Kinh tế

Mỗi ngày, Việt Nam chi 7 tỷ đồng nhập mỹ phẩm từ Trung Quốc, Thái Lan

Tính đến hết ngày 15/10, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Thái Lan và Trung Quốc là hai thị trường Việt Nam nhập khẩu mỹ phẩm nhiều nhất, trong đó thị trường Thái Lan ước tính mỗi ngày người Việt chi hơn 4,4 tỷ đồng nhập hàng mỹ phẩm, còn thị trường Trung Quốc, mỗi ngày cũng gần 3 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, lượng nhập mỹ phẩm và nguyên liệu mỹ phẩm (chất thơm, chế phẩm vệ sinh) từ nước ngoài trong 10 tháng qua của Việt Nam gia tăng nhanh hơn. Bên cạnh đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng đá quý, kim loại quý về Việt Nam cũng có chiều hướng gia tăng mỗi ngày.

Mỹ phẩm Thái Lan, Trung Quốc nhập vào Việt Nam

Tính chung về tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng mỹ phẩm, đá quý, gần 10 tháng qua, Việt Nam chi hơn 944 triệu USD (21.500 tỷ đồng), tương ứng khoảng 75,5 tỷ đồng/ngày, trong đó riêng mặt hàng mỹ phẩm và nguyên liệu, kim ngạch nhập về Việt Nam là trên 40 tỷ đồng/ngày, đá quý, kim loại quý là hơn 35 tỷ đồng/ngày.

Đáng nói, kim ngạch nhập khẩu mỹ phẩm năm 10 tháng qua đã tăng hơn 29 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, tăng 36 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, chỉ sau 2 năm, mức tăng thêm của giá trị nhập khẩu mặt hàng mỹ phẩm về Việt Nam tăng 1,1 tỷ đồng/ mỗi ngày.

Về thị trường, mỹ phẩm nhập ngoại có nguồn cung từ 7 thị trường: Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt, mỹ phẩm Thái Lan được nhập về nhiều nhất với kim ngạch mỗi ngày là 4,4 tỷ đồng, kim ngạch nhập khẩu mỹ phẩm từ Trung Quốc mỗi ngày gần 3 tỷ đồng, mỹ phẩm từ Indonesia là gần 2,9 tỷ đồng/ngày. Riêng mỹ phẩm Hàn Quốc mỗi ngày chỉ chi 2,2 tỷ đồng nhập khẩu, mỹ phẩm xuất xứ từ Nhật cũng chỉ khoảng 1,5 tỷ đồng.

Về đá quý, Việt Nam cũng chi gần 10.000 tỷ đồng để nhập mặt hàng nói trên, trung bình 35 tỷ đồng/ngày; trong đó nhập khẩu đá quý Hàn Quốc, Nhật Bản là nhiều nhất với kim ngạch trung bình gần 5 tỷ đồng/ngày.

Việc kim ngạch nhập khẩu mỹ phẩm, đá quý đang tăng mạnh cho thấy nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này ở Việt Nam đang rất lớn và có chiều hướng gia tăng khi thu nhập bình quân trên người của người dân đang tăng cao, đặc biệt là dân đô thị.

Tuy nhiên, báo cáo của Tổng cục Hải quan là con số nhập khẩu chính ngạch qua công ty, thương nhân có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, thị trường mỹ phẩm Việt Nam còn có hoạt động kinh doanh hàng xách tay, hàng nhập khẩu tiểu ngạch, hàng gian lận thương mại do nhập các nguyên liệu mỹ phẩm về đóng gói trong nước...

Sự nở rộ hình thức kinh doanh mỹ phẩm, tăng lượng và giá trị nhập mỹ phẩm, hàng xa xỉ phẩm cần được quản lý chặt chẽ, tránh làm phát sinh vấn nạn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng và khiến thị trường hàng mỹ phẩm ở Việt Nam bát nháo, khó quản lý.

Tác giả: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP