Tin Hà Tĩnh

Nhiều sai phạm nghiêm trọng tại mỏ đá khu vực núi Nam Giới

Mỏ đá ở khu vực núi Nam Giới thuộc xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) của Công ty CP Xây dựng I Hà Tĩnh được UBND tỉnh cấp phép khai thác vào năm 2009.

Nhưng ngay từ khi Công ty đưa vào hoạt động đã có nhiều ý kiến phản đối từ phía người dân các địa phương vì gây ô nhiễm môi trường, phá hoại cảnh quan thiên nhiên.Không những thế, một số cán bộ thuộc các sở, ngành đã bị kỷ luật do tham mưu sai trong quá trình cấp phép.

Núi Nam Giới là một địa danh nổi tiếng của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi có đỉnh Long Ngâm và Di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi. Đây được coi là một trong những địa chỉ tâm linh của người dân hai huyện Thạch Hà và Lộc Hà nói riêng, của tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

Việc tồn tại một mỏ khai thác đá tại đây đã khiến môi trường tại cửa biển bị ô nhiễm, cảnh quan bị tàn phá nghiêm trọng. Đặc biệt, trong quá trình tham mưu UBND tỉnh cấp phép của các sở, ngành bộc lộ nhiều bất cập và sai phạm nghiêm trọng.

Quần thể Khu Quỳnh Viên resot và núi Nam Giới đẹp như tranh vẽ

Cấp giấy phép khai thác đá không thuộc vùng quy hoạch

Theo tìm hiểu thì khu vực núi Nam Giới thuộc huyện Thạch Hà không phải là vùng nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản làm VLXD của tỉnh giai đoạn 2007 – 2015. Vậy nhưng năm 2008, Sở TN&MT vẫn tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định cấp phép khai thác đá lần 1 theo giấy phép số 3526 cho công ty CP Xây dựng I Hà Tĩnh với diện tích 7,3 ha và được khai thác trong 5 năm. Đến tháng 4/2011, DN được cấp phép lần 2 thêm 7 ha, điều chỉnh tổng diện tích lên 14,3 ha và thời hạn khai thác 20 năm. Tiếp đó, đến tháng 4/2014, UBND tỉnh lại có quyết định cho phép nâng công suất khai thác từ 250 ngàn m3/năm lên 420 m3/năm và thời gian rút ngắn xuống còn 15 năm.Điều này cho thấy sự tùy tiện trong quá trình khảo sát thực tế và tham mưu cấp giấy phép khai thác khoáng sản để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận và cả phía doanh nghiệp.

Trả lời báo chí về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản thuộc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết: “Trách nhiệm của Sở TN&MT là trong quá trình tham mưu cấp phép kể cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2, không tham mưu điều chỉnh bổ sung khu vực đó vào trong quy hoạch. Sở đã tiến hành kiểm điểm và xử lý kỷ luật đối với các cán bộ có liên quan.”

Cấp giấy phép khai thác đá ngay trên đất rừng phòng hộ

Quá trình cấp phép và tổ chức khai thác mỏ giai đoạn 2 theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 1131/GP-UBND phù hợp với Qui hoạch sử dụng đất, phù hợp với qui hoạch 3 loại rừng nhưng nằm ngoài qui hoạch khai thác và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Chính vì những lùm xùm về vấn đề này, nên từ khi cấp Giấy phép số 1131 đến nay, có đến 6 đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kiểm tra liên ngành cấp tỉnh và Sở Công Thương phải vào cuộc.

Tuy nhiên, về phía đơn vị khai thác không thực hiện đầy đủ các quy định của nhà nước, chỉ thực hiện từng phần khi có yêu cầu của UBND tỉnh. Công ty chưa ký quỹ phục hồi môi trường; nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nợ thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Chỉ thực hiện ký hợp đồng thuê đất đối với 50% diện tích mỏ được cấp phép, còn lại 7ha chưa làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và chưa ký hợp đồng thuê đất nhưng đã tiến hành khai thác.

Việc khai thác đá của công ty CPXD I Hà Tĩnh khiến cho một góc của núi Nam Giới trở nên nham nhở. Ảnh: Phương Thảo

Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh thì có một phần diện tích cấp mỏ trùm lên cả diện tích đất rừng phòng hộ. Cụ thể, tại khu vực cấp mỏ giai đoạn 1 là 7,3 ha thì có 1,3 ha nằm vào khoảnh 2, tiểu khu 279 là rừng phòng hộ. Giai đoạn 2 là mở rộng mỏ thêm 7 ha thì có đến 5,5 ha cấp vào khu vực rừng phòng hộ. Như vậy, việc kiểm tra thực địa của Sở NN&PTNN và Sở TN&MT là chưa đúng thực tế nhưng đã vội vàng tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép mỏ làm tổn hại đến rừng phòng hộ và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động khai thác.

Ông Lê Hữu Tuấn, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho rằng:“Trong quá trình làm và kiểm tra các cán bộ ngành chưa nhìn nhận hết sự việc.Đối với các cán bộ phòng chuyên môn và bộ phận tham mưu chúng tôi cũng đã có các hình thức xử lý vi phạm trong sự việc trên.”

Không những thế, trên diện tích đất được UBND tỉnh cho thuê xây dựng khu chế biến đá, công ty đã xây dựng một số công trình không nằm trong quy định như: Nhà điều hành, nhà ở công nhân, nhà bếp, căng tin, kho chứa xăng dầu, khu chăn nuôi gà, bể chứa nước sạch, trồng cây xanh…

Ngoài ra, công ty còn sử dụng thêm 6,81ha đất bãi ven sông (đất chưa sử dụng do UBND xã quản lý) để làm bãi tập kết vật liệu, chế biến đá và tự ý san lấp, đắp lấn ra phía sông với diện tích 1,57ha.

Về tài chính, theo Thanh tra tỉnh, Công ty Cổ phần Xây dựng I Hà Tĩnh còn nợ gần10 tỷ đồng cho các khoản: ký quỹ môi trường, cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường.

Xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ có liên quan

Trước những ý kiến của dư luận, ngày 27/3/2017 UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện quá trình cấp phép và hoạt động khai thác đá tại mỏ đá núi Nam Giới.

Ngày 13/4/2018, Kết luận thanh tra được công bố, theo đó ngành TN&MT phải chịu trách nhiệm về sai phạm trong việc tham mưu cấp phép khai thác mỏ tại vùng không có qui hoạch. Sở NN&PTNN chưa thực hiện tốt việc quản lý rừng và đất lâm nghiệp cũng như việc giám sát đất rừng tại khu vực cấp phép khai thác mỏ. Đặc biệt, khi cấp phép mỏ dù khi chưa có đầy đủ hồ sơ nhưng vẫn xác nhận là rừng sản xuất. Sở Xây dựng chưa thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc xây dựng các hạng mục công trình theo qui hoạch được duyệt. Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa thực hiện tốt công tác thẩm định, xác nhận vốn chủ sở hữu và kiếm tra thông tin trong quá trình tham mưu cấp phép.

UBND huyện Thạch Hà, UBND xã Thạch Bàn chưa thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ quản lý đất đai tại mỏ, không tổ chức kiểm tra định kỳ.

Về phía công ty Cổ phần Xây dựng I Hà Tĩnh kết luận thanh tra cũng đã đề cập rõ nhiều sai phạm trong quá trình khai thác.

Điều đáng nói, theo qui định thì sau 90 ngày sau khi có kết luận của Thanh tra, doanh nghiệp phải khắc phục những vi phạm. Thế nhưng đến nay đã hơn 3 tháng, doanh nghiệp vẫn chưa có bất cứ động thái nào, thậm chí còn tỏ ra bất hợp tác với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Ngược lại, phía cơ quan chức năng cũng chưa có các biện pháp, đôn đốc có hiệu quả để xử lý các sai phạm trên một cách không kiên quyết.

Hậu quả của việc tham mưu cấp phép sai tại mỏ đá này đã khiến 5 cán bộ thuộc Sở TN&MT, 2 cán bộ Sở NN&PTNN bị kỷ luật. Nhưng điều mà cử tri và người dân mong muốn hơn cả, đó chính là các sai phạm trên thực tế phải được ngăn chặn kịp thời để bảo vệ cảnh quan môi trường, tài nguyên thiên nhiên, trả lại cho núi Nam Giới về với đúng nghĩa của nó – một địa chỉ đỏ về tâm linh trước khi quá muộn.

Tác giả: Minh Hà

Nguồn tin: Congluan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP