Bến xe thị xã Hồng Lĩnh (đóng tại phường Đậu Liêu) được xây dựng năm 2010 trên khu đất rộng 15.000 m2, kinh phí hơn 8 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách. Với hệ thống sân bãi rộng, phòng vé, khu vực nhà chờ khang trang, đây được kỳ vọng là cửa ngõ đón khách phía Bắc của tỉnh với hàng trăm lượt xe ra vào mỗi ngày.
Ông Nguyễn Xuân Tứ, Trưởng bến xe Hồng Lĩnh cho biết, hiện tại bến chỉ quản lý được 6 xe đi Hà Nội và Đăk Lăk, ngày nhiều nhất thì được 2 đến 3 xe ra vào, có ngày không lượt nào. Bãi đáp ở phía sau để cho xe chờ khách, song vì vắng nên từng có thời gian được trưng dụng làm bãi tập kết xe quá tải vi phạm.
Hệ thống phòng bán vé, ghế ngồi đang còn rất mới, nhưng vài ngày mới có một vài khách tới mua vé đi vào miền Nam. Bốn nhân viên bến xe phải thay nhau thức dậy từ lúc 5h sáng ra trực bến, ai cũng buồn bởi không có khách đồng nghĩa với đồng lương eo hẹp.
Do không có khách, các kệ hàng dùng để bán bánh kẹo, nước khoáng được đem ra ngoài hành lang. Trưởng bến xe cho hay, nguyên nhân bến không có xe ra vào là thị xã Hồng Lĩnh có nhiều điểm bán vé xe liên tỉnh đặt ở ngoài đường. Vì thế hành khách khi đón xe chỉ chờ ở điểm bán vé chứ không vào trong bến để mua.
Mang danh là làm sổ sách, bán vé…, nhưng công việc của các nhân viên tại bến xe Hồng Lĩnh chỉ là suốt ngày đến trông bến, quét dọn rồi về. “Việc bán vé, đón trả khách ngoài bến của các nhà xe dẫn tới tình trạng lộn xộn, mất trật tự, không đảm bảo an toàn cho hành khách. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền và công an nên tập trung các điểm bán vé xe về tại bến, ngăn không cho đón khách dọc đường nhưng vẫn chưa có phản hồi tích cực”, ông Trưởng bến xe Hồng Lĩnh nói.
Cách bến xe thị xã Hồng Lĩnh khoảng 15 km, bến xe huyện Can Lộc cũng đang rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”. Được doanh nghiệp đầu tư xây dựng từ năm 2008 trên khu đất rộng 11.000 m2 với kinh phí hàng chục tỷ đồng, thời gian đầu mỗi ngày có hàng trăm lượt xe ra vào, chủ đầu tư xây thêm cả cây xăng để phục vụ. Tuy nhiên tính toán này đang có nguy cơ phá sản.
Lượt khách tới mua vé và xe ra vào mỗi ngày tại bến Can Lộc hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Xe bên ngoài huyện và tỉnh vào bến đậu hầu như không có. Không có nguồn thu, hàng năm chủ đầu tư bến vẫn phải đóng 90 triệu đồng trả tiền thuê bến bãi cho nhà nước.
Một số hạng mục như nhà vệ sinh, phòng y tế dự định để phục vụ cho nhân viên và hành khách bị bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm.
Không có hàng rào, bến xe thường là nơi ra vào của trâu bò. Ông Trần Văn Tuyển, Trưởng bến xe huyện Can Lộc cho biết, do khách thưa thớt, mấy năm nay đã cho một nhà xe trên địa bàn thuê lại phòng làm điểm bán vé. “Chúng tôi đang tính phương án bỏ ra khoảng 30 tỷ đồng khôi phục lại cây xăng, đầu tư làm lại sân bãi, hàng rào để mong có thể cứu vãn được tình thế”, ông Tuyển thông tin.
Trong khi nhiều bến xe huyện hoạt động không hiệu quả thì ở một số địa bàn khác vẫn tiếp tục xây bến mới. Năm 2014, bến xe huyện Cẩm Xuyên được xây dựng với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng, mục đích để phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân và xe cộ qua lại trên địa bàn.
Hệ thống sân bãi, phòng bán vé được xây mới khang trang, nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động. Theo ông Lê Dũng Tiến, Trưởng ban quản lý các bến xe Hà Tĩnh, bến xe Cẩm Xuyên đang tạm dừng đưa vào sử dụng để chuyển từ mô hình quản lý nhà nước sang tư nhân.
Chưa đưa vào sử dụng, nhưng một số hạng phục đã hỏng hóc, cửa kính vỡ nứt nẻ. Nói về sự hoạt động cầm chừng của các bến xe huyện, ông Tiến cho hay đầu tư bến xe là nghề kinh doanh có điều kiện, giống như nơi sinh hoạt công cộng của mọi doanh nghiệp, người dân. Do vậy khi doanh nghiệp muốn đầu tư có hiệu quả thì phải có phương hướng, tính toán cụ thể.
Theo Vnexpress