Chị Phan Thị Thanh Vân chia sẻ về lần dự thi đại học muộn của mình |
Bị thí sinh khác nhầm là… giám thị
Trong lúc làm thủ tục dự thi tại Tại điểm thi Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh), nhiều thí sinh nhầm tưởng chị Nguyễn Thị Thanh Vân là… giám thị. Vì chị xuất hiện với phong cách ăn mặc lịch sự, chỉn chu và đã đứng tuổi. Nhưng hóa ra, chị cũng là một thí sinh như tất cả các bạn khác, đến làm thủ tục dự thi.
Chị Vân đăng ký thi THPT quốc gia để xét nguyện vọng vào trường ĐH Y khoa Vinh, vì vậy sẽ phải dự thi 3 môn: Toán, Hóa học, Sinh học. Giữa các thí sinh khác bằng tuổi con mình, chị không tỏ ra lo lắng mà bình tĩnh vào phòng thi, thực hiện các thủ tục cần thiết và tỏ ra rất vui vẻ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Vân hiện đang là y sỹ, công tác tại Khoa Răng Hàm mặt, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Công việc ổn định nên gia đình bạn bè đều “can” thôi đừng thi nữa, vừa làm, vừa ôn thi đại học rất vất vả.
Thậm chí nếu trúng tuyển và học thì thời gian ít nhất tại trường y cũng mất 6 năm. Lúc ra trường thì cũng vừa… quá tuổi nghỉ hưu. “Nhưng tôi vẫn muốn thi, đó là ước mơ mà tôi muốn được thực hiện.
Trước kia, vì dành thời gian nuôi 2 con học hành, rồi công việc ở bệnh viện bận rộn nên chị Vân đành gác ước mơ đại học. Thời gian tạm hoãn cứ kéo dài năm này qua năm khác, cho đến giờ con trai cả đã là giảng viên đại học Điện lực Hà Nội, con trai thứ 2 đang học nghiên cứu sinh tại Anh Quốc thì mẹ mởi nhẹ gánh để thực hiện mong muốn riêng mình.
Khi được hỏi các con nói gì về quyết định thi ĐH của mẹ, chị cười: “Đứa nào cũng sợ mẹ vất vả. Nhưng thấy tôi đã đăng ký dự thi rồi thì không ý kiến gì nữa. Đến gần ngày thi, các con còn “cảnh báo” tôi “kiểu gì mẹ cũng bị chú ý và lên báo vì thí sinh nhiều tuổi đi thi đại học, nên mẹ phải “cẩn thận”. Cả gia đình sợ tôi gặp áp lực khi dự thi với những thí sinh ít hơn tuổi con mình”, chị Vân chia sẻ.
Ôn thi tiếp cận kiến thức mới, cách thi mới
Thí sinh 50 tuổi bình tĩnh trong phòng thi với các thí sinh bằng tuổi con, cháu |
Dù vậy, thí sinh 50 tuổi cho biết: “So với các thí sinh khác, tâm lý tôi thoải mái, nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Các cháu vừa phải thi xét tuyển tốt nghiệp THPT, vừa xét đại học. Số môn phải học nhiều hơn. Mục tiêu và quyết tâm tại kỳ thi này như một cuộc vượt vũ môn vào tương lai, khác với một người đã đi làm và còn nhiều lựa chọn phía trước.
Tôi đăng ký nguyện vọng vào trường ĐH Y khoa Vinh – những năm gần đây điểm chuẩn tăng cao và nằm mức từ 24 – 26 điểm, cũng không hề dễ dàng”.
Để chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học “muộn” này, chị Nguyễn Thị Thanh Vân cũng tham gia một lớp ôn thi tại TP Vinh vào buổi tối. Học theo chương trình sách giáo khoa hiện hành. Chồng và các con cũng tìm thêm tài liệu, sách vở cho mẹ học, cập nhật kiến thức mới, cũng như cách thức thi có nhiều thay đổi không giống như ngày xưa.
Về kiến thức, có những cái thuộc về nền tảng, cơ bản là chung, giống như thời chị Vân được học trong quá khứ. Nhưng phạm vi, giới hạn kiến thức có nhiều thay đổi.
Cả 3 môn Toán, Hóa học, Sinh học đều thi trắc nghiệm, khác hoàn toàn với hình thức tự luận trước kia. Vì thế, chị phải học rất nhiều về kỹ năng làm bài, trong điều kiện “không nhanh tay, nhanh mắt, bấm máy tính siêu như các bạn trẻ”.
Chị cũng làm thử các đề thi những năm trước, đề thi minh họa, tham khảo của Bộ GD&ĐT và các đề thi trên mạng. Qua đó, rèn luyện phản xạ, kinh nghiệm làm bài thi trắc nghiệm, kỹ năng bấm máy tính giải phương trình... Và cách tô đáp án trên phiếu trả lời trắc nghiệm để không xảy ra những nhầm lẫn đáng tiếc.
Hầu hết thời gian hành chính chị phải làm việc ở bệnh viện, nên việc ôn thi chủ yếu vào buổi tối, và tranh thủ đọc thêm những chia sẻ, bài học thi cử được đăng trên báo, đài.
Đến gần ngày thi chị cho biết cũng đã ôn phủ đều kiến thức, sẵn sàng cho thử thách và cả cơ hội bước chân vào cổng trường đại học.
Chồng của chị Vân nhận nhiệm vụ đưa vợ đi làm thủ tục dự thi, và trong các ngày thi còn lai. Với sự hẫu thuận đó, dù với kết quả nào, chị cũng đã dám thực hiện ước mơ bấy lâu của mình. |
Tác giả: Hồ Lài
Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại