Nhà đẹp

Những bất động sản khổng lồ của gia tộc Trần Quí Thanh

Trước khi bị bắt, ông Trần Quí Thanh và gia tộc sở hữu lượng tiền mặt dồi dào, thành lập hàng chục công ty bất động sản, sở hữu quỹ đất rộng lớn, trải dài ở nhiều tỉnh thành. Tuy nhiên, con đường "lấn sân" qua bất động sản của bố con ông Thanh gặp khá nhiều trắc trở.

Có quỹ đất lớn

Xuất phát điểm là doanh nghiệp chuyên về đồ uống nhưng cha con ông Trần Quý Thanh - Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Tập đoàn Tân Hiệp Phát, bà Trần Ngọc Bích - Giám đốc Tân Hiệp Phát, bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát - lại sở hữu hàng chục công ty bất động sản.

Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2021, gia tộc Trần Quí Thanh cho thành lập gần 40 công ty có ngành nghề kinh doanh bất động sản. Các công ty này phần lớn do bà Trần Uyên Phương đứng tên đại diện pháp luật, làm cổ đông sáng lập. Một số công ty bất động sản còn lại do ông Trần Quí Thanh hoặc vợ là bà Phạm Thị Nụ, con gái Trần Ngọc Bích làm đại diện pháp luật hoặc có tên trong danh sách cổ đông sáng lập. Tuy nhiên, phần lớn những công ty này đã phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể.

Khu đất nằm trên đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân khiến bà Trần Uyên Phương bị tố lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện, khu đất này đang bị ngăn chặn mọi biến động.


Sau khi cho ngưng hoạt động loạt doanh nghiệp thành lập năm 2019, trong năm 2021 - 2022, Tân Hiệp Phát lại cho thành lập hơn chục công ty mới với vốn điều lệ vài trăm tỷ đồng/công ty, tất cả đều hoạt động về bất động sản. Các doanh nghiệp này đều do các thành viên trong gia đình ông Thanh nắm vốn và làm đại diện pháp luật, trong đó phần lớn là do bà Trần Uyên Phương đứng tên.

Đáng chú ý trong danh sách này là Công ty TNHH Xây dựng và Quản lý Tài sản Tarryd vốn điều lệ 500 tỷ đồng do bà Phương góp toàn bộ, thành lập vào ngày 27/3/2018 và do ông Trần Quí Thanh làm đại diện pháp luật. Công ty này hiện là cổ đông của rất nhiều công ty bất động sản được thành lập trong năm 2021.

Hiện tại, trong hệ sinh thái bất động sản gia tộc Trần Quí Thanh có các doanh nghiệp hoạt động, gồm: Công ty Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền, Công ty Đầu tư Bất động sản HTK, Công ty TNHH Đầu tư Quang Vinh, Công ty Đầu tư Bất động sản Century Bay Đà Nẵng, Công ty TNHH Number One Quang Vinh, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Quang Vinh, Công ty TNHH Bất động sản Quang Vinh; Công ty TNHH Hạ tầng Quang Vinh, Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Quang Vinh...

Đi cùng với loạt doanh nghiệp đã thành lập, những năm gần đây, việc gom quỹ đất của Tân Hiệp Phát được triển khai khá rầm rộ. Khẩu vị yêu thích của gia tộc Trần Quí Thanh là nhắm vào những khu đất Nhà nước hoặc ngân hàng mang ra đấu giá để tích lũy quỹ đất.

Với chiến lược này, Tân Hiệp Phát đã sở hữu nhiều lô “đất vàng” tại những tỉnh thành đang thu hút đầu tư như Đà Nẵng, TPHCM, Vũng Tàu… Điển hình như Tân Hiệp Phát sở hữu lô đất 12.077 m2 trên tuyến đường Bạch Đằng - phía Bắc đường dẫn vào cầu Sông Hàn, lô đất diện tích 1.836 m2 nằm trên trục nối giữa đường Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo, Đà Nẵng.

Bà Trần Ngọc Bích chi 170 tỷ đồng để được sử dụng khu đất hơn 20.000 m2 tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ trong 50 năm. Bà Bích cũng được công nhận trúng đấu giá một khu đất khác gần 10.000 m2 tại huyện Côn Đảo với số tiền hơn 80 tỷ đồng.

Cuối tháng 5/2019, gia tộc Trần Quí Thanh vượt qua 4 công ty khác để sở hữu khu đất 18.165 m2 ngay trung tâm Vũng Tàu. Số tiền ông Thanh chi ra là 394 tỷ đồng, cao hơn khởi điểm gần 140 tỷ đồng.

Một khu đất ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà bà Trần Ngọc Bích trúng đấu giá. Sau đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị thẩm tra lại hành vi của người trúng đấu giá.


Tại TPHCM, vào tháng 4/2018, bà Đinh Thị Tuyết Nhung đã nhận 163 tỷ đồng từ Tân Hiệp Phát để chuyển nhượng 8 mảnh “đất vàng” cho gia tộc này. Trước đó, 8 mảnh đất này đã được bà Nhung thế chấp ngân hàng.

Dính một số chuyện lùm xùm

Trong lễ kỷ niệm 25 năm thành lập, Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho ra mắt thương hiệu bất động sản Song Thanh để triển khai các dự án với các quỹ đất đắc địa tại Đà Nẵng, Vũng Tàu, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… Tuy nhiên đến nay, gia tộc Trần Quí Thanh chưa có sản phẩm bất động sản nào chào bán ra thị trường. Ngược lại, liên tục bị dính vào lùm xùm vì đất đai.

Cụ thể, ngày 24/2/2022, Thanh tra Bộ Tư pháp công bố quyết định thanh tra số 07/QĐ-TTr việc chấp hành pháp luật về đấu giá tài sản với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước, trong việc đấu giá tài sản theo hợp đồng số 03/HĐ-DVĐGTS ngày 13/4/2021.

Trước đó vào đầu năm 2021, UBND tỉnh Bình Phước quyết định đấu giá quyền sử dụng đất Khu dân cư Phú Thịnh rộng 79.840 m2 gồm 76 lô và 11 cụm, giá khởi điểm 673 tỷ đồng. Tại cuộc đấu giá này, bà Trần Ngọc Bích và ông Phạm Phú Quốc - nhân viên Tân Hiệp Phát cùng đăng ký tham gia.

Việc hai người cùng một tổ chức cùng tham gia cuộc đấu giá là sai so với Luật Đấu giá tài sản và Quy chế cuộc đấu giá. Tuy nhiên, Trung tâm Dịch vụ Đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước đã không nhắc đến vi phạm này mà vẫn cho bà Bích và ông Quốc cùng tham gia. Kết quả, bà Bích trúng đấu giá 10/11 cụm và 54/76 lô đất.

Hồi đầu tháng 10/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã gửi văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cung cấp hồ sơ 2 khu đất mà bà Trần Ngọc Bích đã trúng đấu giá. Khu đất thứ nhất rộng 9.994 m2 tại đường Bến Đầm, huyện Côn Đảo được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định công nhận kết quả đấu giá với 80,1 tỷ đồng vào ngày 28/2/2020. Khu đất thứ hai rộng 20.040 m2 tại Phước Hải, huyện Đất Đỏ, bà Bích trúng đấu giá quyền sử dụng khu đất này với giá 170 tỷ đồng.

Vào cuối năm 2019, bà Bích cũng gây xôn xao dư luận khi liên quan đến việc trúng đấu giá khu đất gần 80.000 m2 ở An Hải - An Hội, huyện Côn Đảo với giá 537,33 tỷ đồng, mức giá sát với giá khởi điểm 537,1 tỷ đồng. Đến tháng 11/2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản giao công an cùng các sở ngành có liên quan rà soát, thẩm tra một số vấn đề liên quan đến kết quả đấu giá quyền sử dụng tại khu đất này.

Khu dân cư Phú Thịnh bị Thanh tra Bộ Tư pháp thanh tra việc chấp hành pháp luật về đấu giá tài sản vì liên quan đến bà Trần Ngọc Bích và ông Phạm Phú Quốc - nhân viên Tân Hiệp Phát (Ảnh: P. L).


Đầu năm 2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến bà Trần Uyên Phương và bà Trần Ngọc Bích. Vụ án được khởi tố căn cứ đơn tố cáo vào tháng 10/2020 của ông Lê Văn Lâm - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Đồng Nai. Công ty này tố giác bà Trần Uyên Phương, bà Trần Ngọc Bích và một số cá nhân chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng thông qua việc chuyển nhượng dự án và trốn thuế tại Công ty CP Bất động sản Minh Thành Đồng Nai, Công ty Đầu tư và Xây dựng Nhơn Thành.

Tương tự, ngày 5/11/2020, ông Nguyễn Văn Chung - Giám đốc Công ty TNHH Đo đạc Tư vấn Thiết kế Xây dựng DCB (trụ sở tại quận Tân Phú, TPHCM) - đã gửi đơn đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an tố cáo bà Trần Uyên Phương và một người khác về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến khu đất nằm trên đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân.

Vào tháng 12/2020, UBND TPHCM đã nhận được đề nghị của Bộ Công an về việc ngăn chặn mọi biến động và yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, pháp lý liên quan tới 33 thửa đất tại quận Bình Tân, Thủ Đức do bà Trần Uyên Phương đứng tên. Việc ngăn chặn chuyển dịch tài sản của Bộ Công an được thực hiện sau khi nhận được tố cáo của nhiều cá nhân và doanh nghiệp cho rằng, gia tộc Trần Quý Thanh đã cho họ vay tiền với lãi suất cao.


Tác giả: Duy Quang

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP