“Chúng tôi đã rất cố gắng, có thể nói là giành giật sự sống cho bé Thùy từ tay thần chết. Hiện bệnh vẫn diễn biến khá phức tạp nhưng bố mẹ cháu cứ xin ra viện vì nhà không còn tiền. Sáng nay cháu bị sốt trở lại, nếu không theo dõi sát sao thì sẽ có nhiều bất trắc xảy ra, làm sao chúng tôi đành lòng để gia đình đưa cháu về”, bác sỹ Ngô Nam Hùng, Phó trưởng khoa Răng – Hàm – Mặt, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thở dài.
Bé Thùy được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng nhiễm trùng máu, hoại tử tổ chức tuyến mang tai do bị nhiễm vi khuẩn Whitmore – còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người |
Trong phòng bệnh, bé Lê Thị Thanh Thùy (SN 2009, trú xóm 1, xã Nghĩa Minh, Nghĩa Đàn, Nghệ An) chỉ có thể nằm nghiêng, tai trái cháu nham nhở bởi di chứng của căn bệnh viêm mô tế bào hoại tử tuyến mang tai. Thỉnh thoảng, Thùy rên lên khe khẽ vì vết thương gây đau đớn.
“So với hôm nhập viện thì kết quả này là một kỳ tích rồi. Lúc Thùy nhập viện, chính chúng tôi cũng không dám nhìn vào vết thương vì nó đã hoại tử, từng mẩu thịt rụng ra do bị nhiễm trùng nặng. Kiểm tra cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Whitmore, loại vi khuẩn vẫn được xem là vi khuẩn ăn thịt người”, bác sỹ Hùng nói tiếp.
Tình trạng bệnh của bé Thùy trầm trọng, được đề nghị chuyển lên tuyến trên nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn, anh Lê Khắc Tới xin kí cam kết để con ở lại Bệnh viện Sản Nhi điều trị |
Theo thông tin từ gia đình cung cấp, đầu tháng 7, Thùy kêu đau tai, lên cơn sốt. Đi trạm y tế xã rồi lên Bệnh viện huyện, các bác sỹ đều kết luận bệnh nhi bị viêm tai giữa. Cho đến khi bệnh trở nặng, mủ trong tai chảy ra, vành tai có dấu hiệu hoại tử, Thùy mới được chuyển đến bệnh viện tỉnh trong tình trạng bị nhiễm trùng máu, sự sống bị đe dọa.
Trước tình trạng của bệnh nhân, BV Sản Nhi Nghệ An giới thiệu gia đình chuyển Thùy ra tuyến TW nhưng nhà không có tiền, bố anh Lê Khắc Tới (SN 1976) xin kí cam kết để con được ở lại đây điều trị.
Hiện tình trạng nhiễm khuẩn của bé Thùy đã được khống chế nhưng tình trạng hoại tử, viêm nhiễm tại chỗ vẫn đang tiếp diễn |
“Anh không được khỏe mạnh như người ta, thương vợ thương con nhưng không có nghề gì, ai thuê chi thì làm nấy. Hồi tháng 3, chị quyết định vào miền Nam làm thuê. Vào đó, một doanh nghiệp thuê nấu cơm cho công nhân, tính ra mỗi tháng tằn tiện chi tiêu cũng tiết kiệm được hơn 3 triệu đồng.
Mới làm đến tháng thứ 3 thì Thùy mắc bệnh, chị bỏ việc, dắt túi được 7 triệu đồng đưa về. Không ngờ bệnh tình của cháu như thế này. Chị tưởng mình mất con rồi…”, chị Lê Thị Hà Nhi (SN 1974) rầu rĩ.
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã hội chẩn với BV Nhi Trung ương để có phương án tối ưu trong việc cứu chữa cho bé Thùy. Đó thực sự là một cuộc chiến với loại vi khuẩn ăn thịt người để giành giật sự sống cho bệnh nhân nhỏ tuổi này.
Hiện bé Thùy vẫn đang được theo dõi, chăm sóc đặc biệt với các loại kháng sinh hiếm, nằm ngoài danh mục thanh toán của BHYT |
Lúc này, bệnh nhi đã bị hoại tử tuyến mang tai, viêm mô tế bào gây tổn thương tổ chức xung quanh. Sau phẫu thuật tình trạng bệnh vẫn rất nặng, bệnh nhân nhiễm trùng máu. Bằng việc sử dụng kết hợp của nhiều loại kháng sinh hiếm, đắt tiền, chuyền máu và các chế phẩm của máu, tình trạng nhiễm khuẩn đã được khống chế nhưng tình trạng hoại tử, viêm nhiễm tại chỗ vẫn tiếp diễn ra. Hiện bé Thùy vẫn đang được theo dõi, chăm sóc đặc biệt.
Sự động viên, giúp đỡ của bác sỹ, nhân viên Khoa Răng – Hàm – Mặt, Phòng công tác xã hội Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng như người nhà các bệnh nhân trong khoa cộng với số tiền vay mượn của anh em, bạn bè chỉ giúp anh Lê Khắc Tới chi trả một phần viện phí. Số còn lại hiện vẫn đang được bệnh viện cho nợ.
Không còn tiền để trang trải, vợ chồng chị Hà Ly lần thứ 2 xin cho con ra viện dù các bác sỹ khẳng định với tình trạng sức khỏe hiện tại của bé thì vẫn chưa thể nói trước được điều gì |
“Cháu phải điều trị bằng nhiều loại kháng sinh đắt tiền, có lọ lên tới 460 nghìn đồng, mỗi ngày dùng đến 6 lọ. Bác sỹ bảo việc chữa trị vẫn đang khó khăn và phải kéo dài. Thương con lắm nhưng quả thật vợ chồng tôi không xoay được đâu ra từng đó tiền, đành xin đưa con về…”, anh Lê Khắc Tới buồn rầu.
Nói về tình trạng của bệnh nhi Lê Thị Thanh Thùy, bác sỹ Hùng cho hay: “Di chứng để lại hết sức nặng nề, toàn bộ tuyến nước bọt phía bên trái của bệnh nhân bị hoại tử, không còn chức năng. Những vùng xung quanh tai, ống tai ngoài cũng bị hoại tử, sau này sẽ bị biến dạng. Ngoài ra bệnh nhân còn có nguy cơ biến chứng viêm tai giữa, viêm màng não mang tai. Nói chung hiện vẫn chưa thể nói trước được điều gì”, bác sỹ Hùng cho biết thêm.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Anh Lê Khắc Tới, chị Lê Thị Hà Nhi – xóm 1, xã Nghĩa Minh, Nghĩa Đàn, Nghệ An
ĐT: 0969.256.774
Tác giả: Hoàng Lam
Nguồn tin: Báo Dân trí