Thời tiết miền Nam đang vào mùa nắng nóng. Vậy mà, chúng tôi lại có dịp đi trên những con đường mòn trong suốt 2 giờ liền không nắng. Hai bên đường là những hàng tre rợp bóng. Không gian tĩnh mịch. Mỗi khi có cơn gió thổi qua, chỉ có tiếng kẽo kẹt của những thanh tre cọ xát vào nhau tạo nên một âm thanh vô cùng huyền ảo.
Làng tre Phú An, vùng quê yên bình
Phía trước làng tre. |
Chúng tôi tản bộ. Con đường đất dài hun hút. Không một bóng người. Thế nhưng, không hiểu vì sao con đường lại hấp dẫn chúng tôi đến thế, càng lúc càng muốn đi sâu vào bên trong.
Phải xác định xung quanh chúng tôi chỉ toàn tre. Tre thật cao ngã xuống thành vòng cung che kín con đường. Cũng có những bụi tre đầy gai, nhiều bụi tre với hình dáng và màu sắc lạ mắt.
Chúng tôi cảm thấy như được trở về những ngày xưa, thuở còn ấu thơ bên mái nhà tranh với bụi tre khóm trúc. Mỗi lần trở về quê từ xa nhìn thấy hàng tre bao quanh làng lòng nôn nao khó tả...
Những cảm giác của một thời đã qua giờ lại trở về trọn vẹn khi chúng tôi đặt chân đến làng tre Phú An (xã Phú An, TX Bến Cát, Bình Dương).
Cổng vào làng tre Phú An. |
Làng tre rộng chừng 3 ha là nơi tập trung của hơn 1500 bụi với 300 mẫu tre, trúc, nứa thuộc 17 giống chiếm tới 90% giống tre đặc chủng của Việt Nam. Trong đó có những giống cực kỳ quý hiếm như: Phyllostachys, Bambusa, Teinostachyum, mai ống, vàng sọc, tre ngà…
Tre nơi đây được trồng theo đúng thổ nhưỡng và khí hậu từng loài. Có những bụi phải trồng trên gò đất cao bởi chúng sống ở cao nguyên. Nhiều bụi được trồng quanh những ao, đầm ngập nước vì là loài sống ở đồng bằng.
Đi dạo xung quanh làng, chúng ta thường bắt gặp những vật dụng, những phương tiện sinh hoạt đều làm bằng tre đặt bên cạnh những lu nước, những tảng đá tạo nên khung cảnh miền quê Việt Nam hiền hòa và đáng yêu.
Những con đường rợp bóng tre. |
Chúng tôi bước lên chiếc cầu tre. Không phải loại cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi mà cầu rộng được kết bằng những thanh tre mềm mại. Những bước chân trên cầu nhắc nhở chúng tôi không quên vùng quê hương yêu dấu đã dần nhạt nhòa trong ký ức.
Tiếng muỗi vo ve quanh chúng tôi. Những nốt muỗi cắn đã xuất hiện trên da. Ngứa vô cùng nhưng chúng tôi cảm thấy thú vị bởi lâu lắm rồi mới có được cảm giác ấy. Vào rừng tre không bị muỗi đốt mới là chuyện lạ. Chúng tôi còn gặp nhiều loại côn trùng khác nhưng không định danh được bởi kiến thức về lĩnh vực này còn hạn hẹp.
Cầu tre gợi nhớ những kỷ niệm về thời thơ ấu. |
Chúng tôi vẫn còn trong làng tre. Ánh nắng chói qua kẽ lá báo hiệu trời đã trưa. Làng tre Phú An vẫn còn chìm trong khói sương mờ ảo. Có lẽ sau bao nhiêu năm bươn trải trên đường đời, hôm nay đến với làng tre Phú An, chúng tôi mới tìm lại được cảm giác của một vùng quê Việt Nam yên bình, trầm lặng và đáng yêu.
Người nặng lòng với tre
Người lập nên làng tre Phú An là Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh. Bà đã vượt qua ngưỡng tuổi 60. Năm 1999, trong một lần trở lại quê hương, bà con Phú An nhắc nhở bà, làm gì ở đâu nhưng cũng đừng quên quê nhà. Lời nhắc chân tình đó đã làm cho bà nảy sinh ý tưởng xây dựng một vùng sinh thái với cây tre ngay tại vùng quê Phú An.
Bà được sự hỗ trợ nhiệt tình của 4 đơn vị là: Rhône Alpes (Pháp), UBND tỉnh Bình Dương, Vườn thiên nhiên Pilat (Pháp) và trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM để cho ra khu bảo tồn độc đáo này.
Bà đã lặn lội khắp cả 3 miền Nam Trung Bắc sưu tập các loại tre, nghiên cứu đặc tính của từng loại đem về trồng tại Phú An lập nên làng tre. Bộ sưu tập tre của bà được đánh giá là bộ sưu tập đầu tiên của Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á. Đến tháng 4/2008, khu du lịch sinh thái làng tre Phú An mới chính thức mở cửa phục vụ du khách.
Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh (Ảnh: Ngày Mới Sài Gòn) |
Trả lời báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần, Tiến sĩ Hạnh bày tỏ: 'Rất nhiều người thắc mắc vì sao tôi từ bỏ cuộc sống an nhàn cùng gia đình, con cái ở nước ngoài để về đây lăn lộn với Làng tre. Ngay cả tôi cũng không thể lý giải được. Có lẽ vì tôi mê tre quá.
Với tôi, cây tre không chỉ là một loài thực vật vô tri vô giác, mà gần như là một thực thể sống, biết yêu thương và vui buồn. Vì vậy, tôi đã đưa những giống tre từ cao nguyên về trồng ở trên vùng đất đắp cao hay trồng gần những chiếc cầu khỉ của miền Tây, rồi làm thêm dòng kênh nhân tạo để cây… đỡ nhớ nhà!'.
Cây tre là một loại cây rất gần gũi với dân tộc Việt Nam. Đi bất cứ nơi đâu trên dải đất hình chữ S chúng ta đều thấy được ngọn tre xanh mướt. Nhưng hiện nay, những lũy tre làng, những hàng tre chót vót ngả nghiêng đang mất dần. Việc làm sống lại những bụi tre để bảo tồn sắc thái Việt là điều rất nên làm và rất đáng trân trọng.
Vườn sưu tập tre Việt Nam. |
Làng tre Phú An mang đặc tính nghiên cứu, bảo tồn sự sống còn của các giống tre Việt nên nơi đây không mang màu sắc kinh doanh. Khách đến thăm sẽ tìm được những cảm giác ấm áp đầy thi vị khi chậm rãi từng bước chân dưới hàng tre rợp bóng. Không có khu bán đồ lưu niệm, không có cửa hàng ăn uống, thiếu cả khu vui chơi nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ ấm lòng khách phương xa.
Chúng tôi cũng muốn được diện kiến TS Mỹ Hạnh nhưng rất tiếc, cô phụ tá của bà, Nguyễn Thị Tuyết Ngân cho biết bà hiện đang giảng dạy tại Pháp. Mong có dịp trở lại nơi này...
Tác giả: Trần Chánh Nghĩa
Nguồn tin: Báo VietNamNet