Nhà máy nước sạch xã Đức Lạng đang bị “đắp chiếu”. |
Theo phản ánh của người dân, năm 1972, trên địa bàn thôn Sơn Quang (xã Đức Lạng) có đường ống trung chuyển xăng dầu chiến lược bị bom đánh trúng bốc cháy, một lượng lớn ngấm vào đất. Sau này, khi người dân đào giếng lấy nước thì phát hiện nguồn nước bị nhiễm xăng dầu. Nhiều người tìm cách khoan sâu xuống đất thì nước bị nhiễm phèn. Để duy trì cuộc sống, người dân buộc phải xây bể chứa, sắm dụng cụ tích trữ nước mưa, còn nước giếng chỉ dùng để rửa, tắm giặt.
Năm 2009, xã Đức Lạng được Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh (thuộc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh) đầu tư nhà máy nước sạch với kinh phí gần 6 tỉ đồng, từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Người dân được hưởng lợi cũng phải nộp mỗi hộ 2 triệu đồng cho UBND xã để lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước. Cuối năm 2011, nhà máy nước sạch đi vào hoạt động, cung cấp nước cho 100 hộ dân thôn Sơn Quang. UBND xã Đức Lạng thành lập hợp tác xã môi trường để quản lý, vận hành.
Năm đầu tiên đưa vào vận hành, công trình phải tạm dừng mất 2 tháng do trạm bơm đầu mối bị chập cháy và bị đất cát từ sông Ngàn Sâu bồi lắng vào trạm bơm. Những năm sau đó, cũng vì lý do trên, nhà máy phải tạm dừng hoạt động nhiều lần, có năm không thể vận hành. Đầu 2015, để hoàn thành các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, UBND xã Đức Lạng huy động mọi nguồn lực sửa chữa máy móc, khơi thông đầu nguồn dẫn nước, nên nhà máy hoạt động trở lại, xã được công nhận về đích nông thôn mới. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau, trạm bơm đầu mối tiếp tục bị đất cát bồi lấp, đường ống dẫn nước nhiều đoạn bị vỡ nên công trình phải “đắp chiếu” từ đó.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhà máy nước sạch xã Đức Lạng cỏ mọc um tùm, cửa vào nhà máy bị mất một cánh, nền bê tông hỏng bóc bị rêu bám xanh, hệ thống đường ống bằng sắt hoen gỉ, bờ bao hư hỏng nặng. Ông Nguyễn Quốc Hùng (48 tuổi, ngụ tại thôn Sơn Quang, xã Đức Lạng) cho rằng, sở dĩ nhà máy nước liên tục bị hư hỏng là do người quản lý không có trình độ để vận hành. Mặt khác, trạm bơm đầu nguồn đặt ở vị trí chưa phù hợp, dẫn đến bị đất cát bồi lấp. “Nhà tôi sát bên nhà máy nước sạch nhưng nhiều năm nay trong tình trạng “khát nước”. Năm đầu tiên nhà máy đi vào hoạt động thì người dân cơ bản có nước sạch dùng, còn mấy năm sau đó, hầu như không có giọt nước nào”, ông Hùng phản ánh.
Trả lại nhà máy vì... không đủ khả năng vận hành
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Đức Lạng, cho biết nhà máy liên tục bị hư hỏng một phần là do... hiện đại quá, khi được bàn giao, xã không đủ năng lực chuyên môn để vận hành. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, trạm bơm đầu nguồn liên tục bị đất cát bồi lấp nên máy bơm liên tục xảy ra chập cháy. “Vừa rồi, chúng tôi đã sắm 2 máy bơm nước và đang cố gắng khắc phục lại hệ thống đường ống. Chính quyền địa phương cũng quyết định thuê 2 người quản lý, vận hành nhà máy và trả lương cho mỗi người 1,5 triệu đồng/tháng. Hiện đã cấp nước trở lại cho 30 hộ dân sử dụng. Trong thời gian tới, nếu nhà máy tiếp tục hoạt động không hiệu quả, chúng tôi sẽ đề nghị lên cấp trên trả nhà máy nước cho chủ đầu tư”, ông Hiệp nói.
Ông Hồ Đình Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh, cho hay trong quá trình bàn giao công trình và trong giai đoạn bảo hành, trung tâm đã nhiều lần cử cán bộ kỹ thuật truyền đạt lại kiến thức vận hành nhà máy nước cho người trực tiếp quản lý. “Chính quyền xã Đức Lạng cứ thay đổi liên tục người vận hành nên năng lực kiểm soát nhà máy yếu kém là đúng. Bây giờ xã phá hư nhà máy nước rồi xin trả lại rung tâm thì chúng tôi lấy tiền đâu mà sửa? Vừa rồi, chúng tôi cùng với đoàn của UBND tỉnh có lên kiểm tra thì thấy xã để cho nhà máy nước mốc meo, nhiều hệ thống bị xuống cấp nghiêm trọng. Đoàn kiểm tra của tỉnh cũng đã yêu cầu UBND xã Đức Lạng trong thời gian sớm nhất phải khắc phục lại nhà máy nước để cấp nước cho người dân”, ông Hoài nói.
Tác giả: Phạm Đức
Nguồn tin: Báo Thanh niên