Anh hùng Uông Xuân Lý - Tổ trưởng Tổ Máy ủi ngã ba Đồng Lộc chăm sóc vườn cây cảnh trong nhà. |
“Ngã ba Đồng Lộc từng là một thung lũng trù phú với những đồi thông vi vu gió thổi, vườn tược tốt tươi. Thế mà trong những ngày giao tranh ác liệt, cả vùng đó không còn một cây cỏ nào, có những bãi đất mỗi ngày bị bom cày xới 5, 6 bận, trắng xóa một màu bụi đất...”, Anh hùng LLVT Uông Xuân Lý mở đầu những hồi tưởng của mình về Đồng Lộc, về những năm tháng hào hùng.
Truy điệu sống trước giờ lên xe
Anh hùng Uông Xuân Lý SN 1940 ở xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 22 tuổi, ông tốt nghiệp khóa học đầu tiên của Trường Kỹ thuật cơ giới Hòa Bình do Liên Xô tài trợ. Học xong, chàng trai trẻ lên máy ủi lăn lộn với các công trình trọng điểm lúc bấy giờ, như đường số 6 Điện Biên đi Tây Trang; sân bay quân sự Đa Phúc; đập Đại Lải, đường tránh từ Công trình Thủy điện Thác Bà đi Đoan Hùng (Phú Thọ); Km0 đường Hồ Chí Minh ở Tân Kỳ, Nghệ An...
Đầu năm 1967, ông được Bộ Giao thông tăng cường về xây dựng lực lượng thi công cơ giới của tỉnh Hà Tĩnh. “Lúc bấy giờ, Ty Giao thông Hà Tĩnh chưa có Đội Thi công cơ giới mà chỉ có một tổ lái máy lu và một số công nhân sửa chữa thiết bị, dụng cụ, máy móc thi công công trình giao thông. Sau khi được thông qua, Bộ Giao thông đã quyết định tăng cường cho Ty Giao thông Hà Tĩnh 4 máy ủi và 4 công nhân. Cũng từ đây, Đội Thi công cơ giới, Ty Giao thông Hà Tĩnh được hình thành. Đội gồm 3 tổ: Tổ hành chính, tổ máy công trình và tổ 12 học viên học lái máy. Nhiệm vụ đặt ra cho 4 anh em lái máy ủi là ban đêm thì san lấp hố bom, đảm bảo ATGT trên các tuyến đường mà tôi phụ trách, hoặc thi công mở các tuyến đường tránh. Ban ngày thì đào tạo cho 12 học viên học việc mới”, ông Lý kể.
"Sau khi về hưu, trở về cuộc sống đời thường, anh Lý vẫn luôn giữ được phẩm chất, đạo đức truyền thống của TNXP. Anh sống chan hòa cùng bà con lối xóm, có ý thức trách nhiệm cao trong mọi hoạt động của khối phố, làm gương cho con cháu noi theo." Ông Đào Văn Tinh |
Ba ngày liên tiếp nửa đầu tháng 6/1968, đế quốc Mỹ bất ngờ thay đổi quy luật đánh phá Đồng Lộc: Từ đánh phá từ sáng sớm đến khoảng 15h thì dừng, sang đánh liên tục cả ngày lẫn đêm. Ngày thì dội bom nát đường, tối thì thả bom từ trường, bom nổ chậm “đón lõng” xe và quân ta.
Chiều tối 13/6/1968, Mỹ thả một loạt bom nổ chậm, bom từ trường xuống phía Bắc cầu Tối. Lực lượng công binh đã huy động toàn bộ lực lượng, tập trung rà phá nhưng vẫn còn 2 quả gần nhau nằm chính giữa QL15. Đúng lúc này, các đơn vị nhận được tin: Có một đoàn xe của Bộ Quốc phòng tăng cường cho chiến trường miền Nam. Hiện, đoàn xe đã vào tới Đức Thọ, Hà Tĩnh, có 3 xe bị trúng bom.
“Khi nhận được lệnh, chúng tôi mới biết là do địch “đánh hơi” đoàn xe ở Thanh Hóa nên 3 ngày qua mới đánh phá ác liệt như vậy. Lệnh của Ban Đảm bảo Giao thông tỉnh đặt ra cho các đơn vị trên tuyến là bằng mọi giá, mọi cách, dù hi sinh đến đâu cũng phải thông đường trong đêm cho đoàn xe đi qua. Tuy nhiên, quả bom chui xuống đất, không xác định được bom từ trường hay bom nổ chậm. Thời gian rất gấp gáp, các chiến sĩ công binh vẫn chưa có phương án khả thi. Tất cả đều hiểu rằng, nếu đoàn xe không qua được Đồng Lộc trong đêm nay, ngày mai sẽ là tiêu điểm bắn phá của địch, hi sinh và tổn thất không kể hết”, ông Lý nhớ lại.
Sau khi khảo sát thực tế và hội ý các đơn vị, tổ lái xe ủi đề xuất phương án “cảm tử”: Dùng xe ủi, ủi 2 quả bom ra khỏi mặt đường. “Lúc ấy đã hơn 20h, dưới ánh sao lờ mờ và ánh pháo sáng, anh em trong tổ đều xung phong nhận nhiệm vụ về mình. Nhưng là tổ trưởng, được đào tạo bài bản và đang là thanh niên, có chết cũng ít vướng bận gia đình nên tôi quyết định nhận nhiệm vụ về mình. Trước khi tôi lên máy, tất cả hơn 20 anh em quần áo chỉnh tề, đứng nghiêm làm lễ “truy điệu””, ông Lý xúc động nhớ lại.
Bằng kiến thức và kinh nghiệm thực tế, sau khi nổ máy, ông Lý cho xe nhích lên 1 tí rồi lùi lại để phân loại bom. “Lúc xe tiến lên, lùi lại như thế thì từ trường sẽ thay đổi. Nếu quả bom không nổ thì đó là bom nổ chậm, còn nếu nổ, thì khoảng cách cũng khá an toàn”, ông Lý phân tích. Nói là vậy nhưng mọi thứ không hề dễ. Trời càng về đêm, thời gian càng rút lại, áp lực càng đè lên đôi tay người tổ trưởng.
Hơn 1 giờ đồng hồ căng thẳng trôi qua, chiếc xe ủi của ông Lý đã chạm cọc tiêu báo hiệu quả bom. Dừng lại 1 giây, ông cho gầu ủi găm xuống đất rồi đẩy thẳng vào quả bom, di chuyển được một đoạn. Dứt khoát, ông tiếp tục lùi lại, múc thêm đất rồi đẩy quả bom ra cách đường khoảng 30m. Cũng với cách tương tự, nhưng thời gian nhanh hơn, ông đã đẩy thành công quả bom thứ 2 trong tiếng reo hò, vui mừng khôn xiết của đồng đội.
Bất tuân lệnh trên để bảo vệ xe
Tổ của Uông Xuân Lý có nhiệm vụ bảm bảo ATGT cho khoảng trên 2km, đoạn từ cầu Tùng Cóc - ngã 3 Trường Thành - vị trị ác liệt nhất ở ngã ba Đồng Lộc. Tuy vậy, như thường lệ, mỗi lúc có thời gian là ông lại làm thêm quá sang phần đơn vị khác.
Giữa tháng 7/1968, trong một lần đi san lấp hố bom, vì còn sớm, lúc đi sang phần phía Nam ngã 3 Trường Thành thấy có 2 hố bom nên ông san lấp luôn. Xong việc, ông cho máy về nơi tập kết, chuẩn bị ngụy trang thì một cán bộ Ban Đảm bảo giao thông Đồng Lộc chạy đến yêu cầu cho máy quay trở lại san lấp 2 hố bom phía Nam ngã 3 Trường Thành để thông xe 2 đầu.
Với những thành tích, cống hiến của ông trong những năm tháng chiến đấu ở Ngã ba Đồng Lộc, năm 2010, ông Uông Xuân Lý được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Về hưu và sống ở TP Hà Tĩnh, ký ức Đồng Lộc trong ông không chỉ là những chiến công, mà ở đó còn cả những đau đớn khi nhiều lần phải dùng máy gạt để tìm kiếm thi thể đồng đội. Trung tuần tháng 6/1968, chính ông đã chứng kiến cảnh 52 chiến sĩ của Trung đoàn 210 hy sinh khi toàn bộ trận địa ở cầu Tùng Cốc, Đồng Lộc bị bom Mỹ hủy diệt. Xương máu chiến sĩ đã hòa lẫn vào đất Đồng Lộc, gần như không còn thi thể nào nguyên vẹn. Giờ ông chỉ mong có một tấm bia tưởng niệm ghi tên 52 chiến sĩ quả cảm để những người cùng chiến trường một thời như ông có nơi thắp hương tưởng nhớ mỗi lần qua cầu Tùng Cốc. |
Sau khi nghe mô tả vị trí, kích thước 2 hố bom, ông Lý trả lời là đã san lấp lúc 20h. Tuy nhiên, cán bộ Ban Đảm bảo giao thông vẫn không tin và nhất quyết yêu cầu ông Lý khẩn trương đưa máy ra hiện trường. Cuộc tranh cãi nảy lửa với sự chứng kiến của lính công binh và Trưởng Ban Đảm bảo giao thông Đồng Lộc Nguyễn Đình Hiến. Vì không tìm được tiếng nói chung nên Uông Xuân Lý đề xuất lấy một vài phương tiện có tốc độ di chuyển nhanh cùng ra kiểm chứng. Tuy nhiên, không ai chịu, bởi mỗi phương tiện ra đường, nếu bị phát hiện sẽ bị máy bay ném bom tiêu diệt ngay. “Cuối cùng, tôi đề xuất tôi và ông Hiến ra hiện trường kiểm tra. Nếu đúng 2 hố bom đó chưa lấp, tôi xin chịu hoàn thành trách nhiệm trước tổ chức”, ông Lý kể.
