Phòng thi chỉ có 1 thí sinh
Ngày hôm qua (2/6), gần triệu thí sinh trên cả nước đã bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 với nhiều điểm khác biệt so với những kỳ thi trước, các thí sinh sẽ thi 4 môn, với 2 môn bắt buộc là Toán, Văn và 2 môn tự chọn. Trong các môn thi tự chọn thì Lịch sử có tỷ lệ lựa chọn thấp nhất so với các môn khác, chỉ chiếm 11%. Con số này đã được thể hiện ngay trong chiều qua khi có những hội đồng thi Sử chỉ có… 1 hoặc 2 thí sinh dự thi.
Đề Lịch sử tốt nghiệp THPT 2014 đề cập đến vấn đề biển đảo |
Tại hội đồng thi trường THPT Thái Lão, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), môn Lịch sử chỉ có một thí sinh dự thi. Đó là em Đoàn Thị Nga (số báo danh 130159, phòng thi số 1), học sinh lớp 12A4, trường THPT Thái Lão.
Còn hội đồng thi trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Hồ Chí Minh có 1 phòng thi môn sử duy nhất trong đó có 2 thí sinh. Đó là em Đinh Quế Trân và Lâm Bảo Anh, đều là học sinh lớp 12A11 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.
Tại hội đồng thi ở trường THPT Quang Trung (Hà Nội) cũng chỉ có 1 thí sinh dự thi, là em Khánh Linh.
Thí sinh Đoàn Thị Nga tại hội đồng thi THPT Thái Lão, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) |
Dù mỗi hội đồng chỉ có 1 tới 2 thí sinh dự thi thế nhưng việc một hội đồng thi 59 người túc trực một sĩ tử tại Nghệ An hay 18 người đồng hành cùng thí sinh Khánh Linh ở Hà Nội đang là tâm điểm của dư luận, không ít ý kiến cho rằng đây là việc làm lãng phí tiền của và nhân lực.
Theo thầy Đỗ Đức Hòa, Hiệu trưởng trường Quang Trung, trường vẫn thành lập hội đồng thi gồm 18 người bao gồm: 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch, 2 thư ký, 3 giám thị và 10 người phục vụ, công an, bảo vệ…chỉ với một học sinh duy nhất thi môn Lịch sử.
Khánh Linh là thí sinh duy nhất dự thi môn sử tại trường Quang Trung |
Ở Nghệ An cũng có một trường hợp tương tự nhưng với quy mô lớn hơn khi có tới 59 cán bộ có mặt tại trường THPT Thái Lão, trong đó có 37 giám thị coi thi, còn lại là bảo vệ, phục vụ, lực lượng công an, quân đội…
Nhiều ý kiến trái chiều
Bên cạnh những ý kiến chúc các thí sinh dự thi cố gắng làm bài thật tốt, thì nhiều ý kiến cho rằng việc để nhiều cán bộ coi thi khi phòng thi chỉ có 1-2 thí sinh là quá lãng phí và cho rằng sao không ghép các em vào hội đồng thi khác,…
Nhiều ý kiến cũng cho rằng quá ít sỉ tử chọn thi môn Sử là một điều đáng để quan tâm. Tại sao học sinh thờ ơ với môn học này? Cách gì để khắc phục?… là những vấn đề được nhiều người đặt ra. Học sinh không chọn môn sử để thi tốt nghiệp là “quay lưng” lại với lịch sử. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục thì vài năm nữa học sinh sẽ không còn biết gì về lịch sử nước nhà…
Tuy nhiên, vấn đề luôn mang tính hai mặt, bên cạnh những ý kiến đóng góp, chia sẻ về vai trò của môn Sử trong giáo dục, cuộc sống thì không ít bạn trẻ mạnh dạn chỉ ra lý do khiến Lịch sử không được lòng học sinh Việt.
“Dân ta phải biết sử ta, điều đó hoàn toàn đúng, nhưng do ngành nghề liên quan đến lịch sử có ít trong xã hội, khi ra trường vẫn khó tìm việc làm. Vì vậy việc học sinh không chọn môn Sử là phù hợp với xu hướng nghề nghiệp của học sinh, với quan điểm đổi mới giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới khi mà 2 năm cuối THPT là những năm phân hóa mạnh theo định hướng nghề nghiệp”, một bạn trẻ chia sẻ.
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cũng từng chia sẻ: “Là giáo viên, tôi tôn trọng quyết định của học sinh. Sự lựa chọn này phù hợp với xu thế hiện nay khi số lượng học sinh thi khối C giảm và số học sinh đăng kí thi vào ngành Lịch Sử ở các trường ĐH cũng giảm. Việc các em không đăng kí lựa chọn môn Sử không có nghĩa là các em ghét hay quay lưng với môn học này. Tuy nhiên, với tý lệ đăng kí dự thi môn Sử thấp thì nói thật là tôi rất buồn và xót xa”.
Bên cạnh việc đầu ra không hấp dẫn, nhiều ý kiến cho rằng môn Sử hiện còn thiếu tính thực tiễn, cách truyền tải kiến thức của giáo viên còn thô cứng,…Một số vấn đề mới của lịch sử như: chiến tranh biên giới Tây Nam, Hoàng Sa, Trường Sa,… chưa được đưa vào sách giáo khoa, trong khi báo chí và các phương tiện truyền thông đề cập rất nhiều. Điều này làm giảm hứng thú cho cả thầy và trò.
Ngay cả giáo sư Phan Huy Lê cũng cho rằng nếu là học sinh ông cũng sẽ chán với môn Sử: “Với cách dạy, với chương trình và sách giáo khoa hiện nay thì học sinh chán sử là tất yếu. Chương trình nặng kiến thức, sách giáo khoa dày đặc sự kiện, vừa thừa vừa thiếu, phương pháp dạy truyền thụ một chiều, thiếu sinh động, đòi hỏi học thuộc. Tuổi trẻ đầy năng động, đầy sức sống, rõ ràng các em không chấp nhận được. Nếu tôi là học sinh, tôi cũng chán”.
Việc học sinh không “mặn mà” với môn Lịch sử không phải đến bây giở người ta mới nói; nhưng làm thế nào để học sinh không chán môn Sử, để nền giáo dục Việt Nam không bị “khuyết tật” thì cần phải có một cuộc cải cách lớn.
Thanh Vy