Nước màu đen có mùi hôi thối được thải ra biển ở xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh |
Nước bẩn xả ra môi trường
Có mặt tại khu vực bãi biển thôn Bắc Hòa và Phú Hòa (xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), chúng tôi ghi nhận tại đây có một hệ thống mương thoát nước chạy dài hàng trăm mét từ khu vực gần một số hồ nuôi tôm ở bên trong gần khu dân cư ra phía ngoài biển, trên lòng mương có nhiều đường ống bằng nhựa và bê tông được lắp đặt nổi đấu nối liền nhau. Nhưng nhiều ống bê tông hiện đã bị hư hỏng làm nước xả thải chảy tràn ra xung quanh; dòng nước trên mương có màu đen chảy xuyên qua bãi cát rồi đổ thẳng ra biển, kèm theo đó là mùi hôi thối khó chịu.
Theo một số người dân ở xã Cẩm Hòa, trước đây, khu vực này khi chưa quy hoạch nuôi tôm trên cát thì môi trường còn trong lành, người dân trong vùng ra đây tắm biển bình thường, nhưng từ khi có cơ sở nuôi tôm thì khu vực này ao tù nước đọng, ruồi muỗi xuất hiện nhiều, mùi hôi thối khó chịu...
Người dân nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng nhưng chưa thấy xử lý dứt điểm.
|
|
Nước thải bẩn được xả thẳng ra biển ở xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh |
Ông Trần Đình Cúc, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hòa, cho biết, từ năm 2014 tại thôn Phú Hòa và Bắc Hòa có khoảng 7 cá nhân, doanh nghiệp chủ yếu từ các địa phương khác đến đến đây để đầu tư triển khai dự án nuôi tôm trên cát với hàng chục hecta (dự án đã được tỉnh cấp phép). Tuy nhiên sau khi nuôi tôm được mấy năm thì một số cơ sở bị thất bại, thua lỗ. Hiện nay chỉ còn khoảng 4 cá nhân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục nuôi tôm với hàng chục hồ tôm.
Thời gian qua cơ quan chức năng huyện Cẩm Xuyên và xã cũng đã thành lập các đoàn về kiểm tra các cá nhân, doanh nghiệp nuôi tôm trong vùng. Tiếp đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra, làm việc với cơ sở nuôi tôm và lấy các mẫu nước xử lý đem đi xét nghiệm, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận. Sắp tới xã sẽ tiếp tục cử cán bộ xuống kiểm tra tại các cơ sở nuôi tôm và việc thực hiện quy định bảo vệ môi trường.
Được biết, hiện nay ở thôn Phú Hòa và Bắc Hòa có khoảng 260 hộ dân, người dân chủ yếu dựa vào nghề đi biển, sản xuất nông nghiệp...
Giám sát việc nuôi tôm
Cách xã Cẩm Hòa khoảng 15km, nhiều năm nay người dân ở xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cũng bức xúc phản ánh một số cơ sở nuôi tôm trên cát tại địa bàn trong quá trình nuôi, thu hoạch tôm xả thải nước bẩn ra khu vực khe Ngâm rồi chảy thẳng ra biển gây ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và hoạt động kinh doanh du lịch biển tại đây.
Sau nhiều lần phản ánh, kiến nghị của người dân và chính quyền địa phương, vào cuối tháng 7-2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức đi kiểm tra thực địa, làm việc với đơn vị liên quan về tình hình nuôi tôm và công tác bảo vệ môi trường tại khu vực khe Ngâm, xã Kỳ Xuân. Tham gia kiểm tra và làm việc có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đoàn ĐBQH -HĐND và UBND tỉnh, UBND huyện Kỳ Anh, UBND xã Kỳ Xuân và các cơ sở nuôi tôm tại khu vực khe Ngâm.
Qua kiểm tra, nhận thấy khu vực khe Ngâm được các hộ dân đầu tư cải tạo từ vùng đất trũng kém hiệu quả sang nuôi tôm công nghệ cao từ năm 2015 theo chủ trương kêu gọi của địa phương nhằm phát triển các mô hình xây dựng nông thôn mới. Sau 3 năm khó khăn do thiên tai, bão lũ, sự cố môi trường, từ năm 2018 đến nay các cơ sở nuôi tôm (1 hợp tác xã và 2 hộ dân) đã hoàn thiện hệ thống hồ nuôi, xây dựng các hạng mục xử lý môi trường, áp dụng kỹ thuật, công nghệ thâm canh cao nên đã nuôi có hiệu quả.
Tuy vậy, qua kiểm tra thực địa, khu vực khe Ngâm còn ứ đọng nước thải từ khu dân cư trong khu vực (khoảng 100 hộ) và của các cơ sở nuôi tôm, gây ô nhiễm môi trường; khu vực nuôi tôm chưa phù hợp với Quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên cát của tỉnh...
|
Nước thải bẩn được xả ra biển ở xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh |
Đến ngày 31-7-2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản số 4998/UBND-NL giao UBND huyện Kỳ Anh kiểm tra, rà soát tổng thể các nguồn nước thải tại khu vực khe Ngâm để có giải pháp xử lý đồng bộ, bảo vệ môi trường khu vực và vùng biển Kỳ Xuân. Đồng thời chỉ đạo UBND xã Kỳ Xuân khẩn trương khơi thông dòng chảy khe Ngâm, không để nước ứ đọng lâu ngày, hoàn thành trước ngày 30-8-2019.
Bên cạnh đó, yêu cầu các hộ nuôi tôm tại khu vực khe Ngâm xây dựng hệ thống dẫn nước thải đến khu xử lý tập trung của Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Bảo An Phú để xử lý trước khi xả ra môi trường theo quy định. Nếu các hộ nuôi tôm không chấp hành thì tiến hành đình chỉ và xử lý theo quy định, hoàn thành trước 30-8-2019.
Đồng thời chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi tôm tại khu vực khe Ngâm chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường theo quy định.
Trong thời gian khu vực khe Ngâm chưa bố trí, sử dụng theo Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch ven biển Kỳ Xuân (khu vực này quy hoạch đất cây xanh sinh thái), cho phép các cơ sở tiếp tục tổ chức nuôi tôm trong khoảng thời gian từ 3-5 năm, nhưng với điều kiện UBND huyện Kỳ Anh phải tiến hành kiểm tra, đánh giá về công tác nuôi tôm và bảo vệ môi trường hằng năm phải đảm bảo các quy định.
Trường hợp các cơ sở nuôi tôm có vi phạm phải đình chỉ và xử lý nghiêm theo quy định; đồng thời các cơ sở nuôi tôm phải có cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường.
Sở Nông nghiệp Phát - Priển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc nuôi tôm và bảo vệ môi trường tại khu vực khe Ngâm theo đúng quy định.
Tác giả: Dương Quang
Nguồn tin: Báo Sài Gòn giải phóng