Trong nước

Ngành Điện móc túi dân, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có biết?

Từ tháng 2 đến tháng 4/2014 do sửa nhà, thợ xây dựng dùng nhiều thiết bị điện (máy khoan cắt bê tông, máy hàn, điện chiếu sáng…) nên mỗi tháng gia đình phải trả khoảng từ 500.000 – 600.000 đồng tiền điện. Giữa tháng 4 công việc hoàn tất, nhà chỉ có hai người, sử dụng điện rất tiết kiệm nhưng tiền điện tháng 5/2014 lên đến gần 900.000 đồng. Hỏi người thu tiền thì nhận được câu trả lời: “Tại gia đình dùng nhiều, số trên công tơ chỉ như vậy”. Vấn đề là ở chỗ đơn giá mỗi số được tính lũy tiến (xem bảng 1), giả thiết ngay từ đầu năm 2014 mỗi tháng nhân viên ngành Điện ghi giảm đi 50 kWh thì hết tháng 4 sẽ tích lũy được khoảng 200 kWh dồn sang cho tháng 5. Nếu bình quân gia đình dùng 300 kWh một tháng và tạm lấy biểu giá mới để so sánh thì giá cao nhất mà họ phải nộp là 2.082 đ/kWh. Số điện tích lũy dồn sang tháng 5 sẽ chịu giá 2.324 đ hoặc 2.399 đ/kWh. Nghĩa là đắt thêm khoảng 300 đồng mỗi kW, điều này đồng nghĩa với việc người dân bị móc túi khoảng 60.000 đồng.

Một loạt bài viết phản ánh chuyện tiền điện của các hộ tiêu dùng tháng 5/2014 bị tăng đột ngột, người viết bài này cũng không ngoại lệ.
Ảnh minh họa.

Đây không phải là chuyện cá biệt mà diễn ra ở nhiều nơi, phải chăng đã có một sự chỉ đạo ngầm nào đó của ngành Điện? Nếu không thì không thể có chuyện xảy ra đồng loạt như vậy? Các quan chức ngành điện có thể chối bay chối biến nhưng không thể phủ nhận một thực tế vô lý mà người dân hết sức bức xúc. Việc làm này không phải là tinh vi gì, chỉ vì người dân không thể kêu ai khi mà lợi ích nhóm của ngành Điện đã được Bộ Công Thương “bảo kê”.

Giả sử có kiểm tra đồng hồ đo điện cũng sẽ không giải quyết được điều gì vì không thể quay ngược đồng hồ về thời điểm tháng 4 để biết chỉ số trên đồng hồ lúc đó là bao nhiêu. Cách duy nhất mà cơ quan phòng chống tham nhũng có thể tiến hành là kiểm tra lượng điện bán ra của từng đơn vị kinh doanh và doanh thu trong tháng so với các tháng khác. Việc này đáng tiếc lại là “bí mật kinh doanh” mà người dân không thể tiếp cận.

Tại huyện Gia Lâm, Hà Nội công tơ điện thường treo trên cột cao, người đi ghi số phải dùng thang và không bao giờ thông báo cho dân biết ngày ghi để dân kiểm tra, cách làm việc mù mờ này đã được duy trì từ nhiều năm nay. Đôi khi nhân viên ngành điện còn đánh đố: “Các bác muốn kiểm tra cứ trèo lên cột mà xem”.

Cách đây vài năm, toàn bộ đồng hồ đo điện của dân bị ngành điện thay thế kể cả các loại đồng hồ do Nga sản xuất. Người dân không hề biết việc kiểm định, đánh giá chất lượng đồng hồ như thế nào, chỉ biết sau đó số tiền phải nộp tăng lên hơn trước khi thay đồng hồ.

Truyền thông và các vị lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ nói nhiều về sự minh bạch, nói nhiều về chống tham nhũng nhưng xử lý tham nhũng chính sách, tham nhũng tập thể toàn ngành, cả Bộ thì chưa có chế tài xử lý (hay là chưa muốn xử lý?).

Tờ Thanh niên ngày 26/7/2012 viết: “Trên thực tế, theo nhiều nhà máy, vào mùa thấp điểm là mùa mưa, giá bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) của các nhà máy thủy điện chỉ 500 – 550 đồng/kWh. Với giá điện này hầu hết các nhà máy đều lỗ, dẫn tới tình trạng càng phát nhiều giờ trong ngày thì lỗ càng nặng. Trong khi đó EVN vẫn mua điện từ Trung Quốc với giá khoảng 1.300 đồng/kWh, gấp 2 – 3 lần giá mua điện của các nhà máy thủy điện”.

Sự độc quyền của ngành Điện kéo theo nhiều tệ nạn mà nhức nhối nhất là lợi ích nhóm. Mua điện của các nhà máy thủy điện trong nước vào mùa mưa, EVN chỉ trả khoảng 500 – 550 đồng/kWh. Trong khi đó Bộ Công thương quy định (từ 1/6/2014) giá bán điện sinh hoạt cho người dân chia thành 6 bậc, giá thấp nhất là gần gấp ba lần giá mua (1.388 đ/kWh) và cao nhất gần gấp 5 lần (bảng 1). Đấy là chưa kể giá điện còn thay đổi theo giờ, ban đêm khác, ban ngày khác, giờ cao điểm khác, giờ thấp điểm khác. Tất cả chung quy chỉ là các thủ thuật để có lợi cho ngành Điện. Khách hàng chỉ là “quả chanh” để ngành Điện tha hồ vắt, lấy đâu ra chuyện “khách hàng là thượng đế”?

Người dân mua càng nhiều điện càng phải chịu giá cao, nghịch lý kinh doanh này quả thật không khiến ai tâm phục, khẩu phục. Ngành Điện khi mua điện của các nhà máy có quy định 6 mức mua như khi bán không? Nếu giá mua là cố định thì tại sao lại phân thành 6 mức bán?

Bảng giá bán điện sinh hoạt theo quy định của Bộ Công thương từ 1/6/2014.

Báo Đất Việt ngày 30/6/2014 viết: “EVN ký hợp đồng mua điện giá cao với Công ty lưới điện miền Nam Trung Quốc (CSD). Hợp đồng mua điện của Trung Quốc được ký từ năm 2005 và chính thức mua điện từ 2009. Thỏa thuận hợp đồng hiện nay buộc phải cam kết về sản lượng và thời gian mua. Nếu không mua sẽ bị phạt, dẫn tới ngay cả khi nguồn cung cấp trong nước dồi dào vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Luật Điện lực ban hành ngày 3/12/2004 có hẳn một chương (chương 2) về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực. Vậy Bộ Công Thương (bộ Công Nghiệp cũ) để đâu quy hoạch và tầm nhìn đến nỗi điện trong nước dư thừa mà lại phải mua giá cao từ Trung Quốc?

Chỉ có hai cách lý giải, thứ nhất, các nhà hoạch định chiến lược, kể cả các cố vấn khoa học ngành điện không đủ năng lực dự báo, thiếu tầm nhìn về sự phát triển kinh tế của đất nước, dẫn tới đự báo sai.

Thứ hai, dù đủ năng lực dự báo, biết trước tình trạng sản xuất và tiêu thụ điện nhưng cố tình làm ngơ, tạo nguy cơ thiếu điện giả tạo để tăng giá phục vụ lợi ích nhóm?

Phải chăng nhiều nhà máy thủy điện không thuộc EVN không thể bán điện chính là lý do thiếu điện để hô hào tiết kiệm, để có cớ đặt ra tới sáu bậc giá điện bắt người dân phải mua giá cao?

Ngừng hợp đồng mua điện của Trung Quốc sẽ bị phạt, điều này là đương nhiên, nhưng tại sao không nghĩ đến chuyện mua điện (giá vừa phải) của các nhà máy trong nước lấy số tiền chênh lệch đó nộp phạt. Làm được như vậy vừa tránh lệ thuộc vào Trung Quốc, vừa cứu được các nhà đầu tư thủy điện, chờ đến khi nộp phạt xong thì mua theo giá thỏa thuận?

Cái sự nhức nhối của người dân với ngành Điện trong chuyện bị “móc túi” như báo chí phản ánh trong tháng 5 vừa qua chỉ là chuyện nhỏ nếu so với thiệt hai to lớn mà đất nước phải gánh chịu khi lệ thuộc vào nguồn năng lượng của nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.

Muốn dân tin, rằng lãnh đạo ngành Điện, Bộ Công thương thực sự vì dân, vì nước chỉ cần chấm dứt sự không minh bạch, chấm dứt kiểu lợi ích cục bộ, xử lý thật nghiêm đội ngũ nhân viên và các cơ sở kinh doanh đang thực hiện hành vi móc túi dân. Điều này khó nhưng Bộ Giao Thông đang làm được, sao Bộ Công thương chưa dám làm? Câu hỏi này xin dành cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

TS. Dương Xuân Thành

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP