Ông Nguyễn Văn Tuân - nguyên Chủ tịch HĐQT Tcty Vinaconex giai đoạn 2006-2011. Ảnh: Theo Vinaconex |
Ông nói: "Với tư cách là Tổng Giám đốc Vinaconex tại thời điểm đó, trong khi dự án đang rất cần triển khai sớm để bổ sung nước cho Hà Nội triền miên thiếu nước sạch, chúng tôi đã lặn lội tìm nguồn vốn. Tôi khẳng định, với tự trọng nghề nghiệp, mục đích của chúng tôi là để có nguồn nước sạch cho người dân Thủ đô, không hề vụ lợi, lợi dụng dự án để “chấm mút”, tham ô, tham nhũng.
Khi triển khai dự án, chúng tôi cũng đã cử chuyên gia sang nước ngoài học tập, thực hành từ khâu sản xuất nguyên liệu và kỹ thuật vận hành... Tuy nhiên, sự học là vô hạn. Với công nghệ mới thì xác xuất rủi ro nếu trong biên độ cho phép là hoàn toàn chấp nhận được.
Vả lại, có thể nói rằng, ở giai đoạn ấy, khi áp dụng công nghệ này, chúng tôi là “những người lính tiên phong”, khi thực hiện cũng trăn trở nhiều lắm. Thành công thì hiệu quả rất lớn, nhưng thất bại (dù xác suất rất nhỏ), cũng sẽ phải trả giá. Nhưng chả lẽ khó mà không làm? Nếu rụt rè, tạo “giới hạn an toàn” thì sẽ không làm được điều gì hết. Công nghệ mới, tính ưu việt có, nhưng cũng có thể có rủi ro".
Dù đang trọng bệnh, nhưng ông Nguyễn Văn Tuân vẫn dành cho PV Báo Lao Động cuộc trao đổi. Ảnh: Phương Anh. |
Mặc dù luôn khẳng định, dự án cấp nước Sông Đà đã được khảo sát, thiết kế, triển khai rất thận trọng, có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài lăn lộn tại công trình, nhưng ông Nguyễn Văn Tuân cũng không giấu sự hối tiếc khi tuyến ống cấp nước có tới 19 lần bị vỡ. Ông Tuân cho rằng, hoàn toàn không có chuyện ăn bớt nguyên liệu hoặc làm “tắt” các công đoạn để “kiếm chác”.
Sau khi liên tục xảy ra sự cố vỡ ống nước, các bộ phận, cơ quan chức năng đã đánh giá, rút kinh nghiệm và cho rằng: Nguyên nhân có thể lưu ý theo 3 hướng chính: Thứ nhất, có thể khi sản xuất sản phẩm đầu vào, ca sản xuất chưa đảm bảo quy trình khiến sản phẩm có mắc những lỗi nhỏ không thể phát hiện bằng cảm quan. Sau 1 thời gian vận hành, tình trạng ống nước xấu đi dẫn đến sự cố.
Thứ hai, trong quá trình vận chuyển, thi công lắp đặt có thể có lỗi ở khâu nào đó, cần tìm hiểu kỹ.
Thứ ba, cần phải lưu ý là sự cố vỡ ống nước chỉ liên tục xảy ra trên chiều dài 5km tuyến Láng - Hòa Lạc. Trong khi đó, đường ống nước sông Đà được thi công, hoàn thiện trước khi triển khai xây tuyến cao tốc Láng-Hòa Lạc. Có thể, trong quá trình thi công tuyến đường này, các xe vận tải cỡ lớn tác động xấu lên đường ống.
Một nguyên lý nằm lòng thuộc diện “sách giáo khoa” là khi xây dựng tuyến ống nước, thường được triển khai 2 tuyến song song để bổ trợ lẫn nhau khi có sự cố. Thế nhưng, mặc dù dự án cấp nước sông Đà được đưa vào hoạt động hàng chục năm nay, tuyến ống bổ trợ thứ 2 vẫn đang… nằm trên giấy! Lý giải về nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Tuân cho rằng, tuyến ống nước thứ 2 đã được Vinaconex làm tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ và được phê duyệt, nhưng vướng ở khâu vốn. Chúng tôi đã không thể vay được vốn vì các rào cản kỹ thuật của các tổ chức tín dụng.
"Đến năm 2015, dự án triển khai tuyến ống thứ 2 bổ trợ cho Hà Nội thêm 300.000m3 nước đã được đấu thầu, nhà thầu quốc tế trúng thầu, khởi công nhưng không hiểu vì sao lại bị hủy thầu, dự án vẫn đang chưa được triển khai" - ông Nguyễn Văn Tuân cho biết.
Tác giả: KH.V
Nguồn tin: Báo Lao động