Người đương thời

Nghi Xuân: Người hùng biển cả

Dù đã bước sang cái tuổi 84, nhưng ông Nguyễn Lán quê ở Hội Thịnh 2 ( Xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn ngày đêm lam lũ bám biển mưu sinh đắp đổi miếng cơm manh áo qua ngày.

Gần cả cuộc đời lênh đênh trên biển cả, ông đã dang tay rộng mở cứu vớt gần 40 mạng sống thoi thóp bên bờ vực cái chết. Ông được mọi người khắp vùng làng chài nơi đây gọi với cái tên đầy thân mật “Người anh hùng nơi biển cả”.



Ông Lán còn tự hào ngoài 12 đứa con ruột của mình, ông còn có rất nhiều đứa con nuôi, “con được”. Con nuôi thì nhiều lắm, nhưng con được đếm nhẩm cũng đã lên con số 10. Nhiều lần ra biển, nhất là lúc mặt trời đã lặn, ông thường có thói quen, cầm gậy, dõi đèn đi qua bãi biển một lượt để xem thấy ai bị chết đuối không. Trong những lần như thế, ông đã bắt gặp rất nhiều em nhỏ lang thang trên bãi biển, ông đã hỏi thăm các cháu rồi đưa về nhà chăm sóc. Đứa nào ông cũng cố tìm cho ra địa chỉ để đưa về cho gia đình. Cũng có những đứa không rõ nguồn gốc, ông nuôi nó khôn lớn và khi đã đủ lông, đủ cánh biết bay đi kiếm ăn thì ông mới thấy yên lòng. Trong gần 10 đứa con được, ông thương nhất là bé Hoa ở xã Cương Gián. Đó là lần trên đường đi đánh bắt cá về, ông nhìn thấy một cô bé lang thang khóc nức nở trên bãi biển. Hỏi ra gia đình em nghèo lắm, em lang thang ra biển rồi thất lạc đến đây, sau một thời gian chăm sóc, ông đã đưa được cháu về với gia đình. Và cho đến bây giờ chị Hoa vẫn xem ông như một người cha “vĩ đại nhất mọi thời đại” theo cách ví von hài hước của chị.

Cuộc chiến sinh tử nơi biển cả

Một đêm mùa đông, giữa cái lạnh tê tái, trong khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ say nồng, thì ông Lán vẫn tay gậy, tay đèn đi ra biển quan sát một lượt như thường lệ. Và rồi trong bóng đen mù mịt, giữa muôn trùng khơi ấy, ông bỗng nghe thấy mấy tiếng kêu thất thanh được cất lên trong đêm tối nhưng khổ lắm, tiếng kêu cứu yếu ớt lúc nghe được, lúc không. Theo linh tính của mình, ông Lán hiểu được rằng ngoài biển đang có chuyện bất thường. Và rồi, ông chạy lao về nhà gọi anh em và các con đưa thuyền ra cứu người. Ông làm người chỉ huy cuộc trục vớt ấy. Cả gia đình chạy ra biển, người dây, người lưới, người thúng, thả xuống biển nước. Phía dưới gần 8 con người đang ngoi ngóp những hơi thở cuối cùng. Sau một hồi vật lộn với sóng to gió lớn và cái lạnh thấu xương, cuối cùng ông và các con của mình đã cứu được 8 mạng sống khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc. Sau khi cứu xong, ông đưa họ về nhà hô hấp nhân tạo, đốt củi sưởi ấm, nấu cháo và mua thuốc men điều trị tận tình cho họ thoát khỏi cái chết. 8 người bị lật thuyền ấy quê ở chợ Mê Trang- Tỉnh Nghệ An mà đến giờ ông vẫn còn nhớ.

Bác Lán đang sắm lưới chuẩn bị ra khơi

Lần khác, đó là lúc biển động, 5 cô gái quê Xuân Hội đi kiếm củi về đốt, không biết loay hoay thế nào mà bị sóng cuốn trôi. Trong phút bàng hoàng, ông đã hốt hoảng gọi các con thần tốc ra biển để cứu. Mặc dù sóng to, 5 cô gái bị sóng cuốn lên cao rồi quật xuống, việc cứu vớt gặp vô vàn khó khăn. Nhưng bằng kinh nghiệm đi biển, ông và các con đã cứu được họ sau gần 1 tiếng đồng hồ vật lộn. Sau này, chị Hoa, người đã may mắn thoát chết lần ấy đã nhận ông làm bố nuôi.

Trong những lần cứu người chết đuối ấy, ranh giới giữa sự sống và cái chết của ông là vô cùng bé nhỏ. Chỉ một chút chủ quan, sơ sẩy nhỏ thôi, ông cũng có thể bỏ mạng sống giữa biển cả. Và câu chuyện sau đây là một minh chứng. Đó là lần cứu chị Cự quê ở xã Xuân Liên- huyện Nghi Xuân. Đang lội nước, bỗng chị bị sụp và bị sóng đánh ra biển. Nghe tiếng kêu cứu, ông Lán đang đánh bắt cá ở đó vội vàng băng xuống biển. Ông bảo chị không được nắm lấy người ông, hãy ôm chặt chân ông. Lúc ấy ông đã nói với chị không phải trên mặt nước mà ở ngay dưới đáy biển bằng ký hiệu. Ông đã đẩy chị lên xuống đúng 7 lần, cứ 2 phút lại đẩy chị lên mặt nước một lần để lấy hơi. Đến lần đẩy thứ 6 ông thấy mình chắc chắn sẽ bỏ mạng cùng chị. Nhưng trong phút chốc yếu đuối ấy, ở lần ngoi lên thứ 7, con sóng to vô tình đã thổi cả hai người trôi dạt vào bờ.

Gần 40 mạng sống đã được ông ra tay nghĩa hiệp, có người nhận con nuôi, con được, có người cho ông ít tiền bạc, nhưng đa số sau khi được ông cứu giúp, họ chỉ có một lời cảm ơn, một cái bắt tay thật chặt và một nụ cười thán phục. Thậm chí, có người ông còn cho tiền để bắt xe về quê, đưa về nhà đốt củi, nấu cơm, chăm sóc cả tháng ròng.

Bác Lán và tác giả bên căn nhà đơn sơ

Không chỉ là một người hùng nơi biển cả, mà ngay trong cuộc sống hằng ngày, ông còn dùng số tiền chắt góp của mình mấy chục năm bám biển mưu sinh, tiền bán cây phi lao để cho 42 người trong vùng sắm sửa đồ nghề đi biển, để họ mua và đóng 4 chiếc thuyền đánh bắt cá xa bờ. Ông còn thường xuyên tham gia nhiệt tình mọi công tác trong hội, trong xóm, sống tròn chữ “nghĩa” với bà con làng xóm. Hơn thế nữa, có nhiều đêm ông còn cầm đèn trèo lên cây phi lao để theo dõi thời tiết, hướng gió cho bà con ngư dân biết được tình hình để sắp xếp thời gian ra khơi. Ngọn đèn của ông còn giúp cho nhiều tàu bè lạc lối, gặp sóng to gió lớn ngoài biển khơi thấy được bờ để định hướng đi thoát nạn. Bất kỳ ai lúc đầu gặp ông cũng nhận thấy sự vui vẻ, nhiệt tình. “Số tiền tôi làm ra cũng nhiều lắm, phần vì cho các con, phần vì giúp người nghèo, làm từ thiện, không thì đến giờ tôi cũng đã có nhà cao cửa rộng, không phải ở trong căn nhà mục nát này nữa”. Ông Thán tâm sự.

Dù hoàn cảnh gia đình đang vô vàn khó khăn, vợ đau ốm nằm liệt giường suốt 3 năm liền, căn nhà mục nát, mùa mưa nước chảy vào lênh láng chưa được sửa lại. 12 người con làm chài lưới cũng chỉ lo đủ bát cơm manh áo. Nhưng tôi tin, với sự giúp đỡ của xã hội, “người anh hùng biển cả” lại có thể tìm được niềm vui, hạnh phúc ở quãng đời còn lại của mình.


Đinh Tiến Giang

Công Lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP