Theo thống kê của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước – NHNN), toàn hệ thống thanh toán đang có khoảng gần 50 triệu thẻ các loại gồm: thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ thanh toán, thẻ mua hàng…
Chỉ tính riêng đối với thẻ ghi nợ nội địa, kể từ khi cầm thẻ trên tay và đút vào giao dịch, khách hàng đã có “cơ hội” gánh 12 loại phí. Khởi đầu là phí phát hành, mức thu phổ biến 50.000 đồng/thẻ. Có thẻ rồi phải rút tiền, mà rút tiền phải trả phí. Thời gian đầu, phần lớn các NH đều khuyến khích khách hàng nên không thu phí rút tiền nội mạng. Nhưng phí rút ngoài hệ thống, mỗi lần là 3.300 đồng, nếu chuyển khoản thì vẫn mức phí này áp dụng cho cả chuyển khoản nội mạng. Để truy vấn số dư, chủ thẻ cũng phải trả 1.650 đồng/lần, muốn nhận bản sao hóa đơn giao dịch từ 10.000 đến 50.000 đồng/hóa đơn. Nếu để mất thẻ, muốn làm lại 50.000 đồng/lần, mất mã pin 10.000 đồng/lần, phí đòi bồi hoàn thiệt hại 50.000 đồng/giao dịch…
Thẻ tín dụng “gánh” 17 loại phí
Phí ở thẻ ghi nợ nội địa thật ra chưa thấm tháp gì nếu so với thẻ tín dụng, loại thẻ cho phép người dùng tiêu trước trả sau. Với loại thẻ này, khách hàng được NH cấp hạn mức tín dụng lên tới hàng trăm triệu đồng, tất cả các nhà băng đều miễn phí 45 ngày không phải trả lãi. Tuy nhiên, để sở hữu và sử dụng một chiếc thẻ như vậy, chủ thẻ phải gánh không dưới 17 loại phí, cùng với mức lãi suất cho vay cắt cổ. Điều đáng nói, những mức phí và lãi suất trên trời này hiện không được NHNN quy định biểu phí như thẻ ghi nợ nội địa và thường NH không thông báo trước cho khách hàng. Đó là lý do, nhiều khách hàng “tiêu trước” và “ngã ngửa sau” vì phí và lãi suất mà họ phải trả.
Đơn cử, theo biểu phí thẻ tín dụng Maritime Bank Platinum, riêng mức phí thường niên đối với mỗi thẻ chính đã lên tới 1,2 triệu đồng/năm. Khách hàng muốn truy vấn hạn mức tại ATM là 5.000 đồng/giao dịch, cao hơn rất nhiều so với mức 1.650 đồng của thẻ ghi nợ. Do đặc thù thẻ tín dụng chuyên dùng để thanh toán nên mức phí rút tiền mặt của loại thẻ này rất cao, trung bình khoảng 3% tổng số tiền giao dịch. Thẻ tín dụng Techcombank Visa thì cao hơn, 4%/số tiền rút. Bên cạnh đó, khách hàng còn phải chịu một loạt phí khác như thẻ Techcombank Visa gồm: phí cấp lại mã pin 30.000 đồng/lần, phí thông báo thất lạc 100.000 đồng, phí cấp bản sao kê 80.000 đồng/lần, phí xác nhận hạn mức tín dụng 80.000 đồng/lần, phí quản lý chuyển đổi ngoại tệ 2,39%/tổng số tiền giao dịch. Nhưng “chát chúa” nhất là phí chậm thanh toán. Nếu chậm dù chỉ một ngày, khách hàng sẽ phải trả phí 3% trên số tiền chậm trả (đối với thẻ Maritime Bank Platinum), còn với thẻ Techcombank Visa mức phí lên tới 6% trên tổng số tiền chậm thanh toán.
Phí dày đặc như vậy nhưng ngày 20.2 tới đây, khách hàng sử dụng thẻ ATM sẽ phải trả thêm mức phí thường niên từ 0 đồng đến 60.000 đồng/thẻ. Nếu rút tiền mặt trong hệ thống, trước kia chủ thẻ được miễn phí thì từ 2013, NHNN cho phép thu tối đa 1.000 đồng/giao dịch, trong 2014 tối đa 2.000 đồng và 2015 là 3.000 đồng. Chưa hết, với sự ràng buộc về hạn mức rút tiền tối đa 2 triệu đồng/lần, hoặc nhiều là 5 triệu đồng/lần, vòng quay trả phí giao dịch của chủ thẻ tăng lên rất nhiều lần. Nhưng đó mới chỉ là rút nội mạng, còn rút ngoại mạng, theo quy định mới NH được áp lên tới tối đa 15.000 đồng/giao dịch.
Chủ thẻ bị “chặt” đẹp
Không chỉ gánh “ma trận phí”, chủ thẻ tín dụng còn phải gánh lãi suất cao chót vót và nếu không cẩn thận sẽ rơi vào rất nhiều “bẫy” do các đơn vị phát hành thẻ thiết kế. Nhân viên tín dụng của NH thương mại cổ phần (TMCP) Á Châu (ACB) cho biết theo biểu phí mới nhất đối với thẻ tín dụng Visa Platinum, lãi suất cho vay thanh toán hàng hóa/dịch vụ là 24,8%/năm. Riêng lãi đối với thẻ tín dụng vàng và thẻ trả trước, lãi suất cho vay và lãi vay thấu chi còn lên tới 25,8%/năm. Mức này vẫn còn thấp hơn mức 26,8%/năm cho tất cả các loại thẻ tín dụng do Techcombank phát hành hạng chuẩn và 25,8% đối với hạng vàng. Có thể thấy, mức lãi suất cho vay phổ biến dao động từ 24-26%/năm, cao gấp 3 lần lãi suất huy động và gấp gần 2 lần lãi suất cho vay hiện tại. Với mức lãi này, nếu dùng thẻ tín dụng tiêu 100 triệu đồng, phải trả tới hơn 20 triệu đồng tiền lãi.
Lãnh đạo một NH cổ phần tại Hà Nội giải thích sở dĩ lãi cho vay qua thẻ cao vì hình thức này chứa đựng nhiều rủi ro bởi phần lớn là vay tín chấp. NH cũng phải chi phí nhiều cho các đối tác để tăng tiện ích thẻ như khuyến mãi, ưu đãi mua hàng, rồi bù đắp cho số khách hàng thanh toán trước hạn được miễn lãi suất 45 ngày.
Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận, thẻ tín dụng có lãi cao hơn các lĩnh vực cho vay khác cũng là điều dễ hiểu nhưng trong bối cảnh lãi suất cho vay hiện chỉ từ 10%/năm, cao nhất 15%/năm, thì mức lãi vay thẻ tín dụng như trên như đang “cắt cổ” người sử dụng. “Tôi không thể hiểu được, lẽ ra đã là khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt thì phải có cơ chế hỗ trợ, ưu đãi cho người dân. Lãi suất để cao như thế thì khó có ai đủ sức để trả được, vì vậy tới đây cần phải giảm xuống theo lãi suất thị trường, không thể một mình một ngưỡng, một chợ như thế”, TS Doanh kiến nghị.
Sau một thời gian dùng thẻ tín dụng, anh N.K.Hòa (H.Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc: “Tôi làm thẻ credit của Sacombank, lãi suất 1 tháng mới đầu chừng 0,7%/năm, không ngờ NH tự động nâng dần lãi suất tới bây giờ là hơn 2%/tháng. Lãi suất huy động thì giảm mạnh, lãi suất cho vay cũng đang hô hào giảm, còn mấy cái thẻ credit này lại âm thầm chặt đẹp. Đúng là NH luôn cho người dân nắm lưỡi, mà lưỡi dao này sắc thiệt, người dân đứt tay hết”.
Theo các chuyên gia, khi dùng thẻ tín dụng chính lãi suất mới là gọng kìm siết cổ chủ thẻ, chứ không phải món nợ gốc mà họ đã vay để chi tiêu qua thẻ. Hiện nay ở Mỹ và một số quốc gia phát triển bình quân lãi suất áp dụng với các khoản vay qua thẻ tín dụng vào khoảng 13% cũng đã bị khách hàng đánh giá quá cao nhưng so với mức lãi mà chủ thẻ Việt Nam phải trả thì chỉ bằng một nửa.
Anh Vũ
Thanh Niên