Tin

Ngán ngẩm trào lưu ‘Hậu duệ mặt trời’, ‘Vợ người ta’ vào đề thi

‘Hậu duệ mặt trời’ đang ‘làm loạn’ đề thi

Những tưởng chỉ giới trẻ mới “phát cuồng” với các trào lưu nhưng hiện nay, các thầy cô giáo còn chạy theo vấn đề “hot” nhanh nhạy hơn cả học sinh.

Điều này khiến các bậc phụ huynh và dư luận không khỏi giật mình. Hiện tượng “soái ca” trong phim Hậu duệ mặt trời được đưa vào đề thi một cách “ồ ạt” khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng thầy cô giáo cũng thích “câu like”.

Theo ghi nhận của PV, gần đây, hiện tượng “soái ca” trong phim Hậu duệ mặt trời và bài hát Vợ người ta được đưa vào đề thi Văn lớp 8 làm nhiều người phải ngán ngẩm, thở dài.

Cụ thể, trong đề thi môn Văn học kỳ 2 lớp 12 của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị), nội dung liên quan đến bộ phim Hậu duệ mặt trời chiếm điểm số điểm cao ngất ngưởng (4 điểm).

Đề trích dẫn một đoạn bình luận về bộ phim này rồi kiểm tra khả năng đọc hiểu, kỹ năng tiếp nhận, phân tích văn bản của học sinh. Học sinh bám vào văn bản trích dẫn để làm bài. Một câu hỏi khiến nhiều học sinh ngỡ ngàng đó là: “Với niềm cảm hứng được gợi lên từ bộ phim cùng những gì văn bản này thể hiện, hãy viết một đoạn văn (không quá 15 dòng) với chủ đề: Nếu tôi là đạo diễn…”. Nhiều bạn học sinh không xem phim sẽ lắc đầu ngao ngán bởi đề thi quá “dị”.

Không chỉ đề Văn mà đề môn Vật lý, tiếng Anh cũng ăn theo bộ phim Hậu duệ mặt trời đình đám. Cách đây ít ngày, các học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) ngỡ ngàng trước đề thi học kỳ II môn Vật lý có phần đề dẫn lấy từ một tình huống trong phim Hậu duệ mặt trời đang gây sốt trên mạng hiện nay.

Cụ thể, trong câu hỏi số 5 (2,5 điểm) đưa ra yêu cầu: Trong tập 1 bộ phim Hậu duệ mặt trời, cảnh đại uý Yoo Shi Jin (do diễn viên Song Joong Ki thủ vai) hất điện thoại trên tay bác sỹ Kang Mo Yeon (do diễn viên Song Hye Kyo thủ vai) thật ấn tượng.

Giả sử chiếc điện thoại nặng 150g được đại uý ném thẳng đứng lên cao với vận tốc 18km/h từ vị trí cách mặt đất 1,5m. Chọn gốc thế năng ở mặt đất. a) Tính động năng, thế năng, cơ năng của điện thoại ở vị trí ném; b) Tính độ cao cực đại mà điện thoại lên đến; c) Ở độ cao nào thì có thế năng bằng một nửa động năng? Tính vận tốc lúc đó.

Ngán ngẩm trào lưu 'Hậu duệ mặt trời', 'Vợ người ta' vào đề thi - Ảnh 1

Nhiều đề thi đưa các trào lưu “nóng” do giáo viên lúng túng khi ra đề theo hướng mở?

Đại diện trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cho hay, chủ trương của trường là trong các bài giảng và kiểm tra giáo viên cố gắng gắn với đời sống, cao hơn nữa là gắn với tâm lý lứa tuổi học trò. Theo định hướng này, mỗi giáo viên sẽ tìm tòi đưa ra tình huống phù hợp với học trò.

Trước đó, đề thi Ngoại ngữ của một trường phổ thông trung học ở Hà Nội cũng xuất hiện câu hỏi liên quan đến bộ phim Hậu duệ mặt trời. Cụ thể, ở câu số 13 nêu: Song Joong Ki is a well – known… in Korea and Vietnam (tạm dịch: Song Joong Ki là một… nổi tiếng ở Hàn Quốc và Việt Nam).

Câu số 14 có nội dung: “Descendants of the Sun” is a Korean television… (tạm dịch: Hậu duệ mặt trời là một… truyền hình Hàn Quốc). Mỗi câu hỏi đều kèm theo 4 đáp án để học sinh lựa chọn đáp án. Và cách đây không lâu, nhiều học sinh còn vô cùng thích thú khi bài hát Vợ người ta cũng được đưa vào đề thi để mổ xẻ.

Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Mai (Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ: “Chắc chắn với cách ra đề thi mở, ăn theo trào lưu thần tượng thì nhiều đứa trẻ sẽ thích thú. Nhưng không phải học sinh nào cũng xem phim Hàn, cũng nghe bài hát “Vợ người ta”. Dường như đề thi đang chạy theo trào lưu, gây “sốc” nhiều hơn là quan tâm đến giá trị của đề thi”.

Đề mở chứ không phải tùy hứng

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Thị Kim Dung – Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Giáo dục (đại học Sư phạm TP.HCM) cho rằng: “Khi ra một đề thi, đặc biệt đối với những kỳ thi nghiêm túc sẽ có hai dạng đề thi đó là dạng đề đánh giá năng lực người học và dạng đề thi mở. Theo đó, đề thi phải hướng đến mục tiêu mà môn học đề ra.

Ví dụ những đề thi đó đánh giá về tính tư duy độc lập, sáng tạo, khả năng phê phán, phán đoán của người học, thậm chí đánh giá “tư duy bậc cao”- cách thuyết phục người khác, cách lập luận… của người học. Đề thi nào cũng phải hướng đến mục tiêu và thật sự nghiêm túc”.

Cũng theo bà Dung, thực tế hiện nay, trong nhiều cuộc thi, các giáo viên, nhà trường, ngành GD-ĐT ở các địa phương đã áp dụng cách ra đề mở. Cách ra đề mở, đưa các sự kiện thời sự vào đề thi khiến nhà trường, giáo viên, học sinh rất hào hứng.

Chúng ta có thể ra đề thi lấy từ dư luận, sự kiện nóng… nếu những sự kiện đó nằm trong mục tiêu chương trình giúp cho người học nhận thức được sự đúng đắn của những sự kiện, trào lưu xã hội. Tuy nhiên, nếu trong mục tiêu chương trình không có mà chỉ chạy theo trào lưu “hot” của giới trẻ thì cần xem xét lại.

Theo các chuyên gia giáo dục, đổi mới đề thi theo hướng mở là muốn hướng tới tính thực tiễn, cách nhìn đa chiều của học sinh trước các vấn đề cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều giáo viên đang bị lệch hướng, lúng túng cho rằng đề thi mở, thời sự nghĩa là phải “chớp” ngay các hiện tượng nóng sốt đang làm nghiêng ngả giới trẻ.

Đối với phim Hậu duệ mặt trời hay bài hát Vợ người ta chỉ là những sản phẩm của nghệ thuật, mang tính giải trí, không có thực ngoài xã hội. Chính vì vậy, việc ra đề thi liên quan đến hai sản phẩm này cũng cần phải xem xét nghiêm túc lại.

TS.Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội chia sẻ, sau Nghị quyết 29 của Trung ương, ngành giáo dục dần chuyển từ dạy học theo hướng cung cấp kiến thức, kỹ năng và thái độ sang phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Để thay đổi cách đánh giá theo hướng kiểm tra năng lực của người học thì đề ra không thể theo một khuôn mẫu có sẵn mà cần dựa vào các bối cảnh thực của đời sống luôn thay đổi.

Do đó việc đưa ra những đề mở để học sinh có cơ hội thể hiện được quan điểm, chính kiến và cách giải quyết của mình cho một vấn đề nào đó của cuộc sống là phù hợp với mục tiêu giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Dư luận hài lòng khi vấn đề nóng của đất nước như chủ quyền biển đảo được đưa vào đề thi cấp quốc gia. Tuy nhiên, đã là đề thi thì không thể ra theo kiểu tùy hứng, tùy thích mà phải có nguyên tắc!

Đề thi phải có nguyên tắc

“Đề mở hay đóng cũng phải có nguyên tắc nhất định, không thể làm một cách tùy tiện, tùy hứng được. Trước hết là phải kiểm tra được năng lực theo đúng trình độ nhận thức của lứa tuổi. Thứ hai là phải bảo đảm tính giáo dục và sát với đời sống thực của học sinh và thứ ba là gắn với truyền thống văn hóa, đời sống chính trị, xã hội của đất nước”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

N.Giang- M.Hằng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP