Giáo dục

Nhiều giáo viên xin thôi việc vì lương thấp

Đó là chia sẻ thực tế của đại diện tỉnh Lào Cao tại hội thảo góp ý dự thảo luật Giáo dục sửa đổi khi bàn về chế độ chính sách đối với nhà giáo.

Ngày 5/12, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục với sự tham dự của đại diện 14 tỉnh, thành phía Bắc. Hầu hết các đại biểu đồng tình với nội dung sửa đổi 29/120 điều mà ban soạn thảo đưa ra, đặc biệt ở các nội dung nâng lương giáo viên, miễn học phí THCS,…

Bàn về chế độ cho nhà giáo, ông Trần Quang Vượng (Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT Lào Cai) chia sẻ thực tế đáng báo động khi số giáo viên xin ra khỏi ngành trên địa bàn đã tăng đột biến. Chỉ riêng cấp THPT, chưa hết năm 2017 đã có 26 giáo viên xin thôi việc, trong khi đó năm 2015 con số này chỉ là 6, tức đã tăng gấp hơn 4 lần. Theo ông Vượng, qua xác định, nguyên nhân là sức hấp dẫn về tiền lương với giáo viên thấp.

“Càng về cuối năm, chúng tôi càng nhận được nhiều đơn xin thôi việc của giáo viên, ở tất cả cấp bậc từ mầm non đến THPT, trong đó có cả các giáo viên ở thành phố. Thầy cô vì thu nhập thấp, không đáp ứng được cuộc sống nên muốn chuyển sang công việc khác”, ông Vượng nói.

Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ ra thực tế ngành giáo dục đang khó thu hút nhân tài và nam giới vì đồng lương eo hẹp.

“Lương của thầy cô giáo nói là cao nhất nhưng trên thực tế không hề cao. Lương của giáo viên mới ra trường khoảng hơn 3 triệu đồng. Bao nhiêu lần chúng tôi trình bày tại sao không thu hút được nhân tài và cũng không thu hút được nam giới vào ngành giáo dục nhiều. Hiện ở Hà Nội, tỷ lệ giáo viên bậc THPT là nữ chiếm 85%, trong khi nam giới chỉ chiếm 15% tổng số. Bởi nam giới là trụ cột kinh tế của gia đình nhưng không kiếm được tiền nuôi được vợ con thì rất khó. Do đó ngành giáo dục cũng cần tính hướng để có lương cho những người đi làm đủ sống và nuôi được gia đình”, ông Đại nói.

Hầu hết đại biểu cũng bày tỏ sự phấn khởi và đồng thuận khi nội dung "lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" được đưa vào dự thảo luật sửa đổi.

Giáo viên không mặn mà được lên phòng, sở

Tuy nhiên, một số đại biểu góp ý cần thêm “cán bộ quản lý giáo dục” vào nhóm được tăng lương. Bởi nhiều cán bộ đi lên từ giảng dạy, nhưng nếu không có chế độ phù hợp thì khi chuyển sang làm quản lý, họ sẽ bị mất thâm niên và giảm thu nhập.

Thực tế đã nảy sinh vấn đề khi ở một số địa phương các sở, phòng giáo dục đang đau đầu bài toán nhân sự khi giáo viên chẳng mặn mà “lên cấp”.

Ông Phạm Thanh Hoàn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình phàn nàn: “Nhà giáo ở trường là viên chức nhưng đã về sở thì thành công chức nhưng hiện rất ít người muốn về sở. Hiện chúng tôi đang rất khó khăn khi cần lấy một chuyên viên và nếu có chỉ may với nguyên nhân là họ ở rất xa mà sở ở trung tâm nên muốn về cho gần. Động lực là rất khó. Nên chăng có thể phụ cấp đứng lớp không được hưởng nhưng phụ cấp thâm niên thì cán bộ quản lý nên được hưởng. Bởi những người quản lý giáo dục vốn là những người ưu tú”.

Đại diện Sở GD-ĐT Hải Dương nêu ý kiến: “Tôi nghĩ nên bổ sung lương của nhà giáo và các cán bộ quản lý giáo dục. Bởi có những đồng chí công tác ở dưới các trường 25 năm nhưng lên Sở thì “mất hết” thâm niên. Vậy gọi là cán bộ sở, phòng nhưng mất hết những thời gian thâm niên. Tôi nghĩ nên bổ sung là lương của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, hiện nay cán bộ quản lý giáo dục rất thiệt thòi. Tôi cho rằng quản lý giáo dục thì vẫn phải được hưởng thâm niên giáo dục”.

Bà Nguyễn Thúy Hường (Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nam) chia sẻ: “Nhiều chuyên viên và cán bộ quản lý ở các phòng và sở, gửi gắm đề xuất với Bộ GD-ĐT cần có cơ chế chính sách để phù hợp với yêu cầu công việc và không thiệt thòi cho những cán bộ quản lý đã từng tham gia giảng dạy ở các cơ sở giáo dục và được lựa chọn triệu tập lên làm việc ở sở và phòng. Bởi phải là những người có thành tích giảng dạy rất tốt thì họ mới được triệu tập, bổ nhiệm làm cán bộ quản lý. Nhiều hay ít cũng tối thiểu là 5 năm công tác giảng dạy, do đó có thể không bổ sung vào dự thảo luật thì cũng cần xem xét có cơ chế chính sách nhất định để đảm bảo quyền lợi và để đội ngũ cán bộ quản lý yên tâm.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ sẽ tiếp thu và xem xét các ý kiến để có thể bổ sung, hoàn thiện luật giáo dục.

Hầu hết các đại biểu nhất trí yêu cầu chuẩn trình độ giáo viên tiểu học nâng từ trung cấp lên cao đẳng là phù hợp với thực tiễn.

Các đại biểu cũng đồng tình phương án miễn học phí ở bậc THCS nhưng một số cũng bày tỏ lo ngại cần tính toán khi những bất cập tương tự có xảy ra như ở cấp tiểu học về lạm thu khi không thu học phí.

Tác giả: Thanh Hùng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP