Trong nước

Nghĩ về Tuyên ngôn Độc lập

Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam là lời tuyên bố: Dân tộc Việt Nam cũng có quyền độc lập, tự do, bình đẳng như mọi quốc gia trên thế giới.

Đúng 15h ngày 2/9 cách đây 78 năm, một người đàn ông gầy gò nhưng ánh mắt kiên nghị trong bộ vest màu sáng và chiếc mũ cát vành rộng được giới thiệu là Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam - bước đến micro trên lễ đài tại Vườn hoa Ba Đình, lúc đó còn gọi là Quảng trường Puginier, bắt đầu đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố ra đời Nhà nước Dân chủ Cộng hòa đầu tiên ở Việt Nam.

Tuyên ngôn Độc lập chỉ có 1.120 chữ trong 49 câu, được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ ba trong lịch sử Việt Nam, "là kết quả của những bản tuyên ngôn khác" sau bài thơ thần Nam quốc sơn hà ở thế kỷ 11 và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi viết năm 1428.

Đây là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn gọn, chặt chẽ, sắc bén, gồm 3 phần chính: Cơ sở pháp lý của bản Tuyên ngôn; Cơ sở thực tiễn của bản Tuyên ngôn và Lời tuyên bố độc lập.

Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ trích dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 để làm căn cứ pháp lý cho bản Tuyên ngôn của Việt Nam.

Cụ thể đoạn trích như sau: "Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" và "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: TTXVN).

Lịch sử đã lùi xa và nhiều người đặt ra câu hỏi: Là một người Cộng sản lãnh đạo một Đảng Cộng sản chỉ có gần 5.000 đảng viên đã thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám nhờ sự ủng hộ to lớn của Nhân dân nhưng tại sao trong Tuyên ngôn Độc lập Bác Hồ lại trích dẫn hai văn bản của các nước "thực dân và đế quốc" là Mỹ và Pháp mà không hề trích dẫn các văn bản của "Cộng sản", ít ra lúc ấy là của Liên Xô.

Nên nhớ năm 1917, tại Đại hội Xô Viết toàn Nga, Lênin cho thông qua Pháp lệnh về hoà bình, tuyên bố tôn trọng quyền tự quyết của dân tộc nhược tiểu như một chính sách đối ngoại và chính Bác Hồ khi đọc được văn bản này đã "mừng như phát khóc" vì đây chính là con đường giải phóng dân tộc mà Bác đã bao năm bôn ba cực khổ để kiếm tìm.

Để góp phần tìm ra câu trả lời thỏa đáng, chúng ta hãy tìm hiểu bối cảnh lịch sử qua các sự kiện lịch sử của giai đoạn cực kì vẻ vang này.

Bản Tuyên ngôn Độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Sáng 26/8/1945, tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội, Bác Hồ chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng và cuộc họp nhất trí chuẩn bị Tuyên ngôn Độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ Lâm thời ra mắt Nhân dân, chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa.

Từ 28/8/1945, Bác tập trung viết Tuyên ngôn Độc lập và ngày 30/8, Bác mời một số người đến góp ý cho bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 31/8, Bác bổ sung, chỉnh sửa và 15h ngày 2/9/1945, Bác đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử đó.
Để hiểu rõ hơn nguyên nhân tại sao Bác Hồ lại trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Mỹ và Pháp, ta hãy ngược lại dòng lịch sử.
Trong cuộc đời hoạt động của mình, Bác Hồ đã từng bôn ba ở nước Mỹ và hiểu rõ đất nước này. Bác thấy rằng cần phải tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ với tư cách đứng đầu phe Đồng Minh.

Ngay những ngày trước Cách mạng tháng Tám, Bác đã chủ động thiết lập mối quan hệ với Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (OSS) - tiền thân của CIA - bằng cách cho người cứu sống viên Trung úy William Shaw, phi công thuộc Phi đội Tiêm kích Chiến thuật 51, Không đoàn 14 Không lực Lục quân Hoa Kỳ, thuộc OSS.

Ngày 2/11/1944, người này phải nhảy dù xuống Bản Ngần, xã Đề Thám, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, sau khi máy bay gặp trục trặc về động cơ. Người này được du kích Việt Minh cứu thoát khỏi sự lùng sục gắt gao của quân Nhật và được đưa về Pác Bó gặp Bác Hồ.

Sau đó, đích thân Bác đã trèo đèo lội suối, vượt quãng đường hết sức khó khăn đưa Shaw về Côn Minh, trao trả cho Trung tướng Claire Chennault, Tư lệnh Không đoàn 14, đồng thời là người đại diện cao nhất của quân Đồng Minh tại khu vực.

Sau này "những người đại diện của Hoa Kỳ tại Việt Nam" đó, cụ thể là OSS trong đó có cả những người được ta cứu sống thoát khỏi Phát xít Nhật đã giúp Việt Minh huấn luyện quân sự và họ đã cùng với bộ đội Việt Nam thành lập một đại đội gọi là Bộ đội Việt - Mỹ.

Qua hoạt động này, Bác đã đặt nền móng cho mối quan hệ Việt - Mỹ và muốn đồng minh do Mỹ cầm đầu ủng hộ Việt Nam. Nhiều tài liệu còn khẳng định rằng, ngay trong những ngày sôi động của cách mạng Tháng Tám, tại Tân Trào (Tuyên Quang), Bác đã nghĩ tới Tuyên ngôn Độc lập.

Bác từng đề nghị các sĩ quan OSS gửi cho Bác bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và họ đã thả bằng dù xuống cho Bác văn bản đó tại đại bản doanh của căn cứ địa Việt Bắc. Ngay khi viết Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ còn mời L.A Pati - một sĩ quan tình báo Mỹ phụ trách đơn vị OSS đang cộng tác với Việt Minh đến 48 Hàng Ngang để cùng trao đổi.

Rõ ràng với tầm nhìn xa thấy rộng Bác đã chủ trương tận dụng sức mạnh của đồng minh, đứng đầu là Mỹ để họ ủng hộ Cách mạng Việt Nam và công nhận nền độc lập của Việt Nam khi Cách mạng thành công.

Việc Bác trích dẫn bản Tuyên ngôn của Mỹ ngoài lí do đây là một văn bản tiến bộ, nổi tiếng cả thế giới, ghi dấu ảnh hưởng của triết học Khai sáng và cả kết quả của Cách mạng Anh năm 1688 mà còn là để tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và phe Đồng Minh.

Điều này còn được thể hiện vào thời điểm Cách mạng trên phố xá Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố lớn ngoài cờ đỏ sao vàng của Việt Minh còn có cờ các nước đồng minh và khẩu hiệu bằng năm thứ tiếng Việt, Hoa, Anh, Pháp, Nga: "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!", "Đả đảo thực dân Pháp!", "Độc lập hay là chết!".

Cũng cần nhắc lại rằng sau này Bác Hồ đã nhiều lần chủ động gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ, để mong muốn Mỹ ủng hộ Việt Nam nhưng rất tiếc đều bị Mỹ từ chối.

Với Pháp, ngược lại, Bác trích dẫn Tuyên ngôn của Pháp là để buộc tội Pháp đã lợi dụng lá cờ "tự do, bình đẳng, bác ái" đến cướp nước ta, làm trái với tinh thần tiến bộ của chính bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp.

Thực tế cho thấy, vào thời điểm đó, thực dân Pháp đã và đang là kẻ thù, là mối đe dọa trực tiếp nền độc lập, chủ quyền của dân tộc ta chứ chưa phải là Mỹ.

Với tầm nhìn xa, trông rộng, sự mẫn cảm về chính trị và thông hiểu thực tiễn, Bác hiểu rằng giành được độc lập đã khó, giữ được độc lập còn khó hơn nhiều. Vì vậy, Bác đã lột trần bộ mặt giả tạo, dã man của Pháp đã phản bội lại chính lý tưởng của Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp.

Ngay sau trích dẫn Bác đã đã tố cáo thực dân Pháp: "Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa…".

Bác đã đưa ra các bằng chứng hùng hồn: "…chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào… Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi... Chúng bóc lột dân ta đến xương tủy... Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý... Không chỉ dừng ở đó, mùa thu năm 1940, khi phát xít Nhật đến Đông Dương, thực dân Pháp lại quỳ gối đầu hàng… bán nước ta hai lần cho Nhật", khiến cho nhân dân ta càng thêm cực khổ, khiến cho "hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói".

Đoàn xe chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào vườn hoa Ba Đình, nơi cử hành lễ "Ngày độc lập". (Ảnh: TTXVN).

Bác đã dùng ngay cái "chân lý cao cả" mà nhân dân Pháp đã tôn thờ làm vũ khí hiệu quả đánh thẳng vào thực dân Pháp. Còn nhớ khi sang thăm nước Pháp ngày 2/7/1946, Bác đã một lần nữa nhắc nhở Thủ tướng Chính phủ Pháp G.Biđôn tại buổi tiệc chiêu đãi bằng một câu ngạn ngữ Phương Đông mà cả Phương Tây cũng hiểu rõ: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" (điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác).

Một số nhà nghiên cứu trên thế giới còn cho rằng việc Bác Hồ trích dẫn hai bản tuyên ngôn của hai quốc gia Mỹ và Pháp nhằm mục đích không chỉ ứng phó với hai cường quốc lớn, tiềm tàng những mưu đồ thực dân cũ và mới mà còn có ý nghĩa văn hóa, văn minh cao cả hơn.

Vị Chủ tịch của nước Việt Nam mới muốn khẳng định trước thế giới rằng Cách mạng Việt Nam là sự nối tiếp của con đường tiến hóa của nhân loại đã và sẽ bảo vệ quyền được tự do của con người và các dân tộc đã được ghi rõ trong hai bản tuyên ngôn nổi tiếng.

Quyền các dân tộc được tự do mà Bác tuyên bố mãi 15 năm sau, năm 1960, Liên Hợp Quốc mới đưa vào trong Tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa.

Tuyên ngôn Độc lập xứng đáng được xếp vào hàng “thiên cổ hùng văn” của dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ. Đọc lại Tuyên ngôn Độc lập ta càng thấy bản lĩnh, tầm vóc vĩ đại của Bác Hồ trong một giai đoạn lịch sử đầy nhạy cảm của dân tộc.

Tác giả: ĐẶNG ĐÌNH CUNG

Nguồn tin: vtc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP