28 Tết Nguyên Đán, mỗi cánh cổng của các gia đình tại xã Thạch Tân, P.Hà Huy Tập (TP.Hà Tĩnh) lại sừng sững những cây nêu cao vút với đủ sắc màu lung linh, huyền ảo giữa đất trời mênh mông.
Đêm đến những cây nêu đẹp lung linh, làm sáng rực cả một bầu trời |
Theo phong tục của người dân TP.Hà Tĩnh, hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, ngày Táo quân chầu trời cũng là lúc người dân tổ chức lễ thượng nêu.
Người xưa quan niệm rằng, chính vì từ ngày này cho tới đêm giao thừa vắng mặt Táo quân, nên ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, do đó phải trồng cây nêu để trừ tà ma, tạo lập hạnh phúc cho gia đình…
Ngoài ra phong tục dựng nêu trước nhà, báo hiệu cho một năm làm ăn phát đạt và cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa. Nhờ vậy mà đường phố vào đêm đẹp lung linh nhờ những cây nêu đón tết.
Đêm đến, dọc các ngả đường ở tổ 6,7,8 P.Hà Huy Tập và xã Thạch Tân (TP.Hà Tĩnh) những cây nêu trang trí bóng đèn nháy, lá cọ cao vút, nối từng dãy thẳng hàng đẹp một cách huyền ảo trong màn đêm. Đất trời như chuyển màu, TP.Hà Tĩnh khoác lên mình một chiếc áo đẹp với đủ sắc màu.
Những cây nêu cao vút với đủ sắc màu lung linh, huyền ảo giữa đất trời mênh mông. |
Theo ông Trương Văn Dược, tổ 6, P.Hà Huy Tập cho biết: Trước đây cây nêu truyền thống được làm bằng cây tre, quấn quanh là lá cây đủng đỉnh, phía ngọn cây nêu thường là cành tre và treo nhiều vật dụng vừa mang ý nghĩa chủ quyền vừa mang ý nghĩa tâm linh xua đuổi ma quỷ và cầu mong một năm mới tốt lành, tùy theo phong tục địa phương.
Ngày nay cây nêu được người dân cách tân, thân cây nêu vẫn được làm bằng cây tre, nhưng phía ngọn cây được thay thế bằng các loại đèn Led và đèn nháy, sử dụng các chíp điện tử công nghiệp và treo thêm một số đèn lồng của Việt Nam. Sự thay thế và cách tân này làm cho cây nêu ngày càng trở nên đẹp và thu hút hơn, ông Dược cho biết thêm.
Dựng nêu trước nhà vừa báo hiệu một năm mưa thuận gió hòa thì dựng nêu cũng là cách trừ mọi điểm xấu… |
Trương Hoa / Infonet