Hành vi này vừa vi phạm pháp luật vừa làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên. Để ngăn chặn tình trạng bẫy chim trời mùa chim di cư, Công an nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã ra đồng thu gom, tiêu hủy hàng trăm con cò giả làm “mồi” nhử để đánh bẫy.
Lực lượng Công an xử lý nạn bẫy chim trời. |
Địa điểm mà người dân “chọn” làm nơi đặt bẫy chim trời thường là các cánh đồng lúa đã được thu hoạch, gần đó có thêm những bụi cây lớn, rậm rạp hoặc những vũng nước nông.
Tại đây, họ găm cả trăm con cò giả được làm bằng xốp rồi cắm các thanh tre đã được quệt chất keo dính (dân săn chim gọi là nhạ) ở khắp nơi, từ giữa ruộng, bờ bao cho tới các lùm cây. Một số nơi, người dân còn dùng các thiết bị công nghệ để phát ra tiếng kêu của các loại chim trời. Những người đánh bắt còn sử dụng một số con cò thật để làm mồi nhử.
Suốt nhiều năm, tình trạng săn bắt, buôn bán chim tự nhiên diễn ra rầm rộ ở các địa phương như Thịnh Lộc, thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà); Xuân Liên, Cương Gián, Cổ Đạm (Nghi Xuân); Sơn Bình, Sơn Trung, Sơn Long, Tân Mỹ Hà (huyện Hương Sơn); Hòa Lạc, Tân Dân, Tùng Châu (Đức Thọ); Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh); Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Nam (TX Kỳ Anh)... Điều này dẫn tới số lượng chim trời ngày càng khan hiếm, ảnh hưởng đến cân bằng hệ sinh thái.
Để ngăn chặn triệt để tình trạng này, liên tục trong nhiều ngày qua, lực lượng chức năng cùng các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đã chủ động ra quân xử lý tình trạng săn bắt chim di cư. Công an các đơn vị địa phương tại Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện chủ trương, chính sách và quy định của Nhà nước về bảo vệ động vật hoang dã, động vật rừng và các loài chim di trú.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an Hà Tĩnh đã phối hợp với chính quyền địa phương bố trí lực lượng liên ngành đến tận các cánh đồng kiểm tra, thu gom các loại dụng cụ dánh bắt chim (cò); xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ngoài ra, rà soát những trường hợp cá nhân, hộ gia đình chuyên thực hiện vây lưới bắt chim tổ chức ký cam kết, nghiêm cấm không được săn bắt các loại chim di cư đến địa bàn.
Lực lượng Công an Thạch Hà xử lý bẫy chim trời. |
Điển hình gần đây nhất từ ngày 5 - 8/9 vừa qua, Công an huyện Cẩm Xuyên đã phối hợp cùng các lực lượng liên quan, kiểm tra, rà soát, tịch thu, tháo dỡ, tiêu hủy gần 800 chim xốp (chim giả bằng xốp), 5.000 que dính nhựa người dân dùng để săn bắt chim trời.
Lực lượng chức năng đã thả 80 cá thể cò còn sống về với môi trường tự nhiên, xử lý nhiều loại dụng cụ, phương tiện dùng để săn bắt chim trời trên các cánh đồng. Công an huyện Cẩm Xuyên cũng đang phối hợp các đoàn thể ở các địa phương, nhanh chóng truy tìm chủ nhân của những dụng cụ trên để xử lý hành vi vi phạm.
Theo Thiếu tá Trần Xuân Phong - Phó trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên cho biết: thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc bảo vệ các loài chim hoang dã, góp phần cân bằng hệ sinh thái môi trường.
Đồng thời, tổ chức ký cam kết cho các hộ gia đình, khu dân cư về việc bảo vệ chim di cư. Với những người vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Không chỉ có Cẩm Xuyên mà hiện tất cả các địa phương trong toàn tỉnh đều đang tập trung vào cuộc để ngăn chặn tình trạng đánh bắt, mua bán, chế biến, tiêu thụ chim di cư. Nhờ vậy, toàn tỉnh nói chúng và các vùng trọng điểm nói riêng (Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, Đức Thọ, Vũ Quang) tình trạng đơm, bẫy chim trời đã giảm. Hiện không còn cảnh chim mồi cắm trắng đồng, các lùm cây chi chít chim mồi.
Trong khoảng 15 ngày qua, lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng chức năng đã tổ chức 46 cuộc kiểm tra, phát hiện, thu giữ gần 5.800 con chim mồi giả, hơn 15.600 que nhạ, 11.250m lưới, 39kg nhạ, 13 bộ loa phát tín hiệu tiếng chim giả, 40m dây điện, 172 cột tre và thả vào tự nhiên 158 con chim mồi.
Với đà săn bắt tận diệt như hiện nay, nguy cơ tuyệt chủng của không ít loài chim không còn là chuyện xa vời. Nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá sẽ biến mất vĩnh viễn, nguy cơ mất cân bằng sinh thái sẽ tạo ra những hậu quả khôn lường đối với chính người nông dân như nạn sâu bọ, cào cào, châu chấu…
Công an Hà Tĩnh khuyến cáo người dân không tự ý đánh bắt, mua bán chim tự nhiên, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt chim trời hoang dã.
Tác giả: Thanh Ngà
Nguồn tin: cand.com.vn