Dong thuyền ra biển, lặn xuống độ sâu hàng chục mét để mót xái sắt – Ảnh: Nguyên Dũng |
12 giờ trưa. Nhiệt độ trên bãi cát trắng tại cảng Sơn Dương (khu kinh tế Vũng Áng, H.Kỳ Anh) chạm ngưỡng 40oC. Hàng chục phụ nữ, đàn ông trung niên, có cả những người già, chạy theo những chiếc xe ủi đất, vật thải của siêu dự án Formosa, nhặt nhạnh từng mẩu sắt vụn, thanh thép đã hoen gỉ trộn lẫn trong đất cát. Cạnh đó, nhiều người cầm búa tạ, búa đinh, xà beng đập, nạy những khối bê tông để lấy vài ba mẩu sắt đang bị mắc kẹt trong đó.
Đàn bà đội nắng đập bê tông
Mỗi khi xe ủi, xe chở vật thải của siêu dự án Formosa đẩy, đổ đất cát có trộn lẫn “xái” sắt ra hướng sát cảng Sơn Dương là nhiều người xúm lại, chen lấn, nhanh tay lượm lặt bất cứ thứ gì có thể bán lại cho các đại lý thu mua đồng nát. Không có bất kỳ dụng cụ bảo hộ lao động nào phòng thân, tất cả những con người lam lũ tại đây, đều để tay trần đào bới, nhặt nhạnh từng thanh sắt thép, khuân vác từng mảng bê tông chứa sắt thép, dưới trời nắng bỏng rát, bụi phủ kín.
Người dân thôn Đông Yên mót sắt dưới cái nắng như đổ lửa tại dự án Formosa – Ảnh: Nguyên Dũng |
Mặt mũi lấm lem cát bụi, chân phải đạp lên tảng bê tông, hai tay giữ chặt cán búa đinh, đưa cao quá đầu, rồi đập mạnh xuống tảng bê tông khô cứng, chị Mai Thị Tịnh (44 tuổi, thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, H.Kỳ Anh), loạng choạng, suýt ngã vật xuống đất. Lấy lại thăng bằng, chị lại quai búa, cố đập thật mạnh, khiến mảng bê tông vỡ vụn, rồi nhặt vội những thanh sắt, cẩn thận để vào một chỗ. Khi thấm mệt, đói bụng hay khát nước, chị Tịnh và những “đồng nghiệp” của mình, lại chui vào những căn lều nhỏ, dựng tạm bợ trên bãi cát trắng cạnh cảng Sơn Dương để nghỉ chốc lát, ăn uống cầm hơi rồi lại tiếp tục công việc nặng nhọc.
Chị Tịnh cho biết đã nhiều năm nay, ngày nào chị và chồng là anh Nguyễn Trọng (46 tuổi), cũng miệt mài với nghề mót xái sắt tại siêu dự án này. Theo chị Tịnh, trước đây, gia đình chị và đông đảo bà con lối xóm đều bám biển mưu sinh, hằng ngày giong thuyền đi thả lưới, đánh bắt cá, tôm, cua, mực… bán kiếm tiền mua gạo, trang trải cuộc sống gia đình. Những nhà không đi biển thì trồng lúa, trồng khoai, tỉa bắp trên những thửa ruộng khoán. Từ năm 2008, gia đình chị Tịnh và tất cả người dân thôn Đông Yên phải chuyển lên khu tái định cư, nhường đất cho dự án Formosa. Nơi ở mới cách xa nơi ở cũ, cách biển đến 25 km, lại không có đất nông nghiệp để canh tác, thiếu công ăn việc làm, người dân phải bươn chải khắp nơi kiếm sống, trong đó nhiều người quay lại khu vực đang triển khai dự án Formosa mót sắt.
“Cùng đường mưu sinh nên mới phải làm công việc này chú ạ! Nghề mót xái sắt vất vả lắm. Chạy theo xe tải, xe ủi, tìm kiếm, nhặt nhạnh, đập từng mảng bê tông giữa nắng nóng, bụi bặm suốt cả ngày trời cũng chỉ mót được ít sắt vụn, kiếm được 50.000 – 200.000 đồng/ngày, tùy vào may rủi”, chị Tịnh nói.
Đàn ông mất mạng vì lặn biển
Nhiều năm nay, trong quá trình thi công hạng mục đúc giếng chìm và một số công trình khác tại cảng nước sâu Sơn Dương, sắt thép rơi xuống biển không ít và những người thợ lặn tìm cách trục vớt, bán đồng nát. Ngoài việc nhặt nhạnh sắt trên cạn, không ít người bà con của chị Tịnh cũng giong thúng, thuyền máy ra ngụp lặn ở độ sâu hàng chục mét biển để “khai thác nguồn xái sắt” này.
Anh Hoàng Thắng (49 tuổi, thôn Đông Yên), một thợ lặn đã có hơn 2 năm trong nghề, cho biết so với những người mót “xái” sắt trên cạn, những người lặn biển tìm sắt thường “gặt” được thành quả cao hơn, nếu may mắn “trúng quả đậm”, có thể kiếm cả nửa triệu mỗi ngày. Nhưng anh Thắng và những thợ lặn mưu sinh nơi đây cũng thấm thía, nghề lặn biển mót xái sắt, nguy hiểm gấp bội lần, nếu gặp bất trắc, nhẹ thì bị ngạt khí, nặng thì bị tàn tật hoặc tử vong.
Tháng 3.2015, anh Võ Xuân Lịnh (thôn Đông Yên) lặn biển tìm sắt mưu sinh. Trong lúc đang ở độ sâu hơn chục mét, vòi thở khí ô xy bất ngờ bị tụt khỏi miệng, anh Lịnh bị ngạt nước, bất tỉnh. Nhờ những bạn lặn đi cùng đưa lên bờ, cấp cứu kịp thời nên anh Lịnh may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc, nhưng cũng từ đó anh phải sống cuộc đời của một người bị tàn phế.
Theo ông Mai Văn Chất, Trưởng thôn Đông Yên, trong khoảng 7 năm trở lại đây, ở địa phương có 11 người tử vong vì gặp tai nạn trong lúc lặn biển mót sắt mưu sinh và 15 người bị tàn phế suốt đời.
Di dời gần 3.000 hộ dân Để triển khai dự án, từ năm 2006 đến nay, UBND Hà Tĩnh đã bồi thường giải phóng mặt bằng gần 2.000 ha đất, và di dời gần 3.000 hộ thuộc 9 xã của H.Kỳ Anh tới khu tái định cư. Ông Mai Văn Chất cho biết 70% dân số của thôn kiếm sống bằng nghề đi biển thả lưới đánh bắt hải sản, số còn lại mưu sinh bằng nghề làm nông. Khi toàn bộ người dân trong thôn phải nhường đất cho dự án Formosa, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Trong khi đó, ông Lê Trọng Bính, nguyên Bí thư H.Kỳ Anh, nay là Phó trưởng đoàn chuyên trách giải quyết tồn đọng tỉnh Hà Tĩnh, cho biết sau khi nhường đất cho dự án, người dân thôn Đông Yên nói riêng và hàng ngàn hộ khác thuộc địa bàn 9 xã vùng bị ảnh hưởng đã được nhà nước đền bù đầy đủ tiền đất đai, tài sản và hỗ trợ tiền để chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm. Khi chuyển tới khu tái định cư, một số hộ dân tự chuyển từ ngư nghiệp, nông nghiệp sang làm dịch vụ, thương mại; nhiều hộ khác vẫn tiếp tục gắn bó với nghề cũ hoặc thất nghiệp do chưa thể tự tạo công ăn việc làm. “Chính quyền địa phương vẫn đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp, triển khai dạy nghề, tạo việc làm… để hỗ trợ người dân vùng tái định cư”, ông Bính nói. Dự án Formosa là dự án lớn nhất của Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng. Đây là tổ hợp dự án bao gồm các hạng mục chính là nhà máy luyện gang thép, hệ thống cảng biển nước sâu và nhà máy nhiệt điện công suất 2.100 MW. |
Nguyên Dũng / Thanh Niên