Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng xoáy thấp, đêm 20/7, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa. Riêng Sơn La, Hòa Bình và đồng bằng Bắc Bộ có mưa rất to, có nơi trên 100 mm như: Sơn Tây, Hà Đông, Ba Vì (Hà Nội) từ 120 đến 170 mm; Minh Đài (Phú Thọ) 270 mm, Bãi Cháy (Quảng Ninh) 110 mm.
Nhiều tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đang bị thiệt hại nặng do mưa lũ. Ảnh: Giàng A Lù. |
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hôm nay dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng xoáy thấp ở Bắc Bộ tiếp tục hoạt động mạnh, gây mưa to. Trong khi đó một vùng xoáy thấp khác ở Bắc Bộ đang có xu hướng dịch chuyển về phía vịnh Bắc Bộ, khả năng ngày mai mạnh dần lên thành áp thấp nhiệt đới.
Chuyên gia khí tượng cho biết, nếu khả năng này xảy ra, sẽ có mưa rất lớn ở một số tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, nguy cơ lặp lại trận lụt lịch sử cuối tháng 7 đầu tháng 8/2015 tại Quảng Ninh, với lượng mưa lên tới hàng nghìn mm.
Thủy điện Hòa Bình mở 4 cửa xả, nhiều sự cố đê điều
Trong đêm qua, lưu lượng về hồ Hòa Bình tăng đột biến so với dự báo từ 6.880 m3/s lúc 19h00 ngày 20/7 lên đến 9.680 m3/s (tăng 2.860 m3/s) và có khả năng tăng tiếp do diễn biến mưa phức tạp.
Sáng 21/7, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chồng thiên tai đã ban hành hai công điện yêu cầu thủy điện Hòa Bình mở thêm 2 cửa xả đáy. Trước đó, hồ Hòa Bình đã mở hai cửa xả đáy.
Hồ Hoà Bình sẽ mở bốn cửa xả để đảm bảo quy trình vận hành an toàn. Ảnh: Giang Huy. |
Hiện các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Mã, sông Cả ở dưới mực nước cho phép. Các hồ chứa thủy lợi Bắc Bộ đạt 35-65% dung tích thiết kế, riêng các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Bắc Giang, Hòa Bình, Ninh Bình - nơi có mưa lớn thời gian qua, nhiều hồ chứa đã tích đầy nước.
Tại huyện Yên Thành (Nghệ An), đập hồ chứa nước Lim, xã Đồng Thành, đang thi công sửa chữa bị vỡ 5 m đập. Đập Lùng, xã Thịnh Thành, khi có mưa, nước về hồ nhanh tràn qua đỉnh đập làm sạt lở 4 m phía vai trái tràn. Các sự cố không ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.
Vụ Quản lý đê điều cho biết, đã xảy ra 18 sự cố ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Các địa phương đang gia cố, khắc phục.
21 người chết và mất tích
Theo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đến sáng 21/7, mưa lũ đã làm 10 người chết (Yên Bái 8; Thanh Hóa 2), 11 người mất tích (Yên Bái 9; Thanh Hóa 2). Hơn 100 nhà bị sập, trên 3.000 nhà khác ngập, hàng nghìn nhà phải di dời khẩn cấp. Hàng nghìn ha lúa, hoa màu, thủy hải sản bị thiệt hại.
Nhiều tuyến đường Hà Nội sáng 21/7 bị ngập sâu. Ảnh: Gia Chính. |
Mưa lũ đã gây sạt lở, ách tắc giao thông. Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) thông tin, tuyến tỉnh lộ 163, 166, 172 ngập tại các ngầm tràn, tuyến đường 175 ngập gây tắc cục bộ ở Yên Bái.
Đường tỉnh 151, 161 tại Lào Cai bị ngập lụt, sạt ta luy gây ách tắc cục bộ... Hiện vẫn còn một số tuyến đường liên xã, liên thôn ở các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai bị chia cắt do sạt lở và ngập.
Từ ngày 13/7 đến nay, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới vắt qua Trung Bộ, kết hợp với một số vùng xoáy thấp tách ra từ dải hội tụ phát triển thành áp thấp nhiệt đới và bão, Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình mưa lớn. Dự báo, mưa to gây ngập ở vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất ở miền núi sẽ có kéo dài trong nhiều ngày nữa.
Tác giả: Võ Hải
Nguồn tin: Báo VnExpress