùng của Hoàng Anh Gia Lai. Việc tiếp quản Hoàng Anh Myanmar nằm một phần trong kế hoạch đầu tư tổng số tiền hơn 22.000 tỷ đồng của Thaco vào Hoàng Anh Gia Lai.

Cách đây hơn một năm, ngày 8/8/2018, Thaco và HAGL ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó Thaco cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) vay 2.464 tỷ đồng, mua 35% cổ phần HAGL Agrico với giá 3.949 tỷ đồng. Công ty con trong lĩnh vực nông nghiệp của Thaco là Thadi đồng thời chi 7.626 tỷ đồng mua 3 công ty cao su của HAGL Agrico.

Ngoài ra, Thadi đã nhận nợ thay HAGL Agrico 2.500 tỷ và sẽ nhận nợ thay thêm 3.500 tỷ đồng.

Tại thời điểm đó, cú bắt tay giữa Thaco và HAGL là thương vụ hợp tác lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam đối với hai doanh nghiệp trong nước.

“Ông lớn” Vinaconex thành công ty con của An Quý Hưng với 7.400 tỷ đồng

Với việc bán ra 255 triệu cổ phần (57,71% vốn) Vinaconex, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chính thức rút khỏi tổng công ty xây dựng lớn này. Nhà đầu tư trả giá cao nhất là Công ty TNHH An Quý Hưng. Tổng giá trị thương vụ lên tới 7.367 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những thương vụ ồn ào nhất trong năm 2019.

Trước khi thâu tóm Vinaconex, cái tên An Quý Hưng chưa quá nổi tiếng, quy mô cũng khá nhỏ so với Vinaconex. Tại thời điểm mua cổ phần Vinaconex, tổng tài sản của An Quý Hưng chỉ chưa đến 1.000 tỷ trong khi vốn hóa của Vinaconex lên tới 12.000 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối 2018 cũng vượt 20.000 tỷ. Có thông tin bên lề cho rằng doanh nghiệp này bán 20 lô đất tại khu đô thị Galeximco Lê Trọng Tấn được gần 200 tỷ đồng để thanh toán tiền mua cổ phần.

Vinamilk mua GTNfoods


CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã VNM) bắt đầu chiến dịch thâu tóm thương hiệu Mộc Châu Milk từ tháng 3/2019 thông qua việc chào mua công khai gần 117 triệu cổ phiếu CTCP GTNfoods (mã GTN) với giá 13.000 đồng/cổ phiếu nhằm nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này lên 49%.

Đến tháng 6/2019, Vinamilk thông báo mua thành công hơn 90 triệu cổ phiếu GTN và nắm giữ gần 96 triệu cổ phiếu GTN, tương đương 38,24% vốn điều lệ của GTNFoods.

Sau đó, Vinamilk cũng chi 148,5 tỷ đồng mua thỏa thuận thêm 6,6 triệu cổ phiếu GTNT thông qua giao dịch thỏa thuận ngày 6/11. Giao dịch đã giúp tỷ lệ sở hữu của Vinamilk tại GTNFoods tăng lên 43,17%, tiếp tục củng cố vị trí cổ đông lớn nhất.

Không dừng lại ở đó, mới đây “gã khổng lồ” ngành sữa đã thông qua nghị quyết HĐQT về việc mua thêm cổ phiếu GTN để đạt sở hữu đến 75% nhằm chi phối hoàn toàn doanh nghiệp này.

Ngoài sở hữu 74,5% vốn tại Vilico – đơn vị nắm 51% cổ phần tại Sữa Mộc Châu, GTNFoods còn nắm giữ đến 95% cổ phần tại Tổng công ty chè Việt Nam (Vinatea), hơn 38% CTCP Thực phẩm Lâm Đồng (VDL) và gần 74% cổ phần Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (VLC)...

Saigon Co.op mua lại Auchan

Cuối tháng 6/2019, Saigon Co.op và nhà bán lẻ Pháp Auchan công bố hai bên đã đạt thoả thuận chuyển giao tất cả hoạt động bán lẻ Auchan tại thị trường Việt Nam.

Theo đó, Saigon Co.op sẽ nhận chuyển giao 15 cửa hàng, trong đó 3 cửa hàng còn hoạt động cùng các hoạt động thương mại điện tử, nền tảng online của Auchan Việt Nam.

Giá trị chuyển nhượng không được thông báo nhưng phía Saigon Co.op cho biết, hai bên đã thỏa thuận hoàn tất về giá. Saigon Co.op sẽ quản trị thương hiệu Auchan tại Việt Nam từ nay đến Tết Nguyên đán (đầu năm 2020). Sau thời gian này hai bên sẽ cùng bàn thảo lại.

Toàn bộ hệ thống, nhân sự, hàng hóa của Auchan tại Việt Nam sẽ được Saigon Co.op quản lý. Các thành viên của Auchan sẽ được chuyển đổi sang thành viên của Saigon Co.op theo nguyện vọng. Hai nhà bán lẻ cũng cho biết sẵn sàng thảo luận để mở ra cơ hội hợp tác khác trong tương lai.

Auchan vào Việt Nam từ năm 2015, có mặt tại Hà Nội, TP.HCM và Tây Ninh. Vậy nhưng sau một thời gian dài loay hoay, giữa tháng 5/2019, tập đoàn bán lẻ Pháp Auchan Retail bất ngờ quyết định bán 15 cửa hàng, rút khỏi thị trường Việt Nam.

Auchan là đại diện châu Âu cuối cùng rời khỏi thị trường bán lẻ được đánh giá là tiềm năng hàng đầu khu vực châu Á. Đây cũng là lần đầu tiên một doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tiếp nhận lại một thương hiệu bán lẻ tầm cỡ thế giới.

Tác giả: Lê Lan

Nguồn tin: Báo Người Đưa Tin

BÀI MỚI ĐĂNG