Đặc biệt, trước diễn biến bão số 10 có khả năng đổ bộ vào Hà Tĩnh, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương sẵn sàng các phương án hộ đê, di dời dân…
Trong 30 tuyến đê của toàn tỉnh thì Nghi Xuân chiếm tới 11 tuyến với chiều dài 39,14km, trong đó 27,19km là tuyến đê cấp IV và 11, 95 km là tuyến đê cấp V. Đây là hệ thống đê rất quan trọng bảo vệ cho người và tài sản cho vùng sông, ven biển trong mùa mưa bão.
Ông Đậu Hữu Tuất – Trưởng phòng NN- PTNT huyện Nghi Xuân cho biết: Thực hiện chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển, thời gian qua, huyện Nghi Xuân đặc biệt quan tâm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các tuyến đê, kè đang được triển khai trên địa bàn. Cụ thể, tuyến đê Hữu Sông Lam từ thị trấn Xuân An đến xã Xuân Hải được đầu tư nâng cấp hàng chục tỷ đồng, hiện mặt đê cơ bản đã được cứng hóa; tuyến đê biển Hội Thống cũng đang được khẩn trương hoàn thành phần cứng hóa bằng bê tông, mái phía biển ghép cấu kiện bằng bê tông đúc sẵn…
Cương Gián là địa phuơng có nhiều hệ thống tuyến đê phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có 3 tuyến đê cấp IV (Song Nam, Đá Bạc, Đại Đồng) và một tuyến đê bồi Sông Đạo, vùng đê Đại Thành. Chủ tịch UBND xã Hoàng Đình Hùng cho biết: Hiện toàn xã có 3 tuyến đê bị sạt lở nghiêm trọng. Song Nam là tuyến đê ngăn mặn, giữ ngọt được xây dựng từ thời vua Bảo Đại nên bị xuống cấp, hai bên mái đê, thân đê, nền đê nhiều đoạn bị sạt lở. Tuyến đê Song Nam nếu không được kịp thời nâng cấp về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và sản xuất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân ở đây.
Tương tự, đê Song Đào của thôn Song Long phục vụ cho 20 ha diện tích trồng lúa cho của 500 nhân khẩu, một số điểm trọng yếu gần cống cũng đang bị xuống cấp rất cần được nâng cấp, tu bổ. Tuyến đê Đại Khánh giữ nước phục vụ đồng ruộng xuất hiện vài chỗ cũng đã sạt lở… ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân… Mặc dù, hàng năm chính quyền địa phương huy động người dân bồi trúc nhưng khi mưa lũ, triều cường xẩy ra lại bị sạt lở…
Tập kết vật liệu để sẵn sàng đối phó khi có sự cố xẩy ra trên tuyến đê Hội Thống
“Đối phó với mùa mưa bão, chính quyền địa phương cắt cử lực lượng thường xuyên kiểm tra tất cả các tuyến đê trên địa bàn; tập kết đầy đủ vật tư như cát, sỏi, phên, tre, dụng cụ, bao tải gần nơi trọng điểm và phương tiện giao thông ngay trước mùa mưa lũ. Tại các nhà dân đều dự trữ bao tải và các dụng cụ như quang gánh, phương tiện vận tải thô sơ để khi cần là có thể huy động được ngay” – ông Hùng cho biết thêm.
Tuyến đê sông Hội Thống có chiều dài 10,25 km từ xã Xuân Hải đến xã Xuân Hội dù đã được nâng cấp nhưng đoạn K9+460 cho đến K10+125 thuộc địa bàn xã Xuân Hội chưa “đến lượt” nên đã bị sạt lở. Ngoài ra, tuyến đê Đồng Cói ở xã Xuân Giang có chiều dài 3,4 do xây dựng khá lâu nên hiện mái đê phía sông bị sạt lỡ cục bộ nhiều đoạn…
Trước thực trạng trên, huyện đã xác định các tuyến đê trọng điểm cần xử lý; đặc biệt là chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ 2 gói thầu thuộc công trình nâng cấp đê Hội Thống và đê Hữu Sông Lam. Ông Đặng Văn Tính – Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho rằng: Các tuyến đê chính trên địa bàn huyện đã cơ bản đủ khả năng chống đỡ với mùa mưa lũ năm nay. Tuy nhiên, huyện luôn chỉ đạo các cấp ngành liên quan không được chủ quan trước diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết; luôn chủ động xây dựng phương án hộ đê toàn tuyến. Các địa phương có đê phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Đặng Văn Tính, trước diễn biến bão số 10 đang hướng vào các tỉnh miền Trung, tại các điểm xung yếu, các địa phương đã chuẩn bị tập kết nguyên vật liệu, lực lượng tuần tra canh gác 24/24 giờ. Huyện cũng đã chuẩn bị sẵn phương án di dời dân khi các tuyến đê có khả năng mất an toàn. Cụ thể, bão cấp 8-9, tổ chức di dời 157 hộ dân vùng nguy hiểm xã Xuân Hội; bão cấp 9-10, di dời 776 hộ dân các xã Xuân Hội, Xuân Trường, Xuân Đan và Cương Gián; bão cấp 11, di dời 1383 hộ dân 5 xã vùng ven biển…
Hữu Trung
Báo Hà Tĩnh