Nói là đi. Ông Lý cùng trưởng ban Hiến đi ra được khoảng hơn 1km thì bất ngờ 2 quả bom nổ chậm phát nổ. Dù đã cố gắng lôi thủ trưởng lao xuống hố bom bên đường nhưng ông Hiến vẫn bị thương ở đầu. Sau khi băng bó vết thương cho thủ trưởng, cả 2 người chạy bộ để đến hiện trường nhanh hơn. Chạy được một đoạn lại có bom nổ chậm phát nổ nhưng khoảng cách xa hơn nên không ai bị thương. Sau đó, ông Hiến thừa nhận Uông Xuân Lý nói đúng.
Chia sẻ lý do vì sao lúc đó, bất tuân lệnh cấp trên không đưa máy quay lại, ông Lý phân tích: “Máy xúc nặng, tốc độ di chuyển rất chậm, chỉ khoảng 5km/h, máy không được bật đèn, phải dùng bùn bết lên những phần sắt, tránh ánh phản quang nhằm trốn sự phát hiện của “diều hâu sắt”.
“Tuy di chuyển chậm chạp nhưng hiệu quả công việc của máy xúc rất cao, gấp cả trăm con người. Lấp hố bom, kéo xe từ dưới hố bom lên đều nhờ máy xúc. Với vai trò đặc biệt như vậy, không thể đưa máy ra để đánh cược với nguy hiểm, nhất là khi công việc đó tôi đã chắc chắn mình đã làm. Nếu lúc đó, tôi cho máy quay lại, lỡ may địch ném bom, máy hư hỏng thì lấy cái gì để làm. Thà mình đi bộ ra, có trúng bom, mình chết nhưng máy vẫn còn để anh em khác làm việc”, ông Lý nói.
Sống vui khỏe, làm gương cho con cháu
Ngã ba Đồng Lộc ngày nào giờ đây đã tràn ngập màu xanh. Cuộc sống đã hồi sinh nơi “tọa độ chết”. Những ngày giữa tháng 5/2018, PV Báo Giao thông tìm về nhà Anh hùng LLVT Uông Xuân Lý. Trong căn nhà khang trang ở tổ dân phố 2, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh, ông Lý vừa trông cháu nội vừa chăm sóc mấy cây cảnh trong vườn. Kể lại những năm tháng hào hùng, ông không khỏi bồi hồi.
“Tháng 10/1968, những ngày cuối cùng đế quốc Mỹ ném bom bắn phá Đồng Lộc thì tôi bị thương nên được đưa về bệnh viện dã chiến. Cuối năm đó, tôi quay lại đội thi công cơ giới, Ty Giao thông Hà Tĩnh tiếp tục nhiệm vụ. Đến năm 1992 về hưu khi đang là Phó giám đốc Công ty Xây dựng đường 4 Nghệ Tĩnh.
Về địa phương từ đó đến nay, ông Lý lại nhiệt tình tham gia các hoạt động ở địa phương. Từ năm 1997 - 1998, ông là Bí thư chi bộ; từ 2007 - 2010, ông là Hội trưởng Chi hội Người cao tuổi tổ dân phố 2, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh. Sau đó, do tuổi cao sức yếu, lại bị tai biến nên ông xin rút khỏi cấp ủy địa phương, bàn giao công việc cho những người trẻ tuổi.
“Cuộc sống gia đình giờ cũng đã tạm ổn, tôi cũng thấy mãn nguyện rồi. Ba người con (2 gái, 1trai) thì có một người con gái theo ngành bố làm ở Sở GTVT Hà Tĩnh, một người làm công ty xây dựng và một làm ở Công an tỉnh Hà Tĩnh. Cháu nội, cháu ngoại cũng đều đã có, đứa lớn đã học xong đi làm, đứa nhỏ chuẩn bị vào lớp một”, ông Lý cười nói.
Được biết, vợ anh hùng Uông Xuân Lý cũng là một TNXP sau đó về công tác ở Nhà máy Đại tu ô tô, Ty Giao thông Hà Tĩnh. Sau khi về hưu, bà ở nhà chăm chồng và nuôi dạy con cháu.
Tác giả: Sỹ Hòa
Nguồn tin: Báo Giao thông