- Dạo gần đây Đại Nghĩa rất vắng tin, vì sao vậy?
Tôi vẫn làm công việc của mình, hầu như đi quay mỗi ngày. Có lẽ, tôi được các nhà đài ưu ái nên lịch làm việc vẫn dày đặc. Thỉnh thoảng, tôi có được buổi tối rảnh rang để thả hồn vào không gian riêng tư. Nếu tin về tôi có thưa thớt thì cũng đúng thôi vì có lẽ tôi đã cũ.
Tôi không phải nhân vật hot đến nỗi người ta phải rỉ tai nhau hỏi Đại Nghĩa đi đâu, làm gì, cũng không có gì gây sốc để thu hút mọi người. Nhất là khán giả đã thấy tôi trên truyền hình hàng tuần, thậm chí hàng ngày, chắc cũng ngán rồi nên có lẽ cũng không có nhu cầu tìm thêm tin nữa.
- Gạo cội như Hoài Linh cũng từng bị khán giả đề nghị hạn chế xuất hiện, còn anh thì sao?
Có chứ. Tôi không có thời gian xem hết những chương trình mình tham gia nhưng thỉnh thoảng có đọc được bình luận của khán giả. Họ hỏi vì sao lúc nào mở TV cũng thấy Đại Nghĩa, Trấn Thành, Trường Giang... Nhưng tôi không thể trả lời từng người được.
Tôi quan điểm khi mình còn có thể làm việc, còn được nhà đài, khán giả tin tưởng thì vẫn cứ làm thôi. Tôi không thể từ chối công việc vì lý do mình xuất hiện nhiều được. Tôi chỉ cân nhắc từ chối khi chương trình không hay, không phù hợp với mình hoặc không thu xếp được.
Bạn làm công chức, viên chức có từ chối việc giám đốc giao vì lý do đang làm tốt phần việc hiện tại không?
- Người ta đồn ngôi sao gameshow truyền hình giàu lắm, thu nhập hàng tỷ, điều này đúng sai thế nào với anh?
Thu nhập là câu chuyện rất nhạy cảm, tôi nghĩ không tiện để chia sẻ. Những nghệ sĩ đắt show truyền hình đúng là có thu nhập đáng mơ ước.
Nhưng ít ai biết, để có một tập gameshow chỉ 45 – 60 phút mà các bạn xem, nhiều nghệ sĩ đã mất đến mười mấy năm lao động miệt mài. Thu nhập của họ hôm nay chỉ là phần thưởng xứng đáng cho những năm tháng vất vả đó.
Mọi người thường nghĩ là nghệ sĩ thì thu nhập cao. Thực tế, nghệ sĩ giàu chỉ có một số nào đó thôi. Trong 10 nghệ sĩ, hết 8 – 9 người vất vả, thu nhập khiêm tốn rồi.
Đại Nghĩa băn khoăn hồi lâu mới chịu cho phóng viên chụp hình. Lý do anh để râu, tóc dài là để quay phim. Thời gian gần đây, Đại Nghĩa quá bận rộn với lịch công việc dày đặc nên không có thời gian chăm sóc ngoại hình. |
- Và Đại Nghĩa cũng từng như vậy?
Ngày tôi đặt chân vào trường sân khấu, gia đình 3 người chúng tôi từng có những ngày đói nghèo, trong túi chỉ còn vỏn vẹn 1 ngàn đồng để ăn. Chúng tôi mua một bó rau muống chia làm đôi, một nửa đem luộc và nửa đem xào. Nước luộc rau chắt ra làm canh, thế là có được một bữa cơm đủ 3 món.
Vào năm 2, tôi nhận học bổng từ trường 180 ngàn/tháng trong liên tiếp 2 tháng. Tôi và diễn viên Đức Thịnh chạy ra siêu thị ở ngã ba Vũng Tàu – gần như là siêu thị lớn nhất lúc đó. Chúng tôi mua mì gói, bánh mì tảng và một con gà làm sẵn. Chúng tôi muốn ăn gà để bù vào những ngày quá kham khổ.
Có thời gian, tôi đi múa, đi hát, làm hướng dẫn viên, tuyên truyền viên… để kiếm thêm thu nhập. Tôi từng đi diễn ở bất cứ nơi đâu, từ ngã tư đường đến giữa chợ, thậm chí từng diễn ở gầm cầu cho bà con lao động nghèo xung quanh xem với cát-xê 50 ngàn.
Tôi bắt đầu đi diễn cho Nhà văn hóa quận 5 với cát-xê 20 ngàn/suất. Có những buổi, chúng tôi chỉ cần bước ra sân khấu là được nhận tiền nhưng vừa kéo màn chuẩn bị ra thì trời đổ mưa, đành tay không đi về. Cát-xê chỉ 20 ngàn/suất nhưng thời đó tôi quý lắm, vì xăng có 5 ngàn/lít. Tôi diễn một suất là đủ tiền xăng đi học một tuần.
Sau đó, tôi may mắn được về sân khấu Idecaf dù chỉ được đóng vai quần chúng. Chẳng hạn, tôi đứng trong dàn đồng ca của vở “Bí mật vườn Lệ Chi” do anh Thành Lộc đạo diễn hồi vở này mới ra. Tôi được trả 140 ngàn cho mỗi suất diễn như thế.
Khi các suất thưa thớt dần, tôi chuyển sang đi tấu hài cùng Anh Vũ, anh Hữu Châu… kiếm 60 ngàn/buổi. Mỗi tuần đi tấu hài 2 buổi cũng vừa đủ sống, còn nuôi được gia đình. Khi ấy, ba tôi đổ bệnh nặng, mẹ phải đóng cửa tiệm may gia đình để thường xuyên vào bệnh viện chăm sóc cho ba. Gánh nặng kinh tế gia đình đè lên vai cho tôi gánh vác.
Nhờ Trời, tôi may mắn vượt qua. Dần dần, tôi kiếm được nhiều việc hơn, như đóng kịch truyền hình với cát-xê 200 ngàn/buổi. Cát-xê ở sân khấu Idecaf cũng tăng dần theo thời gian. Phải mấy năm sau, tôi mới bắt đầu nổi tiếng. Tôi sống thoải mái hơn nhưng vẫn chưa có dư. Nhưng ít ra, tôi cũng không phải đau đầu nghĩ có nên ăn một tô phở, mua cái áo mới hay không.
Tôi chỉ mới có thu nhập tốt mấy năm gần đây nhờ gameshow truyền hình. Những khoản dư, tôi dùng để chăm sóc ba mẹ tốt hơn, thỉnh thoảng mua cho mình vài món đồ.
Bạn đã tin rằng không có thành công nào đến trong một sớm một chiều chưa? Thật ra, vẫn có những người vừa bước vào nghề đã một đêm thành sao nhưng hiếm hoi vô cùng.
Thành công của Đại Nghĩa hôm nay là quá trình nỗ lực 19 năm. Anh nỗ lực vì tự ý thức mình không đẹp, không có tiền và cũng không đủ khéo léo. |
Đã không đẹp còn không biết nỗ lực thì lấy gì ăn?
- Vì sao anh có thu nhập cao từ gameshow truyền hình nhưng vẫn đi đóng kịch ở sân khấu Hoàng Thái Thanh ngay cả khi cát-xê không cao?
Tôi xuất phát từ diễn viên sân khấu nên niềm đam mê sân khấu chưa bao giờ vơi. Năm 2017, tôi rất buồn khi phải rời Idecaf – cái nôi đưa tôi vào nghề, do không sắp xếp được công việc riêng. Tròn 17 năm đứng trên sân khấu Idecaf, đóng hàng trăm vai diễn mới có Đại Nghĩa của ngày nay.
Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn ngồi nhớ lại những khoảnh khắc tung hoành cùng anh chị em trên sân khấu, nhất là kịch thiếu nhi “Ngày xửa ngày xưa”. Điều đó làm tôi nhức nhối, xót xa.
Sau này, tôi may mắn được sân khấu Hoàng Thái Thanh mời về đóng thay các diễn viên đã ngừng cộng tác trên bản dựng có sẵn. Nhờ vậy, tôi chỉ mất vài ngày thay vì hơn cả tháng, để tập kịch nên khá dễ để thu xếp lịch cá nhân.
Dù có vắt kiệt sức diễn 3 tiếng, có đêm diễn xong bị tắt tiếng luôn nhưng tôi vẫn thấy hạnh phúc. Cát-xê không bao nhiêu nhưng mình đã yêu thì không tính toán gì cả.
- Anh có buồn khi khán giả đánh giá cao Trí Quang cho vai Tư Nhớ (vở Nửa đời ngơ ngác) hơn anh?
Tôi chưa nghe gì nhưng nếu khán giả có nói thế thật thì tôi cũng không buồn đâu. Anh Quang là một diễn viên giỏi nghề chứ không phải tay mơ! Anh ấy đã diễn năm dài tháng rộng, phá vai từ rất lâu rồi. Trong khi tôi chỉ là người thay vai, chỉ có 2 buổi rưỡi ráp vai với mọi người. Vì vậy, những ai xem cả hai bản sẽ không tránh khỏi sự so sánh. Nếu đánh giá cao anh Quang hơn tôi cũng là lẽ dĩ nhiên.
Chưa kể anh Quang là kép đẹp, ở anh ấy toát lên sự chân chất, thật thà trong khi tôi đóng đinh với vai hài hoặc phản diện. Phải vào vai nông dân quê mùa cục mịch, tôi không có chất tự nhiên nên buộc phải dùng nhiều kỹ thuật diễn. Bạn công nhận rằng cái gì chất phác cũng dễ cảm tình hơn không?
Nhưng nếu khán giả chưa từng xem Trí Quang mà thấy Đại Nghĩa diễn hay thì tôi đã thành công rồi.
- Nhưng nhiều người cao to, đẹp trai hơn chắc gì đã thành công bằng anh?
Tôi không bao giờ tự hào mình thành công hơn ai hay so sánh với ai. Từ xưa đến nay, tôi chỉ biết làm tốt việc của mình.
Trong nghề này, bạn cần nhất là tài năng. Hoặc bạn diễn dở cũng được nhưng phải đẹp đến mức người ta cần bạn vào vai ‘bình bông’. Nếu không đẹp cũng không giỏi, hãy có nhiều tiền để mua vai diễn bạn thích. Nếu không có cả 3 thứ này, bạn cần là người ‘thủ đoạn’.
Từ ngày đặt chân vào cổng trường, tôi đã ý thức rõ điều này. Tôi không đẹp, không có tiền, cũng không đủ khéo léo để luồn lách mà còn không biết nỗ lực thì lấy gì ăn? (cười lớn)
Chính xác là tôi nỗ lực bù đắp cho những khiếm khuyết của mình. Hồi xưa, mỗi trưa khi các bạn khác lo ăn uống, ngủ nghỉ thì tôi rủ Đức Thịnh đi tập. Buổi chiều, sau khi tan lớp, chúng tôi vẫn tiếp tục tập cho đến khi bị bảo vệ đuổi.
Nam diễn viên hào hứng 'khoe' với VietNamNet 'cái áo vài trăm, cái quần vài trăm và đôi giày 800 ngàn' khi gặp phỏng vấn. |
Nghệ sĩ chúng tôi sống có tình chứ không vô cảm
- Dường như cơ hội trong nghề này như cái chăn hẹp, người này đắp thì người kia hở. Có những nghệ sĩ rất giàu có, nhưng cũng có người chết trong đói nghèo…
“Nghệ thuật vốn bay bổng, màu hồng cổ tích” là ảo tưởng của những người mới vào nghề, những chàng trai cô gái mới lớn hay mộng mơ. Họ nhìn vào những ngôi sao thần tượng và tin rằng thế giới nghệ thuật chỉ luôn bay bổng, lung linh như thế. Nhưng thực tế, nghệ thuật là nơi không ngừng sàng lọc cực kỳ khắc nghiệt. Đằng sau tấm huy chương luôn là mặt sần sùi.
Mỗi năm, trường sân khấu chọn được vài trăm sinh viên từ hàng nghìn người thi tuyển để phân bổ vào các lớp. Đến khi tốt nghiệp, mỗi lớp còn vỏn vẹn vài sinh viên. Lớp của tôi và Đức Thịnh có đến 10 người tốt nghiệp, nhiều nhất khóa 1 trường Cao đẳng Sân khấu – điện ảnh lúc đó. Một nửa trong số đó có thể theo nghề và chỉ 1 – 2 người nổi tiếng. Như vậy có khắc nghiệt không?
Nhưng nói đi cũng nói lại, vì sao chúng tôi vẫn hay kêu gọi quyên góp giúp đỡ những đồng nghiệp trong cảnh khốn cùng? Đó là tình nghệ sĩ. Mặc cho mọi người hay nói chúng tôi sống bạc, không có tình thân. Tôi không phủ nhận có một phần nào đó như vậy nhưng showbiz cũng không thiếu tình người ấm áp.
Chúng tôi chưa hẳn quen nhau hay từng làm việc chung nhưng vẫn chìa tay ra cho nhau. Chúng tôi sống có tình chứ không vô cảm.
Trong thời gian rất ngắn, lần lượt những nghệ sĩ chúng tôi yêu mến đã ra đi. Anh Anh Vũ, chú Lê Bình, rồi NSƯT Giang Châu và thầy Thành Trí ra đi trong cùng một ngày! Làm sao không quặn lòng?
Điều chúng tôi làm tuy nhỏ bé nhưng để họ thấy mình không cô đơn.
- Và cũng có nhiều nghệ sĩ ở thời hoàng kim đã tự phá tán tài sản, ăn chơi sa đọa hoặc mê cờ bạc mà đến tuổi xế chiều bỗng trắng tay… Cám dỗ nào khiến rất nhiều tên tuổi gạo cội đều đi theo một vết đổ?
Tôi là hậu bối, đàn con cháu nên không dám phê phán ai cả. Nhưng mỗi thời mỗi khác, như mấy chục năm trước, chúng ta chỉ có sân khấu chứ xi-nê chớp bóng còn rất xa xỉ. Khán giả đổ xô xem kịch, nghe cải lương, dĩ nhiên nghệ sĩ sân khấu thu nhập rất cao.
Có lẽ, vì dễ dàng kiếm được tiền nên chúng ta nghĩ rằng ngày mai cũng sẽ như hôm nay. Nhưng ai biết đâu giá trị cuộc sống thay đổi, người nghệ sĩ không tránh khỏi hụt hẫng. Vì vậy, một số bậc tiền bối không còn dư dả, sung túc như thời hoàng kim.
Nghệ sĩ trẻ chúng tôi ngày nay thấy trước mắt cảnh sân khấu đìu hiu, vật giá leo thang, kiếm ra đồng tiền lại không dễ nên có ý thức giữ gìn, tích cóp hơn. Chúng tôi luôn tự nhắc nhở mình khi qua thời thì còn gì để sống.
Cá nhân mình, dám hỏi bạn: từ xưa đến giờ có ai thấy Đại Nghĩa xài hàng hiệu chưa? Cái áo tôi đang mặc vài trăm ngàn, cái quần vài trăm, đôi giày lấp lánh ‘kim sa hột lựu’ này đắt nhất: 800 ngàn.
Tôi làm nghệ sĩ mà không có một món đồ nào xa xỉ. Có lẽ, tôi xuất thân từ nghèo khổ, từng vật lộn kiếm từng đồng nên không có sở thích xài hàng hiệu, ngay khi cả khi bây giờ thu nhập đã tốt hơn nhiều. Nhưng tôi không hà tiện đâu nhé! Tôi vẫn biết tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của mình.
- Ở tuổi 40, anh vẫn một mình, bất chấp những tin đồn thất thiệt?
Ai gặp tôi cũng hỏi chuyện vợ con nhưng nói mãi lại không hay, nhất là nói trước bước không qua. Chí nguyện của tôi không phải lấy vợ, sinh con rồi cùng nhau ngồi giữ tiền. Tôi đã chọn cuộc sống hiện tại với công việc, bên cạnh tôi có gia đình, bằng hữu và khán giả.
Ngoài nghệ thuật, tôi đi làm thiện nguyện với bạn bè, ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc mình có một gia đình riêng. Bao lâu nay tôi vẫn sống như thế và thấy rất thanh thản. Ai yêu thương Đại Nghĩa sẽ biết tôi làm gì, sống thế nào và đó có lẽ là câu trả lời chính xác nhất.
Ở tuổi này, tôi cũng không mong cầu gì cho mình. Nói nghe có vẻ sáo rỗng nhưng tôi là Phật tử nên thường cầu nguyện cho mọi người thôi.
Tác giả: Gia Bảo
Nguồn tin: Báo VietNamNet