Ngựa là con vật xuất hiện nhiều trong tín ngưỡng của các dân tộc ở châu Á, thậm chí được cho là có mối quan hệ với các vị thần.
Trong phong thủy, ngựa thường tượng trưng cho sự vận động và sức mạnh. Nó thường được những người thích đi đây đó sử dụng. Tác phẩm điêu khắc, bức tranh về ngựa có thể đặt gần hoặc trên bàn làm việc của một giám đốc để tăng hình ảnh năng động và mạnh mẽ của họ. Tuy nhiên, bức tượng không nên được để hướng về phía cửa sổ, cửa chính.
Ngựa phi nước đại đại diện cho sự thăng quan phát tài nhanh chóng. Các bức vẽ về ngựa mang yếu tố dương (trong âm dương) và nguyên tố Hỏa. Nơi tốt nhất để treo chúng là phòng khách (thường là hướng nam), khu vực gia đình sum họp. Không nên treo ảnh ngựa đang lồng, đặc biệt là nó hướng trực tiếp vào phía sau hoặc trước người xem. Điều này có thể mang đến tai nạn hay chấn thương chân tay cho gia chủ.
Nằm mơ thấy ngựa cũng được coi là điềm báo trước thành công hay thất bại trong một sự kiện, kế hoạch sắp tới. Bạn mơ thấy mình cưỡi ngựa đồng nghĩa với mọi chuyện thuận lợi còn ngã ngựa thì ngược lại. Nếu mơ thấy con ngựa bị trói, phải kéo xe, thì bạn đang cảm thấy gò bó trong cuộc sống, mong muốn có nhiều sự tự do hơn.
Với người Ấn Độ cổ đại, ngựa là loại động vật thường dùng trong cúng tế. Ngựa còn đại diện cho Mặt trời vì nó là hiện thân của Thần Mặt trời Surya. Tương truyền, thần Surya ngự trên cỗ xe được 7 con ngựa, được gọi là Harrits, kéo. Chúng lần lượt có tên là Bronte, Eos, Ethiops, Ethon, Erythreios, Philogen và Pyrois.
Những người theo đạo Hindu tin rằng ngựa là con vật thiêng liêng, rất gần các vị thần, thậm chí là có mối quan hệ với họ. Trong nghi thức cúng tế Aswamedha, linh hồn của con ngựa được tin là quay về bên các vị thần, nơi nó sinh ra.
Ngựa cũng là một trong số 12 con giáp trong chu kỳ 60 năm âm lịch ở châu Á. Năm con ngựa gần đây nhất (2002) được xem là một năm may mắn. 12 con giáp sẽ lần lượt kết hợp với 5 yếu tố thổ, hỏa, thủy, mộc và kim. 12 con giáp còn xoay vòng trong hai giới tính đực và cái.
Ngựa còn được coi là biểu tượng của năng lượng và nghị lực theo đuổi Phật pháp. Theo một bài thơ của nhà thơ Tây Tạng Jetsun Milarepa, ngựa còn là biểu tượng cho trí óc con người. Trí óc đó, giống như loài ngựa, mạnh mẽ, hoang dại, tự do nhưng có thể được chủ nhân điều khiển và sử dụng để đạt được nguyện vọng lớn nhất của họ.