Theo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), báo cáo cập nhật đến 17h ngày 29/9 không ghi nhận có người chết trong cơn bão Noru, nhưng mưa lớn sau cơn bão này đã gây ngập lụt ở nhiều địa phương làm 2 người chết và 1 người mất tích.
Mưa lớn sau bão Noru đã gây ra tình trạng ngập lụt diện rộng ở nhiều địa phương khiến 7.346 nhà dân bị ngập lụt. Trong đó, Nghệ An ghi nhận ngập lụt trên diện rộng với 7.036 nhà dân đang bị ngập lụt; Quảng Trị 1 nhà; Tp.Đà Nẵng 20 nhà; Gia Lai 16 nhà.
Cũng tại Nghệ An, mưa lũ sau bão Noru làm 2 người chết và 1 người đang mất tích.
Cũng theo thống kê ở các địa phương chịu ảnh hưởng của bão Noru cập nhật đến chiều 29/9, đã có 62 người bị thương (Quảng Trị 13 người; Thừa Thiên - Huế 8 người; Quảng Nam 41 người).
Mưa bão và mưa sau bão đã làm sập 160 nhà; 3.364 nhà bị hư hại, tốc mái...
Mưa bão cũng khiến 77 trường học bị ảnh hưởng, thiệt hại; 874 ha lúa, 4.455 ha hoa màu, 3.040 ha thủy sản bị ngập, cuốn trôi; 5.372 cây xanh gãy đổ.
Về thủy lợi, đê, kè, bão số 4 làm sạt mái hạ lưu đập Hóc Cối (Nghệ An), đã xử lý; 1.000m đê, kè biển ở Hà Tĩnh, Quảng Trị bị hư hỏng, sạt lở; 12 đập, hồ chứa ở Kon Tum bị xói lở kênh.
Mưa lớn sau bão Noru đang gây ra tình trạng ngập lụt ở nhiều tỉnh miền Trung. Ảnh: Thanh niên. |
Về sạt lở bờ sông, bờ biển, 2.660m bờ biển (Thừa Thiên Huế) và 1.040m bờ sông (Thừa Thiên Huế 320m, Hà Tĩnh 720m); 77 điểm trường bị ảnh hưởng (Huế 4, Đà Nẵng 25, Quảng Nam 21, Quảng Ngãi 27) và một số ghe, tàu nhỏ bị hư hại, chìm tại khu neo đậu.
Đối với giao thông, 65 vị trí bị ngập, sạt lở tại các tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 49B, 15D, 9D, 14E, 24, 24B, 24C, một số tuyến đường giao thông địa phương và 04 cầu treo, cầu tạm bị cuốn trôi.
Liên quan hệ thống điện, 10.510 trạm biến áp mất điện tạm thời; các địa phương đã khắc phục xong. Hiện còn 1 đường dây 110kV (thuộc lưới điện 110kV) chưa khôi phục, tỉnh Quảng Nam hiện đang tiếp tục khắc phục các sự cố mất điện tại 147 xã.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum đã bão hòa hoặc đạt trạng thái gần bão hòa (trên 85%). Trong khi đó, khu vực này vẫn tiếp tục có mưa trong những ngày tới.
Cơ quan khí tượng quốc gia cảnh báo nguy cơ cao, rất cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc đối với các khu vực sau:
Các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Quan Sơn của tỉnh Thanh Hóa. Các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông, Thanh Chương, Tương Dương, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An.
Tỉnh Hà Tĩnh có các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ. Tỉnh Thừa Thiên Huế có các huyện Nam Đông, Phong Điền, Hương Thủy, A Lưới. Tỉnh Quảng Nam có các huyện Nam Trà My Bắc Trà My Đông Giang Tây Giang Nam Giang Phước Sơn. Tỉnh Kon Tum: các huyện Đăk Glei Tu Mơ Rông Đăk Tô.
Chiều cùng ngày, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cũng có công điện yêu cầu các địa phương chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.
Tác giả: Hương Anh (tổng hợp)
Nguồn tin: nguoiduatin.vn