Thế giới

Người phụ nữ bí ẩn đứng sau tham vọng tự chủ chip của Huawei

Hà Đình Ba là cái tên xa lạ với truyền thông nước ngoài cho đến khi lên tiếng chỉ trích quyết định tấn công Huawei của Mỹ là "điều điên rồ", khẳng định công ty do bà đứng đầu đủ sức "cứu sống" Huawei.

Hình ảnh hiếm hoi của bà Hà Đình Ba - chủ tịch HiSilicon - Ảnh chụp màn hình

Cũng giống như nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, các động thái của Mỹ nhắm vào Tập đoàn Huawei đã khiến bà Hà Đình Ba - chủ tịch Công ty HiSilicon thuộc sở hữu 100% Huawei, phá vỡ sự im lặng sau hơn một chục năm làm việc.

Không phải ông Nhậm, chiếc ghế của bà Hà tại HiSilicon mới là chiếc ghế nóng nhất hiện nay tại Huawei sau sự quay lưng của hàng loạt đối tác Anh, Mỹ, báo South China Morning Post của Hong Kong bình luận.

Kế hoạch B thành kế hoạch A

Mất Android của Google chỉ là vết thương ngoài da, quyết định chấm dứt hợp tác với Huawei của ARM, công ty sản xuất chip có trụ sở tại Anh, mới là đòn chí mạng với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

"Tất cả kế hoạch B mà chúng ta xây dựng đều trở thành kế hoạch A sau một đêm", bà Hà thừa nhận trong lá thư gửi đến hơn 7.000 nhân viên HiSilicon vào ngày 17-5.

Hà Đình Ba khẳng định HiSilicon đã chuẩn bị nguồn lực trong suốt nhiều năm, một nỗ lực mà bà ví von là "lốp dự phòng trong cuộc Vạn lý trường chinh về khoa học và công nghệ".

Chủ tịch HiSilicon tuyên bố đủ sức cung cấp các con chip thay thế tốt như của Qualcomm và Intel của Mỹ cho các sản phẩm của Huawei như điện thoại thông minh, máy tính bảng, camera an ninh và thiết bị mạng viễn thông.

Năm 2004, khi HiSilicon về tay Huawei hoàn toàn, Nhậm Chính Phi hứa với Hà Đình Ba sẽ cho bà 20.000 nhân viên và 400 triệu USD dành cho việc nghiên cứu phát triển (R&D).

Thời điểm đó, Huawei chỉ mới là một tập đoàn 30.000 nhân viên với ngân sách R&D hằng năm nhỉnh hơn 1 tỉ USD. Điều này cho thấy Huawei đã xác định việc HiSilicon trở thành con át chủ bài chỉ là vấn đề thời gian.

Tám năm sau khi về trướng Huawei, HiSilicon trở thành nhà thiết kế mạch tích hợp hàng đầu Trung Quốc, với doanh thu khoảng 7,5 tỉ USD trong năm 2018, theo Hãng tin Reuters. Các loại chip của HiSilicon được công nhận tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Doanh thu của HiSilicon đã tăng hơn 34% trong năm ngoái và được dự báo sẽ vượt mặt MediaTek của Đài Loan để trở thành công ty thiết kế chip lớn nhất châu Á, nếu không có biến cố xảy ra với công ty mẹ như hiện nay. Khoảng cách giữa HiSilicon và MediaTek giờ chỉ là 300 triệu USD doanh thu.

Con chip của HiSilicon được trưng bày trong một sự kiện của Huawei vào tháng 3-2019 - Ảnh: REUTERS


Kín như bưng

Bất chấp sự thành công và đà lên như diều gặp gió của HiSilicon, thông tin về người đứng đầu nó, Hà Đình Ba, gần như là con số 0.

Các thông tin ít ỏi được cung cấp trên trang web chính thức của Huawei cho biết bà Hà sinh năm 1969, tốt nghiệp Đại học Bưu chính viễn thông Bắc Kinh và gia nhập Huawei năm 1996 với vị trí kỹ sư trưởng ASIC, giám đốc R&D.

Trước khi lá thư ngày 17-5 bị rò rỉ lên mạng, người dân Trung Quốc không hề biết Hà Đình Ba là ai, dù bà là người phụ nữ quyền lực thứ ba tại Huawei - tập đoàn viễn thống số 1 Trung Quốc.

Chính nhà sáng lập Huawei cũng thừa nhận Hà kín tiếng đến nỗi phần lớn các bức ảnh người ta nói đó là Hà Đình Ba thực chất lại... không phải bà.

Các tài liệu, văn bản có thể tìm trực tuyến trên trang web của Huawei hầu như không đề cập đến Hà Đình Ba, ngoại trừ một thỏa thuận hợp tác nhà cung cấp vi xử lý Tensilica của Mỹ năm 2013.

Hà Đình Ba và Nhậm Chính Phi tự tin có thể sản xuất các con chip tốt nhất mà không cần đến Mỹ. Điều đó có thể đúng, bởi vì phần lõi - phần quan trọng nhất của mọi con chip trên thế giới, phần lớn đều đến từ ARM của Anh. Những con chip của Huawei như Kirin 980 đều là sản phẩm của Huawei dưới bản quyền của ARM.

Nhưng các lãnh đạo của Huawei dường như đang cố tình lờ đi một thực tế rằng công ty thuộc tập đoàn Softbank của Nhật này đã chấm dứt hợp tác với họ sau các động thái từ Mỹ.

Tác giả: BẢO DUY

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP