Tin Hà Tĩnh

Nghi Xuân (Hà Tĩnh): Cần làm rõ việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở để trục lợi!

Từ đất nông nghiệp được hợp thức hóa thành đất ở, rồi liên tục tách thửa để bán với giá cao, nhằm trục lợi để chia nhau. Sự việc bị người dân phát hiện và tố cáo. Tuy nhiên, đã 4 năm trôi qua, điều lạ là vẫn không thấy cơ quan chức năng vào cuộc để kết luận, xử lý?

Phản ánh với phóng viên, người dân ở xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, năm 2017, UBND xã Xuân Hội thời điểm ông Nguyễn Sông Hương đang làm Chủ tịch UBND xã đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cấu kết với một nhóm người “hô biến” 2 thửa đất nông nghiệp trồng lúa thành đất ở cho 2 hộ dân là N.M.Q tại xóm Tân Ninh Châu và V.V.H tại xóm Hội Minh với tổng diện tích cả 2 thửa là 855,2m . Việc làm này nhằm để cho một số cá nhân trục lợi bán đất ở, gây bức xúc trong nhân dân. Dư luận địa phương đặt nghi vấn, phải chăng do UBND Xuân Hội đã lợi dụng việc chuyển đổi đất ở, giúp cho một số cá nhân gom đất lúa “xen kẹt” trong khu dân cư làm sổ đỏ, rồi tách thửa để bán cho người khác.

Vùng đất nông nghiệp được phù phép thành đất ở.


“Thấy giá đất tăng nhanh, cán bộ xã đã tìm cách “phù phép” biến đất nông nghiệp sản xuất lúa thành đất ở để bán. Tại xóm Tân Ninh Châu và Hội Minh, xã Xuân Hội có 2 lô đất nông nghiệp với diện tích 855,2m , lâu nay người dân vẫn trồng lúa, là đất nông nghiệp, không thể chuyển thành đất thổ cư để mua bán, nhưng không hiểu sao UBND xã Xuân Hội vẫn bật đèn xanh, để một số người nhanh chóng làm giấy tờ biến đất nông nghiệp thành đất ở.

Những bộ hồ sơ “phù phép” này đã được UBND huyện Nghi Xuân nhanh chóng hoàn tất việc cấp sổ đỏ cho 2 thửa đất và mặc nhiên công nhận 2 lô đất nông nghiệp là đất thổ cư. Sau khi được biến thành đất ở với số tiền đóng nghĩa vụ tài chính thấp, họ đã liên tục tách thửa để bán những lô đất ở với giá thành cao gấp nhiều lần để trục lợi”, người dân nơi đây bức xúc nói.

Theo tài liệu của phóng viên có được, trong sổ mục kê thì thửa đất của hộ N.M.Q và vợ P.T.T tại xóm Tân Ninh Châu, xã Xuân Hội với diện tích 686,8m2 nằm ở Đồng Ao Bầu - LUK (đất lúa) - 50 năm - DG-KTT. Tuy nhiên, tại đơn đăng ký biến động đất đai của hộ N.M.Q và vợ P.T.T khai là thửa đất 30, tờ bản đồ 41; diện tích 686,8m đất BKH. Chính quyền xã Xuân Hội cũng đã có tờ trình gửi UBND huyện Nghi Xuân đề nghị cấp đổi GCNQSD đất cho hộ gia đình ông N.M.Q và vợ P.T.T với diện tích 686,8m2 (Trong đó: 400m đất ở và 286,8m đất trồng cây hằng năm).

Xác nhận với phóng viên, một cán bộ HĐND xã Xuân Hội thừa nhận, trong quá trình giám sát của HĐND xã thời điểm ấy cũng đã phát hiện ra sự việc này.

Theo một lãnh đạo UBND xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, huyện đã nắm được việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở này. Vụ việc đã được người dân làm đơn gửi lên UBND huyện, thậm chí gửi lên cả Ban Thường vụ Huyện ủy.

“Chúng tôi đang nghi ngờ giữa một vài cán bộ xã và huyện có sự “móc ngoặc” để chuyển đổi 2 thửa đất nông nghiệp sang đất ở. Chuyển đổi đất xong là họ bán ngay để trục lợi. Thậm chí có tin phản ánh là sau khi bán xong, có sự chia chác quyền lợi”, vị lãnh đạo này nói.

Trong sổ mục kê thì thửa đất của hộ N.M.Q và vợ P.T.T tại xóm Tân Ninh Châu có diện tích 686,8m2 nằm ở Đồng Ao Bầu - LUK (đất lúa).

“Phí hồ sơ thủ tục để chuyển đổi đất chỉ mất có hơn trăm triệu đồng, nhưng chuyển đổi xong, họ bán với giá 400 -500 triệu đồng, sau đó tách thửa liên tục để bán và chia nhau. Trong quá trình chuyển đổi, họ cũng tẩy xóa hồ sơ nên sinh ra kiện tụng nhau”, vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Để làm rõ hơn về thông tin này, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Đào An - Cán bộ địa chính xã Xuân Hội (hợp đồng) thời điểm đó. Ông An lý giải: Đất của 2 hộ này, theo hiện trạng sử dụng không phải là đất trồng lúa, mà đây là đất trồng cây hằng năm.

“Ngày xưa trong sổ mục kê là đất trồng lúa nhưng thời điểm cấp bìa đất, do huyện ký hợp đồng mỗi xã với một đơn vị tư vấn để thực hiện chủ trương cấp đổi đồng loạt. Sổ đỏ do đơn vị tư vấn này in ra, cái thì thiếu thửa, cái thì cấp chồng lên nhau, nhiều cái sai mục đích, sai cả diện tích. Người dân khi được nhận lại phải sửa lại. Không riêng gì 2 hộ này mà cả xã hầu như thế.

Tôi đi kiểm tra thực tế thì đất này họ đang trồng lạc, không phải trồng lúa. Nếu mà cấp cho họ trồng lúa thì cũng phải cấp lại, vì hiện trạng họ không trồng lúa mà là trồng lạc. Khi người dân xin sửa làm lại bìa thì huyện và xã cũng cho chuyển đổi. Vì mức tiền phí chuyển đổi trồng lúa hay trồng cây hằng năm cũng đều giống nhau, không chênh nhau. Nếu đất lúa nằm giữa đồng ruộng thì không chuyển đổi được, còn đây, xung quanh toàn là đất ở của người dân cả rồi, nên phù hợp với quy hoạch của xã”, ông An phân trần.

Theo những người làm chuyên môn trong lĩnh vực này cho biết, để chuyển đổi mục đích sử dụng thì phải có xin phép, được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền và phải thông qua kế hoạch, danh mục sử dụng đất hằng năm do UBND tỉnh phê duyệt. Trước thực trạng trên, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh nhanh chóng vào cuộc để đưa ra kết luận, xử lý trước nguy cơ vụ việc bị “chìm xuồng” và rơi vào quên lãng, bởi đã 4 năm trôi qua.

Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Trần Phong

Nguồn tin: Báo Công Luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP