Dưới đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) về việc phải bỏ phí chiếc giường tầng còn mới nguyên do không tính hết các bất hợp lý của nó:
Cách đây 2 năm, gia đình tôi làm thêm một phòng trên tầng 4 cho hai cậu con trai nhỏ ngủ riêng. Khi đó, một cháu 8 tuổi, một cháu 4 tuổi. Căn phòng có diện tích 24 m2 (4x6m) khá rộng nên hai vợ chồng định bố trí hai giường đơn. Tuy nhiên, hai cháu lại thích có giường tầng giống như trong các bộ phim xem trên tivi và ở nhà các bạn cùng lớp.
Thấy các con thích quá, tôi quyết định bỏ ra 12 triệu để mua một chiếc giường tầng bằng gỗ khá chắc chắn. Hôm đó, ngay sau khi lắp giường xong, tôi chở hai con đi chọn mua ga gối hình Doraemon đúng ý các con. Hai bé cũng háo hức không kém, thức tới khuya để xếp những bộ truyện yêu thích nhất lên các ngăn trên giường.
Tôi cũng thấy ưng ý vì giường có các bậc thang đồng thời là ngăn kéo. Nhờ đó, tôi cất gọn được nhiều đồ chơi, quần áo trái mùa của các con. Ngoài ra, căn phòng trông cũng khá thoáng rộng vì kê hai giường mà chỉ tốn diện tích của một chiếc.
Giường tầng giúp tiết kiệm diện tích nhưng không phải lúc nào cũng hợp với mọi nhà. Ảnh minh họa: Jtday. |
Tuy nhiên, được ít ngày, chúng tôi mới thấy nhiều điều bất hợp lý khi giường cao 1,75m gần tới sát trần. Trần nhà tôi khá thấp (2,8m) trong khi gia đình tôi lại thích sử dụng quạt trần treo giữa nhà để làm mát đều toàn bộ phòng.
Ban đầu, tôi không để ý tới chi tiết này nên kê giường sát bức tường dài 6m. Tuy nhiên, vào ngày nóng bức, tôi phát hoảng khi thấy con trai leo trèo đầu gần chạm vào quạt đang quay. Hai vợ chồng lại hì hụi quay ngang giường sát bức tường ngang 4m cũng là nơi đặt cửa ra vào.
Không bị vướng quạt trần nữa nhưng giường dài 2,5m lại gần như sát cửa ra vào. Mỗi lần mở cửa, chúng tôi lại có cảm giác khó chịu, vướng víu khi có một khối đồ sộ liền kề.
Thêm vào đó, khu nhà tôi sát bờ sông nên khá ẩm ướt, nhất là khi trời nồm. Tuy nhiên, kiểu giường tầng cũng khó mắc màn chống muỗi.
Nhưng điều khiến tôi tiếc nuối nhất là từ khi mua, giường không được sử dụng nhiều như mong muốn. Thời gian đầu, các con leo trèo, chạy nhảy suốt ngày quanh giường. Bé út 4 tuổi còn khiến tôi nhiều phen "thót tim" vì trèo thoăn thoắt đuổi theo anh.
Tôi để con lớn ngủ ở tầng trên còn con út nằm ở tầng dưới. Nhưng được mấy hôm, cậu cả cũng không chịu vì phần giường tầng trên ngay cạnh một ô cửa sổ nhỏ sát trần. Con bảo: "Con không ngủ được vì sợ ma ngoài cửa sổ".
Phần lớn thời gian bé út lại sang ngủ cùng bố mẹ còn cậu cả xuống tầng dưới ngủ cùng ông bà. Đôi lúc, vợ chồng tôi muốn siết kỷ luật để hai cháu tự lập hơn nên bắt ngủ phòng riêng. Tuy nhiên, con út còn bé vẫn còn sợ ngủ một mình. Cậu anh thì thà nằm trên sàn nhà còn hơn leo lên tầng 2 của giường.
Kể từ khi mua tới giờ, số lần giường tầng 2 được sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mang tiếng phòng riêng rộng rãi mà các con không được ngủ thoải mái, có thể gặp nguy hiểm.
Sau 2 năm, tôi đã cảm thấy chán ngán với kiểu giường này và muốn thanh lý lại để sắm hai chiếc giường đơn. Dù thiệt một ít tiền nhưng tôi nghĩ mình sẽ biết cân nhắc kỹ hơn trước khi mua bất cứ đồ gì.
KTS Ngọc Anh cho biết, hiện rất nhiều gia đình lựa chọn giường tầng cho trẻ nhỏ. Đây là giải pháp hợp lý với những gia đình có diện tích nhỏ hẹp mà có từ 2 trẻ trở lên. Các em bé thích leo trèo nên rất mê kiểu giường này. Hiện tại, mẫu giường này cũng có nhiều kiểu dáng, màu sắc bắt mắt, phù hợp với bé trai hoặc bé gái. Tuy nhiên, trước khi mua giường, bố mẹ cần phải tính tới hai yếu tố. Đầu tiên là độ tuổi, tính cách của các con. Các bé phải đủ lớn (trên 6 tuổi) để đảm bảo an toàn khi ngủ giường tầng. Bố mẹ cũng cần cân nhắc làm giường chắc chắn, thành giường cao, cầu thang lên xuống dạng bậc. Với các bé quá hiếu động, bố mẹ nên cân nhắc chọn hai giường đơn nhỏ hoặc giường đôi. Thứ hai là bố mẹ cũng cần đo đạc kích thước nhà (ngang, dọc, chiều cao...) và tính toán để kê giường không bị vướng víu đồ đạc trong nhà. |
Tác giả: Nguyễn Thị Hòa
Nguồn tin: Báo VnExpress