Khoảng 38% lao động nông nghiệp dù có việc vẫn quyết định bỏ xứ đi làm ăn xa do nghề nông thiếu ổn định mà thu nhập lại thấp
Tìm cách giữ lao động tại chỗ
Ông Trần Đình Gia, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh, thừa nhận nhiều huyện tại Hà Tĩnh xuất hiện tình trạng nông dân rời quê vào các thành phố lớn hoặc ra nước ngoài làm thuê. Sản xuất của người dân nhỏ lẻ, manh mún, mỗi gia đình được 3-5 sào ruộng nên chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo kiểu tự cung, tự cấp. Cuộc sống vất vả buộc người dân phải rời quê hương đi làm ăn.
Để người dân an tâm ở lại nhà, làm giàu trên quê hương, theo ông Gia, cần áp dụng các mô hình tiên tiến vào sản xuất, biến sản xuất nông nghiệp thành sản xuất hàng hóa. Cần phân công lại lao động, ai làm nông nghiệp thì làm, ai chuyển nghề khác thì chuyển để quy mô sản xuất của từng hộ dân lớn lên từ 5-10 ha, như vậy mới dễ áp dụng các mô hình có hiệu quả vào sản xuất. Nếu không có diện tích đất sản xuất lớn thì các hộ nông dân cần phải hợp tác với nhau trong sản xuất để biến từ việc sản xuất tự cung tự cấp thành sản xuất hàng hóa.
Còn ông Đặng Trần Phong – Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh – khẳng định huyện đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, dạy nghề miễn phí cho nông dân; thường xuyên đưa các mô hình sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp mới, hiệu quả để người dân áp dụng vào sản xuất. Ông Phong thừa nhận nếu đời sống không bảo đảm thì người dân vẫn tiếp tục bỏ quê tìm đến nơi khác mưu sinh.
Cùng quan điểm như trên, ông Nguyễn Văn Lào, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch – địa phương có đông dân đi xuất khẩu lao động và làm ăn xa của tỉnh Quảng Bình, cũng cho biết Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề huyện thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghề dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động. Qua đó, giúp người dân có công ăn việc làm ổn định nhằm giảm thiểu tình trạng xuất khẩu lao động “chui”.
Thiếu giải pháp mạnh
Giải pháp đã có nhưng tình trạng người dân ồ ạt bỏ xứ đi làm ăn xa vẫn xảy ra phổ biến ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Phú Yên, Quảng Bình…
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 của Tổng cục Thống kê, từ năm 2004-2009 có 6,6 triệu người di cư giữa trong và ngoài tỉnh của Việt Nam. Còn báo cáo về thực trạng việc làm, đời sống của lao động di cư từ nông thôn ra thành thị và KCN do Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện, khảo sát tại 15 tỉnh, thành trong 18 tháng cho thấy: Không có việc làm và việc làm thu nhập thấp ở khu vực nông thôn là những lý do chính thúc đẩy lao động di cư từ nông thôn ra thành thị và các KCN.
Họ di cư để tìm kiếm cơ hội thay đổi công việc với mức thu nhập cao hơn. Khoảng 50% lao động đang có việc vẫn quyết định di cư, trong đó tỉ lệ lao động làm nông nghiệp chiếm tới 38%. Có thể nói nguyên nhân di cư không chỉ liên quan đến tình trạng thiếu việc làm mà còn bởi tính chất thiếu ổn định, thu nhập thấp của công việc ở khu vực nông thôn. 45,9% người lao động cho biết họ không hài lòng với thu nhập do công việc ở quê mang lại; 38,7% không có việc làm ở quê và 12,6% những người di cư muốn thay đổi môi trường sống.
Theo ông Nguyễn Hồng Nam – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên – địa phương cũng có nhiều chương trình để giữ chân người dân ở lại quê nhà như đưa các nhà máy, xí nghiệp về để người dân làm thêm nhưng họ vẫn cứ bỏ đi. Một xưởng may An Phát đặt tại xã Hòa Phong với sức hút trên 2.000 nhân công lại chẳng có mấy người ở quê đến làm. Còn công ty sản xuất vữa bê-tông Vĩ Đạt đặt tại xã này tuyển không ra lao động trong xã vì không có tay nghề.
“Hướng dẫn bà con đi học nghề nhưng họ không mặn mà. Cả năm 2014, 2 xã Hòa Phú và Hòa Phong chỉ mở được một lớp cắt may với 35 người theo học” – ông Nam nói.
Ông Trần Trọng Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa – huyện có nhiều người rời quê đi làm thuê xa của tỉnh Phú Yên, cho rằng chẳng có cách gì để giữ chân người dân ở lại với ruộng vườn. “Nói thiệt, giờ ngõ nào làm ăn được thì họ đi thôi. Mình cũng chỉ vận động họ đừng bỏ ruộng, bỏ vườn mà ly hương chứ biết làm sao” – ông Kỳ nói.
Ông phó chủ tịch này đang hy vọng chủ trương xây dựng KCN nông thôn tại xã Hòa Phú trên diện tích gần 50 ha nhằm giải quyết lao động nông thôn sẽ giữ được chân người dân ở lại với quê nhà. Tuy nhiên, xem ra điều ấy còn rất xa vì khu công nghiệp sẽ không dễ thu hút các nhà đầu tư về nông thôn. Mà nếu có nhà máy, xí nghiệp mọc lên thì cũng chưa chắc thu hút được lao động nông thôn vào đây như những gì đã xảy ra ở xã Hòa Phú.
Ông Trần Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho rằng việc người dân bỏ đi tứ xứ làm ăn đem lại thu nhập khá nhưng đời sống bấp bênh, các con của họ ở quê không ai chăm sóc.
“Tỉnh cũng đưa ra các giải pháp giải quyết việc làm, lao động cho nông thôn, kêu gọi người dân ở lại sinh sống nhưng hiện nay, thực tế việc làm ở nông thôn không nhiều nên người dân phải đi khắp nơi làm ăn. Tỉnh cũng vận động nhưng mà lao động nông thôn ít quá, chứ còn giải pháp mạnh thì chưa tính đến. Bây giờ, chỉ có kêu gọi thu hút đầu tư về nông thôn để có việc làm cho người dân” – ông Nhất nói.