Tin Hà Tĩnh

Ngư dân Hà Tĩnh trúng đậm sò lụa

Từ tháng 3 đến nay, ngư dân vùng biển Hà Tĩnh liên tiếp trúng đậm sò lụa. Mỗi ngày, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân ra khơi đánh bắt loại hải sản này, trung bình mỗi tàu thuyền đánh bắt được từ 1-2 tạ, thu về hơn 10 triệu đồng.

Người dân phân loại sò để bán cho thương lái. Ảnh: Khánh Chi


Tại bến cá Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, khi nắng chiều còn khá gay gắt, hàng trăm chiếc thuyền nối đuôi nhau trở về cập bến mang theo những khoang thuyền đầy ắp sò lụa. Gương mặt ngư dân nào cũng phấn khởi, bởi họ thu được khoản lợi nhuận khấm khá sau một ngày ra khơi vất vả. So với các loại hải sản khác, thời điểm này, sò lụa được xem là “lộc biển”, đem lại giá trị kinh tế cao cho ngư dân.

Anh Nguyễn Viết Thương, ở xã Cẩm Lĩnh phấn khởi nói: “Từ sáng sớm, chúng tôi bắt đầu ra khơi, đến chiều tối thì quay thuyền về. Sau một ngày ngụp lặn vất vả, mấy anh em cũng đánh bắt được hơn 1,5 tạ sò lụa. Hiện nay, giá sò lụa trên thị trường giao động từ 50.000 đến 200.000 đồng/kg (tùy kích cỡ). Chuyến đi này, chúng tôi dự tính thu được khoảng 9 triệu đồng”.

Cũng theo anh Thương, sò lụa bắt đầu xuất hiện từ tháng 3 đến tháng 7 âm lịch hằng năm. Để đánh bắt được loại sò này, các chủ thuyền chỉ cần chạy ra biển chừng 7 - 10 hải lý, ngụp sâu khoảng 10m, dùng cào khuấy mặt cát mỏng, phát hiện con nào thì móc lên cho vào túi lưới. Thời điểm này, sò lụa bỗng xuất hiện nhiều nên hầu hết các thuyền ra bắt đều trúng đậm. Trung bình mỗi thuyền đánh bắt từ sáng đến chiều tối có thể thu về từ 1-2 tạ sò lụa, trừ chi phí cũng thu về trên dưới 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, không phải chuyến đi nào ngư dân cũng trúng đậm mà thu nhập cũng rất thất thường, bởi còn phụ thuộc vào con nước. “Hôm nào trời lặng, nước biển trong, lặn bắt mới được nhiều, vì con sò nổi trên cát. Còn hôm nào thời tiết xấu, nước biển đục thì sò lặn sâu dưới cát nên bắt được ít” - Anh Thương chia sẻ.

Tại cảng Cửa Sót, ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, những ngày này tấp nập thuyền vào cập bến với đầy ắp sò lụa. Không chỉ tàu của ngư dân địa phương mà những tàu ngoài địa phương cũng đổ về vùng biển này lặn bắt sò lụa. Trung bình mỗi ngày có khoảng 30 – 40 tàu thuyền đánh bắt sò lụa cập cảng.

Đang tất bật chuyển những bao tải đựng sò lên bờ, ông Trần Văn Trung, ở xã Thạch Kim vui vẻ nói: “Dù mới đầu mùa sò, nhưng sản lượng nhiều lại được giá nên ai nấy đều phấn khởi. Hơn nữa, sò này dễ bán hơn những hải sản khác, cứ cập bến là có thương lái chờ sẵn thu mua, đưa đi các địa phương khác tiêu thụ, một số mua lẻ để bán ở các địa phương trong tỉnh”.

Anh Hoàng Văn Hòa (32 tuổi, trú tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, hằng năm, vào thời điểm này, anh và một số thợ lặn đưa thuyền ra vùng biển cách cảng cá Cửa Sót khoảng 6 hải lý để lặn bắt sò lụa. Trừ chi phí, trung bình mỗi thuyền viên trên tàu anh thu về trên dưới 1 triệu đồng. Mùa sò lụa không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho những lao động trên thuyền, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Khi những con tàu vừa cập bến, hàng chục người dân đã chờ sẵn vận chuyển lên bờ rồi phân loại, đóng gói để bán cho thương lái, mỗi lao động sẽ được trả công 250.000 đồng/ngày.

Ông Lê Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết: “Cứ đến đầu tháng 3 là ngư dân xã Cẩm Lĩnh lại chuẩn bị ngư cụ để đánh bắt sò lụa. Năm nay thời tiết thuận lợi, sản lượng sò lụa tăng mạnh từ những ngày đầu mùa nên ngư dân rất phấn khởi. Hơn 200 tàu thuyền của ngư dân đã ra khơi đánh bắt sò lụa được 1 tháng. Ước tính sản lượng khai thác được của ngư dân trong xã đến thời điểm hiện tại khoảng 800 tấn, trị giá hơn 5 tỷ đồng”. Cũng theo ông Vinh, mùa sò lụa năm nay đã giải quyết việc làm cho 1.000 lao động trên tàu và khoảng hơn 200 lao động hậu cần tại địa phương. Hầu hết các đầu nậu thu mua sò để xuất khẩu đi nơi khác.

Theo ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, gần tháng nay, mỗi ngày có khoảng 30 – 40 tấn sò cập cảng. Toàn bộ sò lụa được các thương lái đến tận cảng thu mua, bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Sò lụa (còn được gọi là chang chang) là một loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Loài này có thân hình bầu dục, giống sò huyết song vỏ trơn không sọc, mặt ngoài vàng nhạt, mặt trong trắng. Thịt sò lụa chế biến những món ăn ngon như hấp, xào sa tế, nấu canh, nấu cháo... Tuy nhiên, không phải năm nào sò lụa cũng xuất hiện mà theo kinh nghiệm của các ngư dân vùng này thì cứ chu kỳ khoảng 3 năm lại xuất hiện một đợt sò lụa có số lượng nhiều như thế.

Tác giả: Khánh Chi

Nguồn tin: Báo Biên Phòng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP