Sáng 10/11, hều hết tại các khu khu dân cư trên địa bàn xã Cẩm Duệ đã ngập chìm trong nước. Chủ tịch UBND xã Hà Huy Triền cho biết: “Từ 8h30 phút sáng ngày 9/11, chúng tôi đã cập nhật thông tin: lưu lượng xả nước sẽ tăng từ 300m3/s lên 350m3/s”. Ở một số nhà dân vùng trũng thuộc thôn Trần Phú, nước đã vào nhà từ tối 9/11. Để giúp người dân dọn dẹp đồ dùng, lực lượng dân quân tự vệ đã túc trực 24/24h với các phương tiện sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu”.
Xe máy của 3 cha con này bị chết máy do người cha cố tình đi qua đoạn đường bị ngập (ảnh chụp tại xã Cẩm Duệ)
Bà Nguyễn Thị Minh- một người dân ở thôn Trần Phú cho biết: “Tràn đã bắt đầu xả từ 2 hôm trở lại đây nhưng chỉ xả ở mức độ không đáng kể. Đến sáng nay, nước mới bắt đầu ngập tràn ở khắp các làng thôn và lên cao hơn nhiều so với mức độ xả tràn trong các cơn bão số 10 và 11 vào tháng 10 vừa qua. Mặc dù vậy với sự thông tin của các lực lượng chức năng nên gia đình tôi cũng đã chủ động gửi gia súc, gia cầm và kê, dọn đồ đạc. So với một số gia đình trong xóm, chúng tôi ở vị trí cao hơn nên nước mới chỉ mấp mé thềm nhà, chứ một số hộ như gia đình ông Chu, ông Báu, nước đã vào nhà từ đêm qua. Đặc biệt, gia đình ông báu hiện tại nước đã vào nhà khoảng 50cm”.
Hồ Kẻ Gỗ hiện đang xả với lưu lượng 350m3/giây
Ngừng tay chèo con thuyền nhỏ trên con đường vào trung tâm xã, anh Trần Văn Hải- thôn đội trưởng thôn Trần Phú cho biết: “Gia đình tôi cũng bị nước vào nhưng từ sáng đến giờ tôi cùng anh em dân quân tự vệ phải gác công việc gia đình, trực tiếp đến từng gia đình giúp bà con trong việc di chuyển lương thực, đồ đạc, gia súc. Đến thời điểm hiện tại, việc chủ động chuẩn bị đã hoàn tất nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục tuyên truyền, bám sát địa bàn nhắc nhở người dân không được chủ quan, lơ là bởi rất có thể chiều và tối nay nếu lượng mưa lớn, mực nước sẽ lên rất nhanh”.
Diện tích hoa màu (chủ yếu là sắn chưa kịp thu hoạch) của xã Cẩm Duệ bị ngập úng
Ở Xã Cẩm Mỹ, hồ Kẻ Gỗ xả tràn đã khiến gần 7 ha hoa màu (chủ yếu là sắn chưa kịp thu hoạch) ở thôn 9, thôn 11 bị ngập úng và có nguy cơ mất trắng. Đoạn kè dài gần 200 m dọc sông Ngàn Mọ thuộc địa phận thôn 2 trước đây đã bị sạt lỡ nhưng từ ngày hôm qua (9/11), do hồ Kẻ Gỗ xả tràn nên lại sạt lở mạnh và lấn vào nhà dân gần 4m, đe dọa 5 hộ dân ở gần đó. Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ Lê Hoàng Thanh cho biết: “Đoạn sạt lở dài gần 200 m ở thôn 2 là mối lo lắng lớn nhất của chúng tôi mỗi khi hồ Kẻ Gỗ thông báo xả lũ. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng hiện nay vẫn chưa có phương án xử lý. Trước mắt, cần phải nắn dòng chảy ở đoạn này để tránh tình trạng sạt lỡ nghiêm trọng hơn nữa”.
Cũng theo Phó chủ tịch Lê Hoàng Thanh, ngay khi nhận được công điện khẩn về xả tràn Kẻ Gỗ, UBND xã đã họp bàn các phương án di dời dân. Theo đó, xã lên phương án chủ động di dời 450 hộ dân ở các thôn 7, thôn 8, thôn 9, thôn 10 và rải rác một số hộ ở thôn 2, thôn 3 nếu như mưa lớn và lũ quét.
Để đối phó với mưa lũ, hiện nay người dân xã Cẩm Mỹ đã chủ động gửi gia súc, gia cầm và kê, dọn đồ đạc. Đang dắt trâu sang gửi ở thôn khác, anh Trần Công Đại ở thôn 10 chia sẻ: “Mặc dù xả tràn Kẻ Gỗ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi nhưng thà mình vất vả một tý nhưng lại chủ động được, nhờ vậy mà tránh được thiệt hại về người và tài sản”.
Cũng theo anh Đại, từ đầu năm đến nay, Hồ Kẻ Gỗ đã 7 lần xả tràn, mỗi lần xả đều có thông báo nên người dân chủ động ứng phó được, nhờ vậy mà thiệt hại về tài sản không đáng kể. Để hạn chế tình trạng ngập lụt, ngày hôm qua (9/11), Công ty TNHHMTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã tiến hành khơi thông dòng chảy nhưng khả năng toàn bộ thôn 10 bị ngập lụt là rất cao. Theo như dự báo thời tiết, lưu lượng mưa của cơn bão HaiYan khoảng từ 150 – 200 mm thì chắc chắn trong tối nay, ¾ hộ dân của thôn 10 xã Cẩm Mỹ sẽ bị ngập.
Con đường vào thôn 9 xã Cẩm Duệ bị cô lập bởi nước
Xả tràn Kẻ Gỗ, cuộc sống của hàng trăm hộ dân vùng hạ du đã bắt đầu xáo trộn nhưng dường như “sống chung với lũ” đã lâu nên người dân nơi đây đã thích ứng được. Xả tràn, dòng nước dâng cao cũng đồng nghĩa với việc cuộc sống của những người dân nơi đây sẽ khó khăn hơn nhưng trong thâm tâm của họ vẫn nghĩ rằng, để đảm bảo an toàn hồ đập thì những khó khăn ấy chẳng là gì, hồ đập được an toàn cũng đồng nghĩa với việc tính mạng và tài sản của người dân được bảo vệ!
Phan Trâm – Thúy Ngọc
Báo Hà Tĩnh