Nhà thầu gấp rút thi công dịp cuối năm
Tranh thủ những ngày nắng ráo, Liên danh nhà thầu đang gấp rút thi công những hạng mục cuối thuộc Dự án "Khắc phục cấp bách kè chống sạt lở bờ tả hạ lưu cầu Chợ Vực, xã Cẩm Duệ", do UBND huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Dự án được Trung ương cấp vốn 10 tỷ đồng.
Ông Mạc Tứ Cường, Chỉ huy trưởng công trường tại đây cho biết, hiện, các hạng mục dự án gần như đã hoàn thành với tổng khối lượng khoảng 60%. Trước đó, quá trình thi công đơn vị bị giảm mất một mũi vì khu vực thi công phát hiện có bom.
"Lực lượng công binh đã rào chắn khu vực, cắm cọc tiêu nhiều vị trí nghi vấn. Chúng tôi thi công dưới sự chỉ dẫn của lực lượng công binh để đảm bảo an toàn", ông Cường nói.
Các tổ công nhân đang nỗ lực thi công các hạng mục còn lại |
Có mặt tại công trường, cán bộ Ban quản lý dự án xây dựng huyện Cẩm Xuyên cho biết, đặc điểm sông Ngàn Mọ có hai con nước: Từ thượng nguồn hồ Kẻ Gỗ, hồ Bộc Nguyên và một con nước thuỷ triều. Hai con nước này lên xuống chống nhau nên khu vực sông này cốt nước luôn dâng cao rất khó cho việc thi công. Để khắc phục, phía nhà thầu đã phải tự bỏ kinh phí ngoài dự toán, đắp hơn 400m đê quai toàn tuyến nhằm khống chế nước.
Tại Dự án "Khắc phục sạt lở bờ sông Ngàn Phố" (đoạn qua xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ), do UBND huyện Đức Thọ làm chủ đầu tư, với tổng nguồn vốn được cấp 40 tỷ đồng, những ngày này, các tổ công nhân luân phiên nhau làm ngày, làm đêm để kịp tiến độ.
Để đẩy nhanh tiến độ, nhà thầu đã bỏ chi phí ngoài dự toán mua hàng nghìn m3 đá hộc làm đường công vụ. |
ng Đậu Cao Hưng, cán bộ kỹ thuật cho biết, để đẩy nhanh tiến độ, đơn vị đã chia công nhân thành 2 ca, kíp. Một ca làm buổi ngày, một ca làm buổi đêm và mỗi kíp được chia thành 2 mũi, một mũi từ 15 – 18 người, ăn ở ngay tại công trường.
"Khi nước lên thì chúng tôi bố trí công nhân làm trên bờ đúc cấu kiện, đan bê tông cốt thép, lát đá kè. Khi nước xuống thì xếp rọ đá chân kè, đặt dầm chân kè, dầm mái kè từ cao trình chân kè trở lên cốt nước +2. Do đổ bê tông cấu kiện đúc sẵn sử dụng R3,R7 vì vậy khi cốt nước xuống chúng tôi cho công nhân ráp rất nhanh. Vừa đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo tiến độ", ông Hưng nói.
Các tốp công nhân Công ty CP xây dựng thương Mại Việt Phát nỗ lực làm việc xuyên ngày, đêm. |
Tại huyện Hương Khê, theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý dự án, Dự án "Khắc phục sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua thôn 5 và thôn 2, xã Hà Linh" đạt 25% khối lượng; "Khắc phục, sửa chữa đập Tắt, xã Hòa Hải" đạt 75% khối lượng và Dự án "Khắc phục, sửa chữa đập Cây Sắn, xã Gia Phố" đạt 80% tiến độ.
Nguồn vốn cấp bách, "loay xoay" quy trình đấu thầu
Hà Tĩnh là một trong các tỉnh trên toàn quốc chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai bão lũ. Từ tháng 9 đến tháng 12/2023, UBND tỉnh này liên tiếp có 04 văn bản đề xuất Trung ương hỗ trợ nguồn vốn. Ngày 29/12/2023, tỉnh Hà Tĩnh được hỗ trợ 150 tỷ đồng.
Có tổng 7 dự án được thụ hưởng nguồn vốn này. Sau khi được phê duyệt, tỉnh Hà Tĩnh đã giao nhiệm vụ cho UBND các huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê, Đức Thọ, Vũ Quang và thị xã Hồng Lĩnh làm chủ đầu tư. Đồng thời, giao trách nhiệm các chủ đầu tư xây dựng đường găng tiến độ chi tiết, cụ thể để quản lý, theo dõi, chỉ đạo thực hiện hoàn thành dự án theo thời gian được duyệt. Bằng mọi biện pháp, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành các thủ tục về đầu tư xây dựng theo đúng quy định làm cơ sở phân bổ chi tiết nguồn vốn để triển khai thi công công trình, giải ngân nguồn vốn Trung ương hỗ trợ trước ngày 31/12/2024.
Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện nay phần lớn các dự án nói trên đều có tỷ lệ giải ngân thấp, đặc biệt là tại huyện Hương Khê, trong khi hiện đang là mùa mưa công tác thi công không thuận lợi buộc các nhà thầu phải "còng lưng" để đạt khối lượng, tiến độ.
Quy trình đấu thầu kéo dài là một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án phòng chống sạt lở nguồn vốn Trung ương phải "trượt đuổi' tiến độ phút chót. |
Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hương Khê cho biết, quá trình thực hiện dự án, Ban đã tổ chức lập hồ sơ quy trình thủ tục đấu thầu theo đúng quy định. Việc kéo dài là do quy trình đấu thầu không thể nhanh hơn được.
"Đến đầu tháng 3/2024, sau khi Nghị định 24/2024/NĐ-CP ban hành (về quy định chi tiết một số điều và biện phát thi hành luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu) mới đủ các điều kiện, cơ sở pháp lý để triển khai từ bản vẽ thiết kế, hồ sơ... UBND huyện Hương Khê đã tổ chức đấu thầu 03 lần gồm: đấu thầu thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công và đấu thầu xây dựng, kéo dài đến hết tháng 10/2024 mới xong quy trình đấu thầu", Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Hương Khê lý giải.
Tương tự, phía Ban quản lý dự án huyện Đức Thọ cũng cho hay, 21/2/2024, huyện mới nhận quyết định giao chủ trương đầu tư. Quy trình lập hồ sơ nhanh nhất cũng từ 7-8 tháng. Huyện đã làm hết tốc lực đến đầu tháng 11 mới tổ chức thi công được, lại trùng vào thời điểm mùa mưa nên khó khăn chồng chất khó khăn. Tuy nhiên, trước yêu cầu của UBND tỉnh, tính cấp bách của dự án, chủ đầu tư đã cùng phối hợp với nhà thầu triển khai nhiều biện pháp thi công khoa học để đảm bảo các dự án về đích, giải ngân đúng tiến độ.
Tác giả: Bùi Thị Ngân
Nguồn tin: nguoiduatin.vn