Nay ở tuổi 95, cụ sống một mình, tự chăm lo cho cuộc sống cá nhân và tiếp tục viết lên những lời thơ, chuyện hát góp vui cho đời.
Ở làng Phúc Xá, xã Kim Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh ), gọi cụ Nguyễn Biên (SN 1921), với cái tên trìu mến ”ông Sửu hay thơ”. Bởi lẽ, mỗi lần có sự kiện, hay lúc rảnh rỗi cụ đều có những lời thơ ngâm nga góp vui, với bà con lối xóm.
“Gia tài” hơn 300 lời thơ, chuyện hát
Ở tuổi 95 cụ vẫn còn minh mẫn, nhớ như in những lời thơ, chuyện hát do mình sáng tác. Trong hồi ức, cụ Biên vẫn nhớ rõ những ngày đầu chân trần lội ruộng, đầu đánh vần thành các lời thơ để góp vui, giải khuây.
Cụ kể, mê dân ca ví dặm từ ngày nhỏ nhưng vì cuộc sống cơm áo gạo tiền không có thời gian dành cho đam mê, mãi đến năm 60 tuổi khi cuộc sống đỡ về kinh tế cụ mới có thời gian sáng tác những điệu ví, dặm xung quanh cuộc sống hàng ngày.
Cụ Biên ngâm lại những điệu ví được mình chép lại vào sổ. |
“Tui học hành ít nhưng lại thích làm thơ ca, hò vè. Ngày trẻ ai hát ngâm bài mô hay là tui nhớ như in, sau rồi cũng tự làm những điệu ví, dặm gần gũi với cuộc sống của mình”. Cụ cười hiền nói.
Ở thôn, xã ai cũng khâm phục cụ, từ người nông dân chỉ gắn chặt với ruộng vườn nhưng lại có tài ứng khẩu thành thơ rất hay. Là người hiếm hoi trong xã có khả năng biến những sự kiện bình thường thành các lời thơ, chuyện hát. Nhờ cụ mà mọi người biết hiểu hơn về Dân ca ví, dặm của quê mình.
Hơn 35 sáng tác những lời thơ Dân ca ví, dặm, vì đặc thù loại hình nghệ thuật này là xuất khẩu linh hoạt bằng miệng tùy theo từng hoạt cảnh nên ngày trước cụ không có thói quen ghi chép. Mãi sau này khi con cháu động viên cụ mới cần mẫn lưu lại. Đến nay, “gia tài” cụ là những cuốn sổ ghi chép hơn 300 lời thơ, chuyện hát.
Sợ những lời thơ của cụ bị mai một, ngoài động viên cụ ghi chép con cháu còn chắt lọc và in ra cuốn sách tập hợp những bài thơ, chuyện hát của cụ tâm đắc từ xưa tới nay.
Cuốn tập thơ, chuyện hát của cụ được con cháu in là những bài thơ tâm đắc của cụ. |
Là người được học ít chỉ biết đọc, biết viết song những lời thơ của cụ sáng tác không chỉ nói lên tâm tư, tình cảm làng xóm, quê hương mà còn dùng chất liệu dân gian để phản ánh những vấn đề mang tính thời cuộc của quê hương, đất nước.
“Ông tham ơi quen thói/ Tính hư tệ không trừa (Chừa)/ Vì lòng dạ ông tham/ Tham tiền bạc chất chứa/ Tham bạc vàng chất chứa/ Dân hô hào vạch lá / Đảng cương quyết tìm sâu/ Đánh tham nhũng cho mau / Cho nước nhà giàu mạnh (trích đoạn Tham nhũng ).
Còn hơi thở là còn tình yêu, còn sáng tác
95 tuổi xuân cái “tuổi xưa nay hiếm”, cụ sống tự lập, tự chăm sóc cuộc sống bản thân mình, trí tuệ còn minh mẫn. Đối với cụ niềm vui chính là những vần thơ của mình góp vui mọi người xung quanh, ngoài sáng tác cụ còn cần mẫn nghiên cứu thêm những tác phẩm Dân ca ví, dặm của các nghệ sĩ dân gian tăng thêm vốn lời hát.
“Hàng ngày tôi có thói quen theo dõi thông tin báo đài để nắm bắt tình hình thời sự, để lời thơ, chuyện kể của mình không bị lỗi với thời thế. Nếu sau này sức khỏe yếu nhưng trong đầu còn có thơ thì đọc ra nhờ con cháu chép lại, còn hơi thở được là còn làm thơ”. cụ bộc bạch.
Cụ dành tặng “đứa con tinh thần” cho từng người trong thôn (ảnh gia đình cung cấp). |
Đầu năm 2016, phấn khởi trước sự đổi mới của quê hương, cụ đã có những câu chuyện hát lên đến hàng trăm chữ trong một bài ví, dặm: Mừng Đảng, mừng xuân 300 câu, 350 câu là những lời thơ ca ngợi chương trình nông thôn mới được cụ chép tay cẩn thận.
Vợ cụ mất sơm, gần 40 năm sống độc thân. Cụ dồn hết tình yêu vào ca từ cho điệu ví, dặm , ngoài sáng tác cụ Biên còn có thói quen đọc và nhớ siêu phàm. Gần như tất cả sáng tác của cụ đều thuộc lòng . Ai hỏi thơ của cụ đâu, cụ cười bảo “thơ tui ở trong bụng”, rồi ngâm nga.
Ở tuổi đã cao, để có sức khỏe cụ thường xuyên đi bộ, chế độ ăn ngủ hợp lý, bên cạnh mình luôn có cuốn sổ, cây bút ghi ra những lời thơ do mình sáng tác. Thường xuyên được bà con tín nhiệm làm những lời thơ ngâm, góp vui vào những sự kiện trọng đại của thôn, xã.
Ngày 27/11/2014 USESCO đã chính thức vinh danh Dân ca Ví, dặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là loại hình nghệ thuật phổ biến trong đời sống của các cộng đồng Nghệ An, Hà Tĩnh, được hát hầu hết mọi hoạt động đời thường, ru con, dệt vải , trồng lúa… thường là những nghệ nhân dân gian sáng tác ra. |
Đậu Tình