Mới đây, phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội về sự cố biển miền Trung của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà khép lại với một thông tin đáng lưu ý: Nguyên Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang đã tự nhận trách nhiệm và sẵn sàng chịu mọi hình thức kỷ luật liên quan sự cố Formosa gây ra.
Những chia sẻ này được đưa ra khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương hiện cũng đang kiểm tra trách nhiệm của các cá nhân liên quan sự cố này.
Để góp thêm một góc nhìn về những động thái này ở Bộ TNMT, chuyên mục Góc nhìn thẳng của VietNamNet mới các bạn theo dõi cuộc trò chuyện với GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về câu chuyện này.
Theo dõi cuộc trò chuyên tại clip dưới đây:
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa GS, ông nhìn nhận thế nào về động thái nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Nguyễn Minh Quang đã lên tiếng sẵn sàng chịu mọi hình thức kỷ luật có liên quan sự cố Formosa?
…
“Với tinh thần trách nhiệm của Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự giai đoạn xảy ra sự cố Formosa xả thải, tôi sẵn sàng chịu mọi hình thức kỷ luật”, nguyên Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang đã nói với Ban cán sự Bộ TN&MT- theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Thứ trưởng bộ này, ông Chu Phạm Ngọc Hiển
GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi đánh giá thái độ của nguyên bộ trưởng Nguyễn Minh Quang là rất đàng hoàng. Dĩ nhiên, không ai muốn một vị nguyên bộ trưởng đã về hưu rồi lại còn phải chịu kỷ luật, dù là kỷ luật về Đảng hay kỷ luật về mặt chính quyền. Nhưng có thể nói, chắc chắn, nguyên bộ trưởng Nguyễn Minh Quang sẽ phải chịu trách nhiệm một phần về sự cố xảy ra ở Fomora. Và trong vụ việc này, tôi nghĩ cũng phải có trách nhiệm của những người ở cấp cao hơn.
Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng, suốt từ khi xảy ra vụ Formosa đến giờ, vẫn chưa có ai bị kiểm điểm, chưa có ai làm sao cả. Có thể nói, người dân cũng thấy mình làm công việc kiểm điểm trách nhiệm này quá chậm chạp
Nhà báo Phạm Huyền:Thời gian gần đây, có những hiện tượng trốn tránh trách nhiệm khi có những vụ sai phạm xảy ra. Ông nghĩ ra sao về thái độ, tinh thần tự chịu trách nhiệm của các tư lệnh ngành hiện nay, khi có những sai phạm xảy ở ở ngành mình phụ trách?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Rõ ràng, hiện nay công luận hết sức bất bình trước việc một số người có liên quan ở các vụ thất thoát lớn, như ở vụ PVC, hay vụ việc nhà máy xơ sợi Đình Vũ, bỏ trốn ra nước ngoài. Dư luận cũng không đồng tình với việc một số vị lãnh đạo cao cấp im lặng trước trách nhiệm của mình.
Tôi cho rằng, việc để những người có trách nhiệm lớn trong các vụ thất thoát tài sản lớn của Nhà nước trốn được ra nước ngoài thì phải xem trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của những người đương chức như thế nào trước?
Vì sao Trịnh Xuân Thanh đã rơi vào tầm ngắm của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương khoảng 5-7 tháng rồi thì ông ấy bỏ trốn và không ai biết ông ấy trốn đi đâu? Tại sao cơ quan điều tra lại có thể buông lỏng đến mức như vậy được. Tôi xin nói rằng, ở chỗ này, cơ quan điều tra không thể trốn tránh trách nhiệm của mình được.
Thứ hai là vụ ông tổng giám đốc của nhà máy sợi Đình Vũ Vũ Đình Duy giờ đi đâu , cơ quan quản lý liên quan lại nói rằng, không biết ông ấy đang ở nước nào… thì tôi không thể tin được.
Tôi cho rằng, phải nói đến trách nhiệm của người đương chức và nếu cần, phải cách chức một vài người. Không thể để tình trạng như thế này được, giỡn mặt với pháp luật, coi thường nhân dân quá!
Nhà báo Phạm Huyền:Quay trở lại vụ Formosa, trước thông tin nguyên bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhận trách nhiệm thì ông cựu bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự cũng phát biểu rằng, nếu tôi sai tôi sẽ chịu trách nhiệm. Gần đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ ra sợi dây trách nhiệm, rút kinh nghiệm ở ta kéo dài quá, từ năm này qua năm khác.
Vậy, ông nghĩ thế nào về các câu chuyện các vị lãnh đạo lên tiếng nhận trách nhiệm hay sau đó, nếu bị kỷ luật thì có thể theo kiểu “cách chức khi về hưu”. Liệu những tinh thần, thái độ hay chế tài như vậy có tác dụng gì không?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi nghĩ là thái độ sẵn sàng chịu mọi kỷ luật của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang hay nguyên Bí thư tỉnh ủy Võ Kim Cự là đáng hoan nghênh. Nhưng đáng hoan nghênh hơn nếu các ông chỉ ra là các ông đã có khuyết điểm gì và tự nhận hình thức kỷ luật.
Vì đến bây giờ, một số vị vẫn nói rằng, tôi sẽ sàng nhận kỷ luật nếu tôi sai, tức là vẫn còn chữ “nếu” mà chưa nhìn thấy rõ trách nhiệm của mình ở đâu. Như thế, đó là một nhân tố làm sợi dây rút kinh nghiệm bị rút quá dài, gần 1 năm rồi mà chưa ai biết mình sai ở chỗ nào? Tôi thấy thế cũng là chưa ổn.
Còn với việc kỷ luật các cán bộ khi đã về hưu, tôi cho rằng, đây là một việc mà mình cần phải làm đúng theo Điều lệ của Đảng, đúng với các quy định của tổ chức Đảng, đúng với pháp luật, để người dân thấy thái độ nghiêm khắc của Đảng, của Nhà nước đối với các cán bộ có khuyết điểm thuộc quyền quản lý của mình.
Có thể, cán bộ tuy về hưu rồi, là Đảng viên thì phải chịu hình thức kỷ luật về mặt Đảng.
Còn về mặt chính quyền, tôi phải nói thật là nhân dân rất băn khoăn về dự kiến cách chức của những người đã về hưu . Bởi làm thế thì không khác gì mở một cửa đã mở sẵn.
Quan trong nhất là đừng có ai bị kỷ luật gì cả, đừng có để xảy ra sự cố gì cả. Nếu có sự cố thì phải kiểm điểm và kỷ luật nghiêm. Và phải làm thế nào để minh bạch, người dân thêm lòng tin về cuộc đấu tranh trong nội bộ của Đảng, đấu tranh bảo vệ sự công minh của pháp luật. Nếu giờ đấu tranh mạnh như vậy thì mình mới đảm bảo không tái diễn những vụ việc như là Formosa nữa.
Nhà báo Phạm Huyền:Xin cảm ơn ông!
VietNamNet
Thực hiện: Phạm Huyền
Clip: Xuân Quý, Đức Yên, Huy Phúc