Địa Chí Hà Tĩnh

Nét quê: Đất và người Bình Lộc – Lộc Hà

Bình Lộc là xã ven biển phía Đông huyện Can Lộc. Trải qua nhiều biến động lịch sử, thực hiện nghị định số 20/2007/NĐ-CP ngày 07/02/2007 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính, đến nay xã Bình Lộc thuộc xã mới của Huyện Lộc Hà có tổng diện tích 422ha, bao gồm 6 thôn, dân số khoảng 5368 người trong đó có 1/3 dân số đồng bào theo Giáo tập trung ở hai thôn.Địa giới hành chính phía Đông Bắc cạnh núi Côn Bằng, Truông Vùn, chùa Chân Tiên, chân núi Hồng Lĩnh; phía Tây nam giáp xã Tân Lộc và Thụ Lộc.

hatinh24h

Nhân dân Bình Lộc chủ yếu sống bằng nghề nông, nhưng ruộng đất ít, đất cát bạc màu, bình quân đầu người dưới 400m2 nên một số phải sống dựa vào các nghề thủ công và buôn bán nhỏ.

Trước cách mạng tháng Tám các nghề: nấu gang, đúc lữơi cày, làm võng lác, làm chỗi đót, kéo thau, dệt vải… thịnh hành hàng trăm năm, nhưng sau cải cách ruộng đất bị mai một dần.

Nghề buôn bán được phát triển khá sớm hành thành các phường buôn: mực khô, vây bóng cá, thau cước,… thông thương khắp  trong Nam ngoài Bắc. Từ khi có chợ Huyện số người buôn bán nhỏ, dịch vụ tạp hoá ngày càng đông đã làm biến đổi nền kinh tế thuần nông thành nền kinh tế nhiều thành phần. Nhất là từ khi có đường 22/12 đi qua, tỉnh lộ 7 từ Thị trấn Can Lộc đi xuống, vùng chợ Huyện và Bình Lộc đã hình thành như một thị tứ, trung tâm kinh tế, văn hoá của vùng ven biển Hạ Can Lộc.

Trong thời kỳ phong kiến đã có 1 tiến sỹ và 2 cử nhân, hàng chục tú tài, có nhiều người làm nghề dạy học; nghề thầy thuốc đã hành nghề ở quê nhà  và khắp nơi trong nước.

Toàn xã hiện có 6 tiến sỹ, hàng trăm cử nhân và gần hàng ngàn tú tài. Đặc biệt có 2 anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

Bình Lộc là nơi có truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, cần cù lao động xây dựng quê hương.

Cụ Lê Khắc Khoan là đô đốc, tước quận công mỹ kỳ, sau khi ông mất nhà vua phong tặng “Anh hùng hộ vận yên dân tuyên uy địch triết đại vương” có miếu thờ tại tổng Canh hoạch (miếu nhà vua).

            Ông Nguyễn Minh Tiệm đỗ tiến sỹ, có công dẹp thù trong giặc ngoài được phong tặng đặc tiên kim trí vinh lộc đại phu…

Thời kỳ 1930 – 1945, Bình Lộc là nơi có phong trào cách mạng sôi nổi và mạnh mẽ nhất, là nơi sinh ra nhiều cán bộ Đảng viên sớm giác ngộ và kiên cường như đồng chí Lê Thúc Cơ – xứ uỷ viên Trung Kỳ, Lê Bá Tuân, Nguyễn Xuân Phương…

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và giặc Mỹ xâm lược Bình Lộc đã có hàng trăm thanh niên lên đường ra trận, hàng trăm dân công phục vụ tiền tuyến. Các phong trào “Tuần lễ vàng” “Hũ gạo nuôi quân”, “Thuế nông nghiệp”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”,… được toàn dân hưởng ứng một cách nhiệt tình, triệt để đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất nứơc nhà. Nhân dân Bình Lộc đời đời ghi nhớ công ơn của các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc.

            Mặc dù là một xã có diện tích và dân số không lớn, nền kinh tế nông nghiệp còn măng nặng tính tự cung, tự cấp, lại bị thiên tai uy hiếp nặng nề, cùng với ảnh hưởng lâu dài của lễ giáo lối phong kiến. Nhưng Đảng bộ và nhân dân xã Bình Lộc vốn có truyền thống yêu nước, yêu quê hương, truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần lao động cần cù sáng tạo, lòng hiếu học và ý thức đoàn kết  cộng đồng, nhất định Bình Lộc sẻ đạt được những thắng lợi to lớn hơn trong sự nghiệp cách mạng mới, xây dựng quê hương giàu mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh./.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP